MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tinh gọn bộ máy hành chính: Không thể trì hoãn

10-09-2017 - 08:30 AM | Xã hội

Việc tinh lọc bộ máy là điều không thể trì hoãn, bởi cho tới thời điểm này, bộ máy hành chính cồng kềnh đang tiêu tới 2/3 ngân sách.

Một bộ máy hành chính tinh gọn và hiệu quả là mục tiêu mà Chính phủ đã hướng tới trong nhiều năm qua và đặc biệt là trong một năm trở lại đây khi Chính phủ đã đặt ra mục tiêu trở thành một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Không thể phủ nhận là nhiệm vụ xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, với một nền hành chính tinh gọn, hiệu quả thời gian qua, đã đạt được một số kết quả quan trọng. Mới đây, Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh giải quyết vụ kiện về tranh chấp đất đai kéo dài gần 20 năm tại huyện Bình Chánh chỉ trong 1 giờ và Thanh tra Chính phủ cũng chỉ cần chừng ấy thời gian đề xử lý vụ khiếu nại liên quan tới dự án treo 14 năm qua tại Đồng Nai. Sức ép từ các lãnh đạo của Chính phủ đã khiến cho bộ máy hành chính bị coi là trì trệ nhiều năm qua đã phải chuyển động. Nhưng qua chính những câu chuyện này, những yếu kém hạn chế của bộ máy hành chính, mà cụ thể là những khoảng trống trách nhiệm, lại hiện rõ hơn bao giờ hết.

Thủ tướng đã nói: "Đuổi việc những người gây phiền hà cho dân". Mong muốn thì như vậy nhưng để có thể loại bỏ những cán bộ yếu kém về năng lực, thiếu động lực làm việc, lại là chuyện không hề dễ dàng. Chúng ta đã có những công cụ nhằm đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức, dựa trên kết quả công việc. Tuy nhiên, đáng tiếc là một số quy định trong đó chưa có sự thống nhất và thiếu thực tế.

Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, cán bộ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ cho thôi việc, nhưng rất hiếm trường hợp công chức viên chức bị cho thôi việc. Nguyên nhân của điều này là do sự nể nang, người đứng đầu thực hiện đánh giá chưa hết chức trách nhiệm vụ, sự hời hợt trong công tác tự phê bình của cán bộ công chức viên chức, bởi không ai dại gì tự nhận mình chưa hoàn thành nhiệm vụ, và không hoàn thành nhiệm vụ ở đây thực sự dựa trên tiêu chí nào.

Trong một nền hành chính công vụ nể nang, trọng thành tích như hiện nay, việc kêu gọi sự tự giác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có lẽ sẽ chẳng mang lại nhiều hiệu quả. Tháng nào Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có từ 1 đến 2 cuộc làm việc để giải quyết những khiếu nại tố cáo của người dân, cho thấy nhiều địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm của mình, dẫn tới khiếu kiện vượt cấp.

Do đó, cần phải có những điều chỉnh trong hành lang pháp lý, xây dựng những hệ tiêu chí cụ thể hơn, mang tính định lượng nhiều hơn nhằm đánh giá hiệu lực hiệu quả của quá trình thực thi công vụ, nhằm tinh gọn bộ máy hành chính. Cùng với đó thì rất cần sự giám sát chặt chẽ của người đứng đầu đối với cấp dưới, tác động để bộ máy ấy phải chuyển động, và nếu những cán bộ nào không chuyển động, sẽ phải ra khỏi bộ máy ấy.

Việc tinh lọc bộ máy là điều không thể trì hoãn, bởi cho tới thời điểm này, bộ máy hành chính cồng kềnh đang tiêu tới 2/3 ngân sách và lạm cả vào khoản đầu tư cho phát triển.

Theo PV

VTV1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên