MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự kiện “trục vớt” Usilk City: “Không ngồi yên chờ chết”

Khách hàng Usilk City đã thống nhất yêu cầu SĐTL phải áp dụng chế tài dứt khoát và mạnh mẽ với các khách hàng “chây ỳ" không chịu đóng tiền.

“Không tin nhau” đó là lời thốt lên của vị chủ tịch của Sông Đà Thăng Long, chủ đầu tư siêu dự án Usilk City trên đường Lê Văn Lương kéo dài (Hà Đông), và đó cũng là nguyên nhân khiến Usilk City “đắp chiếu” suốt gần 2 năm nay.

Một phương thức  quản lý mới, một tinh thần quyết tâm của Ban đại diện khách hàng, và một cái bắt tay đã làm thay đổi tất cả, Usilk City có thể sẽ về đích nếu khách hàng đồng lòng cùng chủ đầu tư, và mô hình mới tại dự án này đã trở thành mô hình “giải cứu” chưa có tiền lệ trên thị trường BĐS hiện nay.

Khách hàng Usilk City “tự cứu mình”

Nhắc lại câu chuyện tại Usilk City, hàng năm nay khách hàng đã trải qua những tháng ngày đầy vất vả, khó khăn. Từ “bao vây” trụ sở chủ đầu tư, khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo,…cho tới căng băng rôn đòi quyền lợi. Nhưng kết quả thì công trình vẫn án binh bất động, chậm tiến độ, căn hộ không hoàn thiện được vì thiếu tiền.

Đã nhiều lần, ông Nguyễn Trí Dũng, chủ tịch của SĐTL cũng đã bày tỏ “lời xin lỗi” đến các cổ đông, đến nhà đầu tư, khách hàng của dự án vì để công trình chậm tiến độ là do chủ đầu tư “mộng tưởng” quá lớn, đầu tư dàn trải.

Để Usilk City về đích điều cần có là vốn, thế nhưng, điều tréo ngoe là khách hàng không nộp thêm tiền nữa vì mất niềm tin vào chủ đầu tư, chủ đầu tư thì không có tiền để xây tiếp, ngân hàng cũng không giải ngân vì thiếu tin tưởng, mặc dù BIDV và SĐTL đã có được hợp đồng tín dụng hạn mức 300 tỷ cách đây gần một năm, nhưng công trình vẫn giậm chân tại chỗ.

Đến nay, để giải bài toán trên, khách hàng Usilk City đã đưa ra một mô hình quản lý dòng tiền chưa từng có để cứu dự án Usilk City, và mô hình này được Ban đại diện khách hàng cho là đó là giải pháp “tự cứu mình”, ngay lập tức phương án này đã được chủ đầu tư đồng thuận, cũng như “cái gật đầu” của ngân hàng.

Tự quản lý dòng tiền

Phương án “tự quản lý dòng tiền” này dường như chưa có tiền lệ trên thị trường BĐS, và nó đang mở ra một chút hy vọng cho các cư dân tương lai của Usilk City.

Theo đó, tất cả các khách hàng mua căn hộ tại cụm CT1 Usilk City (103, 102 và 101 – đã xong kết cấu phần thân) đều mở tài khoản cá nhân tại BIDV –Chi nhánh Thanh Xuân, và nộp số tiền còn lại của mình theo Hợp đồng bắt đầu tư 1/8/2013, số tiền phải nộp được chia ra làm 23 lần tương ứng với 23 tuần (đó là thời gian dự kiến để hoàn thiện cụm CT1) với lượng vốn ước tính là 350 tỷ.

Một tài khoản chung được mở tại tại BIDV (gồm 1 đại diện SĐTL và 3 đại diện của khách hàng), từ tài khoản cá nhân của khách hàng tại BIDV sẽ đổ tiền vào tài khoản chung này, sau đó từ tài khoản chung này chuyển vào tài khoản của SĐTL tại BIDV sau khi đã kiểm tra thực tế tiến triển công việc, từ tài khoản của SĐTL sẽ giải ngân cho các nhà thầu.

Với cách làm này, khách hàng đều tin rằng, số tiền của họ sẽ trực tiếp đổ vào công trình chứ không bị SĐTL mang đi đâu đó, hay bị các đối tác của chủ đầu tư siết nợ.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Trí Dũng, đây là mô hình quản lý dòng tiền rất chặt chẽ. BIDV có cơ sở để tin tưởng và giải ngân cho dự án, nhà thầu cũng tin tưởng để triển khai, còn khách hàng cũng tin để nộp tiền. Như vậy, đây là giải pháp tốt, tích lũy niềm tin, giảm áp lực tài chính.

“Trảm” khách hàng không chịu nộp tiền

Cũng trong buổi họp, khách hàng Usilk City đã thống nhất với nội dung, yêu cầu SĐTL phải áp dụng chế tài dứt khoát và mạnh mẽ với các khách hàng chây ì không chịu nộp tiền theo đúng tiến độ trong HĐMB (vì làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của đa số khách hàng muốn sớm được nhận nhà). Chế tài cao nhất là đơn phương chấm dứt hợp đồng, chuyển đổi sang các tòa chung cư khác.

Chủ đầu tư cũng đã đồng ý với đề nghị này, và theo đại diện SĐTL, chủ đầu tư bắt đầu “trảm” những khách hàng không chịu nộp đủ số tiền, đã có 6 trường hợp bị thanh lý hợp đồng. Ngày 24/7, SĐTL sẽ gửi thông báo cuối cùng đến nhóm khách hàng này, nếu khách hàng nào không đồng ý với phương án này thì chủ đầu tư sẽ thanh lý hợp đồng.

Cũng theo chủ đầu tư, hiện có khoảng 100 hồ sơ khách hàng Usilk City ở những tòa khác có nhu cầu nhận nhà ở, và có giá trị số tiền đóng tương đương ở cụm CT1 là khoảng 70% xin đăng ký “thế chân” nếu có khách hàng bị thanh lý hợp đồng.

Theo Ban liên lạc khách hàng, sau khi thống nhất được phương án nộp tiền, đến nay đã có lượng lớn khách hàng nộp tiền vào tài khoản trong tổng số tiền khoảng trên 300 tỷ khách hàng Usilk City phải nộp để hoàn thiện dự án.

Như vậy, có thể thấy, mô hình “quản lý dòng tiền” vào dự án của khách hàng Usilk City là một mô hình khá chặt chẽ, hiệu quả. Nếu thành công, môt hình này rất có thể sẽ được triển khai ở nhiều dự án “đắp chiếu” khác, cũng chỉ vì mất niềm tin và thiếu vốn khiến công trình ngưng trệ. Có thể đó sẽ là “lối thoát” của nhiều dự án trong bối cảnh thị trường BĐS bị suy giảm niềm tin một cách trầm trọng như hiện nay? Điều này vẫn còn ở phía trước, khi Usilk City còn chưa hoàn thành.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên