MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình hình thu hút FDI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong 8 tháng đầu năm?

Tình hình thu hút FDI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong 8 tháng đầu năm?

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu xét riêng 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM vẫn là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 8 tháng đầu năm.

Hà Nội

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, lũy kế 8 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 992,3 triệu USD vốn FDI, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đăng ký cấp mới 226 dự án với số vốn đạt 141,3 triệu USD, tăng 19,4%; có 122 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 374,6 triệu USD, tăng 16%; 258 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 476,4 triệu USD.

Riêng trong tháng 8, Thành phố Hà Nội có 36 dự án FDI được cấp phép mới với tổng vốn đăng ký đạt 16,4 triệu USD. Bên cạnh đó, có 19 dự án được điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký đạt 1,6 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua phần cổ phần 23 lượt, đạt 5,1 triệu USD.

TP.HCM

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 8, 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp tháng 9/2022, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM cho hay, trong 8 tháng đầu năm 2022, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Thành phố thu hút được khoảng 2,71 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ.

Trong số đó, có 479 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 309,4 triệu USD, tăng 24,1% số dự án cấp mới, giảm 17,6% vốn đăng ký so với cùng kỳ.

Cùng đó có 96 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 1,47 tỷ USD, bao gồm các dự án tăng và giảm vốn, giảm 17,9% về số dự án nhưng tăng 127,3% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM cũng chấp thuận cho 1.632 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 925,68 triệu USD, tăng nhẹ về số trường hợp so với cùng kỳ (khoảng 0,4%) nhưng giảm 19,7% về vốn so với cùng kỳ.

Tình hình thu hút FDI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương thay đổi ra sao trong 8 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Thu hút FDI của 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong 8 tháng đầu năm. Nguồn: Cục Thống kê các địa phương

Hải Phòng

Số liệu về tình hình kinh tễ - xã hội của Cục Thống kê Hải Phòng chỉ ra rằng, tính từ đầu năm đến 15/8/2022 toàn thành phố có 49 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư 689,09 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn đầu tư có 27 dự án, với số vốn tăng là 420,85 triệu USD. Các dự án mới và tăng vốn chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Xét theo lĩnh vực đầu tư, báo cáo cho biết, trong tổng số 689,09 triệu USD vốn FDI thành phố thu hút được từ đầu năm đến nay, có đến 357,56 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm 51,89%); 86,61 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực xây dựng (chiếm 12,57%); 4,66 triệu USD đầu tư vào lĩnh vực thương mại vận tải (chiếm 0,68%) tổng vốn FDI đăng ký; còn lại là các lĩnh vực khác.

Theo đối tác đầu tư, tính từ đầu năm đến 15/8/2022, thành phố có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Hải Phòng. Trong đó, Trung Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 202,20 triệu USD, chiếm 29,34% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 128,06 triệu USD, chiếm 18,58% tổng vốn đầu tư và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 121,11 triệu USD, chiếm 17,58% tổng vốn đầu tư.

Đà Nẵng

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, tính từ 16/7 đến 15/8/2022, có 4 dự án FDI được cấp mới với số vốn đăng ký 0,27 triệu USD; có 1 dự án điều chỉnh vốn, phần vốn tăng thêm 0,18 triệu USD và 2 lượt góp vốn mua cổ phần với vốn góp gần 0,07 triệu USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/8/2022, toàn thành phố có 28 dự án FDI cấp mới chứng nhận (giảm 1 dự án so cùng kỳ năm 2021), vốn đăng ký đạt 67,7 triệu USD, bằng 45,4% vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 32 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần, phần vốn góp đạt 56,4 triệu USD; 19 dự án xin điều chỉnh vốn, phần vốn điều chỉnh tăng thêm 17,1 triệu USD. Tính chung 8 tháng, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm, bao gồm cả vốn góp mua cổ phần của khu vực FDI đạt 141,2 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Cần Thơ

Theo Cục Thống kê Cần Thơ, thành phố chưa có dự án mới được thu hút trong tháng 8/2022. Lũy kế 8 tháng/2022, cấp mới 1 dự án FDI, vốn đăng ký 1,26 triệu USD; chấm dứt hoạt động 2 dự án với tổng vốn đăng ký 0,505 triệu USD. Hiện có 84 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.055 triệu USD, vốn thực hiện chiếm hơn 25% tổng vốn đăng ký.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên