MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPHCM: Thanh tra dự án M&C Tower

Sau nhiều năm dự án M&C Tower “trùm mền”, mới đây ông Võ Văn Luận, Chánh văn phòng UBND TPHCM, cho biết UBND TP đã giao Thanh tra TP thanh tra toàn diện dự án M&C Tower.

Lý do thanh tra là do dự án liên quan đến những khiếu kiện của cán bộ nhân viên công ty và các cổ đông góp vốn vào liên danh, chậm giao nhà cho khách hàng...Thực ra không phải lần đầu chính quyền TP hối thúc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vào tháng 3-2015, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên-Môi trường và Thanh tra TP làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015.

Nếu quá thời gian nêu trên mà dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng TP báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật.

Dự án M&C Tower là tòa văn phòng và căn hộ hạng A tọa lạc tại trục đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng-Võ Văn Kiệt (quận 1).

Công trình được xây dựng trên diện tích đất 6.672m2, bao gồm một khối đế làm trung tâm thương mại dịch vụ cao 6 tầng (diện tích 23.000m2), một khối văn phòng cao 34 tầng (diện tích 49.000m2) và khối căn hộ gồm 133 căn hộ cao cấp, cùng các dịch vụ tiện nghi khác.

Dự kiến sau khi hoàn thành sẽ là tòa nhà cao thứ ba tại TPHCM (42 tầng, cao trên 195m), đứng sau tòa nhà Bitexco (68 tầng, cao 262m), tòa nhà The One (55 tầng, cao 240m)

Tòa nhà có tổng vốn đầu tư 256 triệu USD này do CTCP Địa ốc Sài Gòn M&C làm chủ đầu tư, là liên doanh giữa TCT Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), CTCP M&C, Ngân hàng TMCP Đông Á và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á. Nhà thầu chính là BouyGues Batiment International (Pháp).

Công ty Hòa Bình là thầu phụ thi công kết cấu 5 tầng hầm và toàn bộ bê tông cốt thép phần thân, với giá trị hợp đồng hơn 6 triệu USD. Ngoài ra, còn có các tên tuổi lớn như DP Architects của Singapore (thiết kế kiến trúc), Cisco Systems của Hoa Kỳ (tư vấn hệ thống mạng quản lý tòa nhà).

Năm 2009, giữa lúc thị trường BĐS đang lao dốc, dự án M&C Tower vẫn được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành vào năm 2011. Nhưng tính đến thời điểm này, đã 6 năm trôi qua, dự án không thể hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Ông Trần Hùng Việt, Tổng Giám đốc Saigontourist, đơn vị nắm 30% vốn của dự án, cũng từng lý giải nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ  là do “các cổ đông chưa thu xếp được vốn để tiếp tục xây dựng, giãn tiến độ để chờ thị trường hồi phục...”. Tuy vậy, hiện nay thị trường BĐS đã khởi sắc, dự án vẫn chưa có dấu hiệu nhúc nhích, khởi động trở lại.

Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất TP, bất kỳ ai nhìn khối bê tông bề thế bên chân cầu Khánh Hội cũng đều suýt soa về sự kiêu hãnh của nó. Đó là một siêu dự án đẳng cấp, với những căn hộ hạng sang bán ra với giá 8.000USD/m2, mặt bằng bán lẻ, khu văn phòng cho thuê với giá 35-40USD/m2/tháng.

Vậy nhưng khi đến gần ghé mắt vào bên trong công trình, mọi thứ đều ngổn ngang, hoang phế, tĩnh mịch đến bẽ bàng. Những “ông chủ” và “cư dân” hiện nay trong cao ốc này không ai khác là 4-5 bảo vệ được một nhà thầu thuê đến để bảo vệ tài sản.

Chính vì dự án ngưng trệ kéo dài, thế nên hàng loạt nhân viên và người lao động bỗng dưng bị “bỏ rơi”, không biết kêu ai. Trước tình hình đó, năm 2014, ông Đào Anh Đạt, Chủ tịch Công đoàn CTCP địa ốc Sài Gòn M&C, đã liên hệ nhiều cơ quan báo chí phản ánh công ty không trả lương, trốn đóng BHXH cho người lao động với số tiền lên đến vài tỷ đồng. Dù công đoàn nhiều lần nhắc nhở, lên tiếng bảo vệ người lao động, song công ty cố tình phớt lờ, không đáp ứng.

Rủi ro hơn cả là những khách hàng đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua căn hộ. Nếu dự án phá sản, khách hàng có nguy cơ mất trắng vì tất cả tài sản hình thành sẽ rơi vào tay các tổ chức tài chính. Anh Tr. một khách hàng mua căn hộ tại đây cho biết, đã bỏ ra trên 15 tỷ đồng để mua căn hộ ngay từ những ngày đầu sản phẩm đưa ra thị trường.

Phát hiện dự án ngưng thi công do thiếu vốn, công ty thay tổng giám đốc như thay áo, người có trách nhiệm luôn tìm cách né tránh, anh đã yêu cầu thanh lý hợp đồng. Thanh lý hợp đồng xong, anh Tr., cho biết vẫn không đòi được tiền và buộc phải khởi kiện ra tòa.

Ghi nhận cho thấy, dự án hiện đã thi công cơ bản xong phần thô, đạt khoảng 80% khối lượng công trình. Các hạng mục còn dang dở cần được hoàn thiện như lắp kính bên ngoài tòa nhà, hệ thống vách ngăn, lát sàn, cơ điện...Ước tính, với 80% khối lượng công trình đã hoàn thiện, chủ đầu tư đã đầu tư vào đây khoảng 4.000 tỷ đồng, và để hoàn thiện phải cần thêm trên 1.000 tỷ đồng nữa.

Trong lúc phải gồng gánh khoản nợ vay lên đến hàng ngàn tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng, việc xoay sở thêm hơn 1.000 tỷ đồng để đưa tòa nhà vào kinh doanh ở thời điểm hiện nay rõ ràng là một bài toán khó. Giả định rằng, nếu chủ đầu tư bế tắc, chấp nhận bán lại toàn bộ dự án trên, thử hỏi nhà đầu tư nào đủ tầm bỏ ra khoảng 6.000 tỷ để sở hữu nó?

Theo MINH TUẤN

Đầu Tư Tài Chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên