MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác giữa năm 2015

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,5km, gồm 12 ga với tổng mức đầu tư 552,9 triệu USD.

Trong đó vốn ODA của Trung Quốc là 419 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành đưa vào khai thác giữa năm 2015.

Trao đổi với PV Báo GTVT điện tử chiều qua, ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục ĐSVN cho biết: Tính đến ngày 15-9-2011, nhà thầu đã hoàn thành được 11 cột trụ trong tổng số 465 cột, bao gồm 7 cột dưới hồ Đống Đa từ BI 10 đến BI 16 và 4 cột trên bờ từ BR 3 đến BR 6. Hiện nhà thầu đang thi công các cột từ BI17 đến BI 24. Sau khi các cột trụ được hoàn thành, sẽ tiến hành lao dầm theo trụ bằng máy chuyên dụng.

Cũng theo ông Doanh, khó khăn lớn nhất trong thi công dự án này là những khúc cua do phải GPMB với kinh phí và diện tích lớn. Đó là các khúc cua ở ga đầu của tuyến là ga Cát Linh. Tiếp đó là khúc cua Đường Láng- Hào Nam; Sông Tô lịch và đường Nguyễn Trãi; khúc cua vào đề pô.

Theo lãnh đạo Cục ĐSVN, không có ga Royal City trên tuyến này. Ga Cát Linh mới là ga trung chuyển, kết nối các tuyến đường sắt trên cao ở Thủ đô, trong đó có tuyến Hà Nội - Nhổn tại khách sạn Hozizon. Đây cũng là tổ hợp thương mại lớn ở Thủ đô.

Tuyến đường này có 12 ga bao gồm: ga Cát Linh, Đê La Thành, ga Thái Hà, ga Đường Láng, ga ngã tư Sở, ga Đại học KHTN, ga Vành đai 3, ga Thanh Xuân, ga Bến xe Hà Đông, ga La Khê, ga Văn Khê và ga Hà Đông.

Theo thiết kế đoàn tàu vận hành trên tuyến này gồm 4 toa xe, 2 toa có buồng lái và 2 toa có động cơ. Dự kiến khi đưa vào hoạt động, Lượng hành khách tối đa trên mỗi chuyến tàu tàu có thể lên đến trên 1.700 người, số ghế ngồi là 156. Năng lực chuyên chở 23.200 người/ hướng/ giờ. Tốc độ vận hành tối đa của tàu là 80km/h, bình quân 35km/h. Tần suất vận chuyển tối đa 2 phút/chuyến, hoạt động từ 5h - 22h hàng ngày. Đây sẽ là một tuyến giao thông công cộng góp phần giải bài toàn ùn tắc giao thông ở Thủ đô.

Được biết, thời gian để thi công tuyến đường sắt này là 48 tháng, trong đó có 2 năm giải phóng mặt bằng. Để đẩy nhanh tiến độ thi công, hiện các nhà thầu đang tiến hành thi công theo hình thức “có mặt bằng đến đâu thi công đến đó”.

Phối cảnh tuyển đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông

Thông tin từ UBND TP Hà Nội, TP đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh – Hà Đông đưa vào năm 2014, tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn – Hà Nội) đưa vào sử dụng đúng kế hoạch, năm 2016.

Bên cạnh đó, TP cũng hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo; phối hợp với Bộ GTVT triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi để hoàn thành năm 2018.

Theo Thủy - Thanh

Báo GTVT

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên