MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những trung tâm hành chính nghìn tỷ đồng

Để đưa tất cả cơ quan nhà nước về một mối, tạo thuận lợi cho người dân khi giao dịch hành chính - công, nhiều tỉnh thành đã xây trung tâm hành chính với chi phí nhiều nghìn tỷ.

1. Trung tâm hành chính hơn 500 tỷ tại Lai Châu

Với tổng vốn đầu tư 554 tỷ đồng, song Lai Châu có Trung tâm hành chính đồ sộ và cảnh quan được đánh giá là tuyệt đẹp nằm trên nền đồi cao ráo, rộng 5 ha. Trước trung tâm là Quảng trường Nhân dân và Trung tâm Hội nghị văn hóa của tỉnh. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước có trung tâm hành chính tập trung, được đưa vào sử dụng năm 2009 để chào mừng 100 năm thành lập tỉnh.

Trung tâm gồm 6 tòa nhà bề thế (hai khối nhà 9 tầng và 4 khối nhà 7 tầng) là nơi làm việc của HĐND - UBND và 36 cơ quan, đơn vị hành chính, cơ quan Đảng của tỉnh.

2. Trung tâm hành chính hơn 1.000 tỷ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Trung tâm hành chính tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phường Phước Trung (TP Bà Rịa) trên khu đất rộng khoảng 20 ha được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2012, tổng mức đầu tư là hơn 1.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Một phần ngân sách sẽ thu lại khi tỉnh bán đấu giá trụ sở các sở ngành trước đây tại TP Vũng Tàu.

Trung tâm được quy hoạch và đầu tư mới theo mô hình tập trung, hiện đại gồm 7 cụm tòa nhà văn phòng, mỗi cụm cao 6 tầng phục vụ cho tất cả các khối nghiệp vụ hành chính, nhà nước của tỉnh. Việc đưa tất cả các sở ngành về một nơi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân thực hiện giao dịch hành chính, liên hệ công tác và các công việc liên quan.

3. Toà nhà hành chính 1.400 tỷ đồng ở Bình Dương

Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương được xây dựng tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một (cách trụ sở cũ khoảng 9 km), thuộc Thành phố mới Bình Dương. Khánh thành từ tháng 2/2014, trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương có độ cao 104 mét, có cả bãi đáp trực thăng, tổng số vốn đầu tư là 1.400 tỷ đồng

Trung tâm hành chính gồm tòa tháp đôi A và B, có diện tích sàn 104.000m2, cao 21 tầng (chưa kể 2 tầng hầm) và bãi đáp trực thăng do một công ty của Singapore thiết kế. Mặt trước của trung tâm hành chính là sân rộng, nhiều thảm cỏ. Phía trước là công viên Thành phố mới Bình Dương vừa được xây xong. Mặt sau tòa nhà là một vòng xoay lớn nhất Đông Nam Á, kết nối các trục đường chính của Thành phố mới đang dần hoàn thiện.

4. Trung tâm hành chính hơn 2.300 tỷ ở Đà Nẵng

Tòa nhà Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng tọa lạc số 24 Trần Phú, phường Thạch Thang, quận Hải Châu được khởi công từ tháng 11/2008 với tổng vốn đầu tư xây dựng 2.321 tỷ đồng có hình dáng như ngọn hải đăng hướng ra biển. Sau nhiều lần gia hạn, công trình được đưa vào vận hành từng phần từ cuối tháng 7/2014 và đến nay bắt đầu đi vào hoạt động, phục vụ người dân.

Phần đỉnh tháp phía trên cùng được thi công bằng kết cấu bằng thép, phủ kính, dành cho hệ thống kỹ thuật, dự kiến sẽ thành nơi giải trí, ngắm Đà Nẵng từ trên cao. Tòa nhà sở hữu hệ thống gồm 13 thang máy (3 thang phục vụ khối đế, 10 thang phục vụ khối tháp) được chia làm 3 nhóm và vận hành bằng phần mềm thông minh

5. Trung tâm hành chính hơn 1.000 tỷ của Lâm Đồng

Ngày 23/4/2015, Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng tọa lạc ngay tại trung tâm Thành phố Đà Lạt đã chính thức được khánh thành. Công trình được phê duyệt tổng đầu tư 1.014 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Khởi công xây dựng vào cuối năm 2009, công trình gồm hai khối nhà 9 tầng và 6 tầng cùng 3 tầng hầm với tổng diện tích xây dựng 13.126m2, tổng diện tích sàn 56.171m2. Trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng là nơi làm việc của khoảng 1.400 cán bộ của 49 sở ngành và đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc tỉnh.

6. Hải Phòng xây khu trung tâm hành chính mới gần 10.000 tỷ đồng

Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, chính trị thành phố rộng 324 ha nằm trên huyện Thủy Nguyên và quận Hồng Bàng, với tổng kinh phí đầu tư là 9.894 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương gần 6.855 tỷ, còn lại là ngân sách TP Hải Phòng và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Phối cảnh khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng mới tại bờ Bắc sông Cấm.
Phối cảnh khu trung tâm hành chính - chính trị thành phố Hải Phòng mới tại bờ Bắc sông Cấm.

Thời gian thực hiện dự án từ 2015 đến 2020, được chia thành 3 giai đoạn: chuẩn bị dự án (hoàn thành trong năm 2015); thực hiện dự án (từ năm 2016 đến 2019) và giai đoạn kết thúc xây dựng, đưa công trình vào sử dụng năm 2020.

Đến nay, thành phố đã hoàn thành một số phần việc, như tổ chức khảo sát hiện trạng khu vực xây dựng dự án; xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Được biết, Dự án được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương, đang được các bộ, ngành xem xét, thẩm định theo quy định.

7. Khánh Hòa chi 4.300 tỷ xây khu trung tâm hành chính hình tổ yến

Dự án có tổng diện tích khu vực quy hoạch 126 ha ở xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang. Trong đó, trung tâm hành chính tập trung rộng 37 ha còn lại là khu nhà ở thương mại, dịch vụ văn phòng 89 ha. Quy mô người sử dụng tối đa trên toàn khu vực là 5.000 người… Tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.300 tỷ đồng, riêng vốn xây dựng hạ tầng và công trình kiến trúc cho khu trung tâm hành chính là hơn 3.000 tỷ.

Khu trung tâm đô thị hành chính mới của Khánh Hòa dự kiến xây theo hình tổ yến, trong đó tòa nhà chính quyền được tạo hình khối khổng lồ như một quả trứng đang nở.


Mô hình khu trung tâm đô thị hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa.

Mô hình khu trung tâm đô thị hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa.


Tòa nhà chính quyền Khánh Hòa được tạo hình khối như một quả trứng khổng lồ đang nở.

Tòa nhà chính quyền Khánh Hòa được tạo hình khối như một quả trứng khổng lồ đang nở.

UBND tỉnh đã có văn bản giao cho một công ty thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, đầu tư hạ tầng cho cả khu đô thị, làm đường và một số công trình. Sau đó, tỉnh sẽ giao lại các khu đất tại sân bay Nha Trang để hoàn vốn cho công ty này.

Được biết, Chính phủ đã phê duyệt, đồng ý về nguyên tắc áp dụng hình thức hợp đồng (xây dựng – chuyển giao) để UBND Khánh Hòa triển khai dự án xây dựng khu Trung tâm đô thị hành chính.

8. Hơn 2.000 tỷ xây dựng trung tâm hành chính tập trung Hải Dương

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép tỉnh Hải Dương được xây dựng Khu trung tâm hành chính tỉnh này rộng 19,5ha theo hình thức BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) tại khu đô thị mới phía đông thành phố Hải với tổng kinh phí đầu tư khoảng 2.060 tỷ đồng; Trong đó, sẽ lấy từ ngân sách tỉnh khoảng 1.000 tỷ đồng; nguồn vốn bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ khoảng 200 tỷ đồng; các nguồn thu sử dụng đất của một số dự án trên địa bàn tỉnh

Theo thiết kế, trung tâm hành chính tập trung Hải Dương bao gồm 5 khu: Khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc UBND tỉnh; trung tâm hội nghị; khu sân đường nội bộ, cây xanh, quảng trường, bãi để xe, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà và khu dịch vụ. Đây sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền của tỉnh.

9. Nghệ An xây trung tâm hành chính hơn 2.100 tỷ đồng

Phương án quy hoạch sơ bộ đã chọn khu đất tiếp giáp Đại lộ Lê Nin (TP. Vinh) và vòng xuyến Lê Hồng Phong – Đại lộ Lê Nin, rộng chừng 3,77 ha để xây dựng khu hành chính tập trung. Công trình gồm hai tòa tháp cao 27 tầng, cao 106 m, gắn kết qua cầu nối ở tầng 21-22, đủ chỗ làm việc cho 1.700 người. Tổng khái toán dự kiến hơn là hơn 2.100 tỷ đồng.

Công trình được đánh giá là có thiết kế đặc biệt, không giống bất cứ tòa nhà nào ở Việt Nam, tọa lạc trên khu đất quy hoạch rộng hơn 52.000 m2. Trong đó diện tích xây dựng là hơn 10.000 m2, nằm sát bùng binh Đại lộ Lê Nin. Được biết, Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho Nghệ An xây dựng khu trung tâm hành chính này.

10. Hà Tĩnh muốn xây trung tâm hành chính 1.500 tỷ

UBND tỉnh Hà Tĩnh đang lên kế hoạch xây dựng trung tâm hành chính với số vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng. Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trước mắt Hà Tĩnh muốn triển khai giai đoạn 1 (gồm hạ tầng kỹ thuật và tòa nhà cao tầng thứ nhất bố trí chỗ làm việc cho 8 đến 10 sở, ngành) với số vốn là 800 tỷ đồng.

Diện tích khu vực dự kiến thực hiện dự án là 46 ha, trong đó Nhà trung tâm hành chính là 10 ha, 36 ha còn lại quy hoạch các khu chức năng đô thị. Dự kiến hoàn thành công trình vào năm 2017.

Trụ sở hiện tại của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 
Trụ sở hiện tại của UBND tỉnh Hà Tĩnh. 

Nguồn vốn thực hiện dự án này sẽ từ ngân sách tỉnh; nguồn vốn từ bán, đấu giá đất trong 36 ha (phần ngoài 10 ha xây dựng trung tâm hành chính); nguồn vốn thu được từ việc bán các trụ sở sẽ chuyển đi và các nguồn vốn hợp pháp khác.

11. Thái Bình xây dựng trung tâm hành chính 2.000 tỷ đồng

Theo quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đồng ý về nguyên tắc và yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình rà soát kế hoạch sử dụng đất và hiện trạng cơ sở vật chất của hệ thống trụ sở làm việc các cơ quan; căn cứ tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở, định hướng biên chế của cơ quan hành chính Nhà nước để xác định quy mô xây dựng trung tâm hành chính - chính trị phù hợp. 


Trụ sở hiện tại UBND tỉnh Thái Bình

Trụ sở hiện tại UBND tỉnh Thái Bình

Theo UBND tỉnh Thái Bình,  Trung tâm Hành chính- Chính trị tỉnh Thái Bình dự kiến sẽ được xây dựng tại Khu đô thị Hoàng Diệu (TP.Thái Bình). Trung tâm sẽ được xây dựng trên diện tích rộng khoảng 12 đến 15 ha, gồm xây dựng 2-3 khối nhà làm nơi làm việc của các cơ quan Đảng, hành chính, đoàn thể, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ngành. Kinh phí đầu tư dự án khoảng 2.000 tỷ đồng.

12. TPHCM chốt phương án thiết kế khu trung tâm hành chính trên "đất vàng"

Lãnh đạo UBND thành phố vừa thống nhất ý kiến các chuyên gia, chọn phương án của một công ty Nhật Bản làm đồ án thiết kế xây dựng Khu trung tâm hành chính UBND TP HCM trong thời gian tới. Theo quy hoạch, Trung tâm hành chính TP HCM có diện tích 18.000 m2 được giới hạn bởi 4 tuyến đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi sẽ là nơi làm việc của 8 cơ quan nhà nước với 90 phòng ban trực thuộc gồm khoảng 1.700 người.


Phương án thiết kế Trung tâm hành chính TP HCM vừa được chọn.

Phương án thiết kế Trung tâm hành chính TP HCM vừa được chọn.


Trung tâm hành chính TP HCM được giới hạn bởi 4 trục đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng và Đồng Khởi thuộc phường Bến Nghé, quận 1.

Trung tâm hành chính TP HCM được giới hạn bởi 4 trục đường Lê Thánh Tôn, Pasteur, Lý Tự Trọng và Đồng Khởi thuộc phường Bến Nghé, quận 1.

Các cơ quan sẽ được bố trí tại khu trung tâm hành chính sau khi xây dựng xong gồm: Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội Vụ, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Công thương, Ban đổi mới doanh nghiệp, Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Giao thông Vận tải.

 

Lan Nhi (Tổng hợp)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên