MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình cảnh 'sống còn' của các nhà quản lý quỹ

Lĩnh vực mang lại tên tuổi cho những nhân vật tầm cỡ như Peter Lynch, Bill Miller và Bill Gross... đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng mang ý nghĩa sống còn.

Trong nhiều năm, nhà đầu tư đơn lẻ luôn cảm thấy bức xúc với mức phí cao cũng như tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với kỳ vọng khi tin tưởng trao tiền cho các quỹ đầu tư có tên tuổi. Nhưng thời thế đã thay đổi. Họ đang dần chuyển sang đầu tư tiền vào các quỹ đầu tư có mức phí thấp hơn với lợi nhuận thu về thông qua các danh mục đầu tư dựa nhiều vào các chỉ số chứng khoán và trái phiếu. Người ta gọi đây là các quỹ đầu tư thụ động. Và dường như, thời hoàng kim của hình thức đầu tư chủ động đã lui dần vào dĩ vãng.

Đầu tiên, rất ít người để ý đến việc dòng tiền đang dần chảy khỏi các quỹ quản lý bởi các nhà quản lý tài sản hàng đầu trong ngành. Đích đến của dòng tiền này là các loại hình có chi phí thấp hơn. Việc dịch chuyển vốn từ các quỹ đầu tư theo hình thức chủ động đã đẩy mức phí dịch vụ xuống rất thấp, dẫn đến hệ quả là hàng nghìn người bị mất việc, đòi hỏi sự liên kết trên quy mô lớn giữa các công ty. Thực trạng đó đã đẩy ngành công nghiệp này, với vốn hóa lên đến 74.000 tỷ USD, theo tính toán của Boston Consulting Group, đến gần hơn tới bờ vực đổ vỡ, nơi chỉ một công ty mạnh nhất trong ngành mới có thể trụ lại.

"Chúng ta rõ ràng đang ở một thời điểm mang tính bước ngoặt", theo Philips Darling, trưởng bộ phận quan hệ đối tác tại Buy-Side Club. Ông cũng đồng thời là một chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực quản lý đầu tư.

Tình cảnh sống còn của các nhà quản lý quỹ - Ảnh 1.

Các công ty cùng quy mô tài sản đang quản lý (AUM) năm 2018 và thay đổi AUM giai đoạn 2014 - 2018.


Để có cái nhìn rõ nét nhất về những diễn biến trong tương lại, ai sẽ là kẻ thắng, người thua, Bloomberg đào sâu vào các khía cạnh chi phí, nhân sự cũng như tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành. Các chuyên gia phân tích tiết lộ rằng tình hình đang rất khó khăn đối với các nhà quản lý quỹ đầu tư theo hình thức chủ động, khi họ không duy trì được quy mô cũng như thiếu động lực để trụ lại với thị trường.

Sự kết hợp giữa các yếu tố như cuộc chiến về phí, chi phí tăng cùng với tốc độ gia tăng tài sản đang tạo ra một sức ép "chưa từng có tiền lệ" đối với các nhà quản lý quỹ, theo Ben Phillips, quản lý kiêm trưởng bộ phận hoạch định chính sách quản lý đầu tư tại công ty tư vấn Casey Quirk, một đơn vị thành viên của Deloitte Consulting LLP.

"Điều đó tạo ra 'một ly cocktail đắng ngắt' cho ngành công nghiệp chưa từng bao giờ bận tâm về chi phí cố định, mức phí cũng như khả năng thanh khoản", Phillips cho biết.

"Tất cả mọi người đều cảm thấy bất ngờ. Không ai có thể dự đoán trước được điều đó. Tưởng chừng như rất đơn giản nhưng không ai có thể lường trước được".

Các nhà đầu tư phản ứng bằng cách đổ xô vào các hình thức đầu tư bị động trong một vài năm trở lại đây. Các quỹ chỉ số (index funds) được cho rằng sẽ "dẫn trước" các quỹ đầu tư chủ động tại Mỹ vào năm 2021, theo một tính toán của Moodys công bố hồi tháng 3 vừa qua.

Quan điểm cho rằng hình thức đầu tư chủ động có thể bị đánh giá cao quá mức không hề mới. Burton Malkiel, nhà kinh tế học thuộc Đại học Princetion, tác giả của cuốn sách gối đầu kinh điển về ngành quản lý đầu tư "A Random Walk Down Wall Street", từng so sánh sự cam đảm của các nhà đầu tư giống như một chú khỉ bịt mắt ném phi tiêu khi lựa chọn các mã cổ phiếu.

Jack Bogle, nhà sáng lập của Vanguard Group, người đã tạo dựng nên sự phổ biến cho các quỹ chỉ số, lại tỏ ra kiên định rằng phần lớn các nhà quản lý quỹ đầu tư chủ động không xứng đáng với mức phí mà họ lấy từ túi khách hàng.

Tuy nhiên quan điểm trên chỉ thực sự thu hút được sự chú ý của dư luận sau khi các nhà đầu tư vấp phải thiệt hại lớn đối với danh mục đầu tư của họ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008. Ngay cả khi thị trường hồi phục trở lại sau khi chạm đáy vào đầu năm 2009, nhiều nhà quản lý đã không thể trụ lại.

Miller đến từ Legg Mason Inc, người đã kiếm bộn tiền thông qua những diễn biến của chỉ số S&P 500 trong vòng 14 năm liên tiếp tính từ năm 1991, đã gặp vô vàn khó khăn và không thể kiếm lời thông qua chỉ số Legg Mason Value Trust trong 4 trên 5 năm tính từ năm 2005. Ông không bao giờ có thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao trước đó nữa. Gross đã quyết định nghỉ hưu vào năm nay sau khi không thể tìm lại được ánh hào quang của sự nghiệp kiệt xuất kéo dài 4 thập kỷ, quãng thời gian đem lại cho ông biệt danh "ông vua trái phiếu".

Tình cảnh sống còn của các nhà quản lý quỹ - Ảnh 2.

Mỹ là khu vực có tỷ lệ tiền trong các quỹ thụ động cao nhất năm 2018.


Trò chơi quy mô


Trong diễn biến mới này, bên hưởng lợi là các nhà quản lý tài sản tầm cỡ trên thế giới. Những đơn vị ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn và thu hút được lượng vốn lớn hơn từ các nhà đầu tư. Họ tận dụng lợi thế theo quy mô để giảm các loại chi phí và đưa ra mức phí hấp dẫn hơn. Một điều hết sức quan trọng là họ vừa có thể cung cấp các dịch vụ quản lý đầu tư thụ động, đồng thời họ cũng đóng vai trò là một quỹ quản lý đầu tư chủ động. Điều đó có nghĩa rằng những công ty lớn nhất trong ngành lại càng lớn mạnh hơn. Chỉ riêng hai công ty lớn nhất tại Mỹ là BlackRock và Vanguard đang quản lý khối tài sản lên đến 12.000 tỷ USD tính đến năm 2019, tăng 4.000 tỷ USD so với 5 năm trước.

Fidelity Investments từng là quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới. Nhưng quỹ Fidelity Magellan, với sự chèo lái của ông hoàng cổ phiếu Lynch, từ số vốn ít ỏi vào khoảng 20 triệu USD trở thành một công ty tỷ USD, giờ đây thậm chí còn không nằm trong danh sách top 25 quỹ tương hỗ lớn nhất thế giới, theo Morningstar. Qua thời gian, chỉ còn 3 trong số 10 quỹ đầu tư lớn nhất toàn cầu hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư theo hình thức chủ động.

Những công ty nhỏ hơn như Legg Mason và Franklin Resources cũng đề cao tiết kiệm chi phí và cắt giảm nhân viên. Các công ty khác cũng đang tiến hành hợp nhất với những kết quả trái chiều. Janus Henderson Group Plc và Standard Life Aberdeen Plc đang theo đuổi những phi vụ mua bán sáp nhập để gia tăng khối lượng tài sản. Tuy nhiên, cả hai công ty này vẫn chưa thể kìm hãm dòng tiền chảy ra ngay cả khi những thương vụ đó thành công.

Tại châu Âu, Amundi SA là công ty duy nhất sở hữu khối tài sản vượt qua mốc 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với khối tài sản 6.800 tỷ USD nằm dưới sự quản lý của BlackRock, tính đến tháng 6 năm nay.

Lĩnh vực quản lý quỹ tại châu Âu vốn từ lâu đã bị chia cắt, một phần là bởi vì ngành này bị áp đảo bởi các ngân hàng lớn và sự liên kết không là một điểm mạnh vì các công ty tài chính ít tập trung vào việc xây dựng các đơn vị quỹ, thay vào đó họ chú trọng việc phòng tránh các cuộc khủng hoảng.

"Liệu chúng ta có thực sự cần sự hiện diện của các nhà quản lý quỹ đầu tư theo hình thức chủ động?", theo Kathrin Hamilton, đối tác của Baillie Gifford, một quỹ quản lý đầu tư có trụ sở tại Edinburgh.

"Rất nhiều công ty chỉ chăm chăm tìm cách làm gia tăng khối tài sản của họ hơn là việc mang về lợi nhuận cho khách hàng. Nếu quả thực có một biến cố xảy ra đối với họ, hãy nghĩ đó là một tín hiệu tốt".

Áp lực chi phí

Khi cuộc đua về khối lượng tài sản đang dần trở nên gay cấn, các nhà quản lý quỹ lại bị vướng vào cuộc chiến về phí khi mức phí thậm chí bị đẩy về gần 0 nếu như khách hàng có nhu cầu tiếp cận với các chỉ số. Trong một diễn biến thu hút được nhiều sự chú ý vào năm ngoái, Fidelity đã quyết định công khai 4 chỉ số quỹ tương hỗ mà không thu phí thường niên của khách hàng.

Những áp lực đó đến từ một vài công ty như Vanguard khi họ tung ra những sản phẩm mới với mức giá có thể nói là rẻ nhất trên thị trường. Các đối thủ như BlackRock, nhà quản lý các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) lớn nhất trên thế giới với hơn 2.000 tỷ USD tiền vốn đang được đầu tư vào các sản phẩm iShare của công ty, có đủ ưu thế quy mô để tung ra các sản phẩm có giá rẻ hơn 1 USD cho mỗi khoản tiền đầu tư trị giá 1.000 USD.

"Tất cả phân khúc tài chính này đang bị thách thức bởi những áp lực lợi nhuận và xu thế này vẫn đang tiếp diễn vì tỷ suất lợi nhuận đang ở mức rất thấp", theo Yves Perrier, CEO của Amundi. "Lĩnh vực này đang bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của hình thức quản lý đầu tư thụ động".

Tình cảnh sống còn của các nhà quản lý quỹ - Ảnh 3.

BlackRock và Vanguard đang quản lý khối tài sản lên đến 12.000 tỷ USD tính đến năm 2019. Ảnh: FT.


Mức phí của các quỹ đầu tư mở cũng như các quỹ ETF tại Mỹ đã chứng kiến mức giảm 6% trong năm 2018 so với cùng kỳ năm trước đó, theo dữ liệu từ Morningstar. Điều đó đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư tiết kiệm được 5,5 tỷ USD chỉ trong năm 2018. Đó cũng là năm chứng kiến mức sụt giảm cao thứ 2 trong lịch sử kể từ khi Morningstar bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 2000.

Các nhà đầu tư đang phải chi trả mức phí thấp hơn khoảng một nửa so với gần hai thập kỷ trước, và thấp hơn 25% so với thời kỳ cách đây 5 năm.

Ngay cả những quỹ đầu tư theo hình thức chủ động đang làm ăn có lãi cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thời kỳ hiện tại. Fidelity Contrafund là một ví dụ. Dù là một trong những quỹ lớn với khối tài sản lên đến hơn 120 tỷ USD và liên tục làm ăn có lãi nhờ vào chỉ số chính của quỹ (S&P 500) suốt 9 trong 10 năm qua. Quỹ này cũng phải chứng kiến dòng tiền lên đến 90 tỷ USD chảy sang các hình thức đầu tư khác từ năm 2009. Tuy nhiên, quỹ chỉ số S&P 500 của Fidelity lại thu về dòng vốn đầu tư lên đến 120 tỷ USD trong cùng giai đoạn đó. Điểm khác biệt mấu chốt ở đây là chi phí của Contrafund đắt gấp 10 lần so với "người anh em" thực hiện hình thức đầu tư thụ động.

Không chỉ những nhà đầu tư băn khoăn về việc liệu những nhà quản lý quỹ có xứng đáng với mức chi phí họ thu về. Cơ quan quản lý tài chính Anh cho biết họ sẽ giám sát các quỹ đầu tư chủ động làm ăn yếu kém nhằm kiểm chứng xem họ có chia sẻ lợi nhuận với các nhà đầu tư hay không?

Khi sự chú ý ngày càng lớn, một số nhà quản lý quỹ đang nỗ lực nhằm hợp thức hóa các khoản phí của họ bằng cách liệt chúng vào chi phí cho các khoản đầu tư mạo hiểm, gắn liền với lời hứa mang lại tỷ suất lợi nhuận cao.

Neil Woodford, một nhà quản lý quỹ nổi tiếng của Anh, người đã giúp tầng lớp trung lưu tại Anh phất lên nhanh chóng, đã buộc không được rời khỏi quỹ ông đang quản lý khi các nhà đầu tư rút vốn với tốc độ nhanh hơn số tiền ông thu về từ các khoản đầu tư.

Các nhà đầu tư cũng đã tháo chạy khỏi quỹ đầu tư của Natixis SA sau khi Morningstar đặt ra những nghi vấn liên quan đến "khả năng thanh khoản và tính hợp pháp" của một số khoản đầu tư trái phiếu. Những rủi ro trên đã khiến cho niềm tin của các nhà đầu tư gửi gắm ở các nhà quản lý quỹ đầu tư chủ động giảm sút nghiêm trọng.

Hệ quả không mong muốn

Nhiều công ty đầu tư đã chuyển sang sử dụng máy móc và sa thải hàng trăm nhân viên trong năm nay, nhằm mục tiêu cắt giảm chi phí. Legg Mason đã sa thải 120 nhân viên, tương đương 12% tổng số nhân viên của công ty. Trong tháng 1, BlackRock cho biết công ty đã cắt giảm 500 nhân sự, và đây chính là lần cắt giảm lớn nhất của công ty tính từ năm 2016. Cũng trong tháng đó, State Street cho biết công ty cũng đã lên kế hoạch cắt giảm 1.500 nhân viên.

Những lãnh đạo cấp cao cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Việc thay đổi vị trí lãnh đạo có xu hương ngày một nhiều tại châu Âu. Chỉ tính trong năm nay, hơn 10 CEO mới đã được chỉ định tại các công ty đầu tư. Hơn 1/2 số lượng các CEO thuộc các quỹ đầu tư lớn trên thế giới hiện tại là những người mới chỉ đảm nhiệm vai trò chèo lái công ty từ sau năm 2014 trở đi, theo một báo cáo của Casey Quirk.

"Tỷ lệ thay đổi các CEO cũng như những vị trí lãnh đạo khác tại các quỹ đầu tư chưa bao giờ cao như thời điểm hiện tại", theo Darling, The Buy-Side Club. "Lý do chính là vì không phải công ty nào cũng sở hữu những nhân vật có khả năng lãnh đạo cần thiết trong bối cảnh mọi thứ biến đổi một cách nhanh chóng".

Tình cảnh sống còn của các nhà quản lý quỹ - Ảnh 4.

Tim Buckley được chọn làm CEO của Vanguard trong quý I/2018. Ảnh: CNBC.


Sáp nhập thất bại

BlackRock đã khởi nguồn cho phong trào mua bán, sáp nhập trong năm 2009 khi mua lại công ty đầu tư Barclays Global, biến công ty này trở thành quỹ đầu tư lớn nhất toàn cầu. Việc hợp nhất giữa các đơn vị cho kết quả không đồng nhất giữa các thương vụ.

Thời kỳ cao điểm nhất của xu hướng mua bán sáp nhập các công ty là vào năm 2018, với 253 giao dịch được công bố với tổng giá trị tăng 29% so với với năm 2017 lên mức 27,1 tỷ USD, theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi Sandler O’Neil & Partner LLP.

Hai thương vụ đình đám gần đây nhất dường như không thể ngăn cản được đà thoái vốn từ các nhà đầu tư, qua đó cho thấy những rủi ro ngay cả khi các công ty bắt tay liên kết với nhau.

Các khách hàng của Janus Henderson đã thoái số vốn lên đến 38,5 tỷ USD kể từ năm 2017. Công ty này chứng kiến đợt thoái vốn tồi tệ nhất trong quý II. Liên minh Aberdeen Asset Management và Standard Life, với mục tiêu tạo ra sức cạnh tranh lớn trên thị trường về mức phí thấp với các quỹ quản lý đầu tư theo hình thức thụ động, không thể giữ chân được các nhà đầu tư, cũng như tiền của họ.

"Năm 2018 là một trong những năm khó khăn nhất cho môi trường kinh doanh quỹ quản lý đầu tư kể từ năm 1901", Keith Skeoch, CEO của Standard Life Aberdeen phát biểu trong cuộc họp tổng kết thường niên của công ty được tổ chức vào tháng 5. "Chúng tôi gặp vô vàn áp lực và đang phải đương đầu với vô số những tình huống bất định".

"Chúng tôi ý thức được tình hình sẽ ngày càng trở nên khó khăn và có thể kéo dài hàng năm trời", Skeoch trả lời trong môt cuộc phỏng vấn qua điện thoại trong tháng 6.

Tuy nhiên, tình trạng này dường như chưa có nhiều ảnh hưởng lên xu hướng mua bán, sáp nhập các quỹ đầu tư.

Tại châu Âu, DWS Group thuộc ngân hàng Deutsche Bank đã có thời gian nghiên cứu về tình hình khó khăn hiện tại cùng với nhiều quỹ đầu tư khác nhằm mục tiêu gia tăng quy mô và cũng đã có những cuộc làm việc với quỹ đầu tư thuộc quyền sở hữu của tập đoàn UBS Group AG. Đáng tiếc thay, quá trình đàm phán thất bại vào đầu tháng 5. DWS cũng đã có những thỏa thuận sơ bộ với Amundi và Axa SA, theo nguồn thạo tin.

Quỹ quản lý đầu tư của Thụy Sỹ GAM Holding cũng đang nỗ lực tìm cách bán mình, một động thái cho thấy đơn vị này đang gặp khó khăn và dường như không thể ngăn chặn đà đi xuống của công ty sau những bê bối liên quan đến một cựu môi giới chứng khoán.

Tại Mỹ, Invesco đã đặt cược 5,7 tỷ USD vào tương lai của ngạch quản lý đầu tư theo hình thức chủ động khi tiến hành sáp nhập với công ty đầu tư OppernheimerFunds Inc, thuộc sở hữu của tập đoàn Massachusetts Mutual Life Insurance Co. OppenheimerFunds vốn từ lâu đã nổi danh với hoạt động quản lý đầu tư chủ động.

"Cuối cùng thì những ngày tháng khó khăn đối với các quỹ đầu tư chủ động cũng đã đến. Điều tương tự cũng có thể xảy ra đối với các quỹ đầu tư truyền thống, nếu như họ không có những thay đổi trong chiến lược nhằm tận dụng sự trỗi dậy của những loại hình tài sản mới", theo Sumeet Mody, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán thuộc tập đoàn Sandler O’Neill.

"Các quỹ đầu tư có kết quả hoạt động dưới mức kỳ vọng, có thể sẽ buộc phải đóng cửa hoặc tìm một đơn vị khác để sáp nhập vào".

Phillips đến từ Casey Quirk cho biết phần lớn các công ty mục tiêu cho các thương vụ sáp nhập thường được chia ra làm 2 nhóm. Những công ty chuyên hoạt động trong các lĩnh vực như thị trường tư nhân, cơ sở hạ tầng, sở hữu nguồn thu nhập cố định linh hoạt thường khá hấp dẫn đối với các công ty có nhu cầu sáp nhập vì nhu cầu về những lĩnh vực đó khá lớn.

Những mục tiêu tiềm năng khác có thể chỉ là đơn thuân tạo ra những cơ hội tăng quy mô kinh doanh trong khi có thể tiết kiệm được chi phí, ông cho biết.

Khi lĩnh vực quản lý đầu tư đang có những diễn biến tiêu cực, thời hoàng kim của Lynch, Miller và Gross dường như đang trôi dần vào dĩ vãng. Trong cuộc chiến sống còn để tồn tại trên thị trường với áp lực mức phí dịch vụ luôn đè nặng trên vai, những quỹ đầu tư bắt buộc phải học cách thích nghi. Nhiều công ty sẽ bị thâu tóm bởi những đối thủ lớn hơn. Một số cái tên sẽ hoàn toàn biến mất và phần lớn trong số họ bắt buộc phải cắt giảm chi phí cũng như thay đổi lại những chiến lược kinh doanh nhằm nâng cao lợi nhuận trong giai đoạn hết sức khó khăn này.

"Các quỹ đầu tư đều ý thức được việc họ cần thay đổi", theo Christian Burgin, cựu nhân viên của Standard Life Investment, đồng sáng lập Visible Capital, một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, các quỹ quản lý tài sản.

"Họ đang nỗ lực, nhưng đó là một quá trình hết sức gian truân".

Theo Trọng Đại

NDH/Bloomberg

Trở lên trên