MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tình trạng đội vốn ngày càng nặng nề

Nhà nước cần rút đầu tư tại một số dự án, nhường sân cho tư nhân để giảm hậu quả xấu của đầu tư công.

Báo cáo Tổng hợp kết quả kiểm toán trong năm 2018 với niên độ ngân sách năm 2017 của Kiểm toán Nhà nước gửi kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khóa XIV cho thấy hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư còn quá nhiều tồn tại, nhất là câu chuyện tăng vốn đầu tư đến hàng trăm lần.

Tăng vốn vô tội vạ

Kết quả kiểm toán chỉ rõ nhiều dự án có nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư. Chẳng hạn, dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi 3 lần điều chỉnh, tăng 147,9 tỉ đồng; dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh 6 lần, tăng 3.956 tỉ đồng; dự án ĐTXD công trình cầu Cửa Đại 4 lần, tăng 970 tỉ đồng; dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 4 lần điều chỉnh, tăng 268 tỉ đồng.

Với số lần điều chỉnh trên, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã tăng vốn 2,33 lần và dự án Trung tâm Đào tạo cán bộ VDB tại TP Nha Trang tăng vốn tới gần 40 lần.

Tại các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cũng có tình trạng nhiều dự án điều chỉnh quy mô với giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu. Điển hình, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng 29.937 tỉ đồng. Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được xác định là dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia nhưng điều chỉnh vốn từ 8.770 tỉ đồng lên 18.001 tỉ đồng khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội...

Tình trạng đội vốn ngày càng nặng nề - Ảnh 1.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội vốn đầu tư công tại các địa phương là do trong khâu lập dự án tiền khả thi và dự án khả thi, các địa phương thường "lách" luật bằng cách để tổng vốn đầu tư khá thấp, khoảng dưới 5.000 tỉ đồng, nhằm được tự quyết định đầu tư. Đáng lưu ý, với sự ra đời của Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư công, các dự án phải bố trí được nguồn vốn khi quyết định đầu tư. Vì vậy, địa phương thường thiết kế dự án với quy mô vừa phải, sau đó, trong quá trình thực hiện sẽ từng bước bổ sung vốn mà không phải qua phê duyệt.

Đáng nói, nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi mục đích đầu tư dự án dẫn đến tăng tổng mức đầu tư. Trong khi đó, pháp luật chỉ quy định xử phạt lấy lệ hoặc cho qua, dẫn đến chủ đầu tư "nhờn" luật.

TS Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công Trường ĐH Fulbright, thẳng thắn chỉ ra: "Cơ chế lỏng lẻo gây nên chuyện đội vốn. Đây là vấn đề "kinh điển" của các dự án đầu tư công không chỉ của Việt Nam mà ở nhiều quốc gia khác".

Trị cách nào?

Đánh giá tình trạng đội vốn đầu tư công là "căn bệnh" ngày càng trầm kha, khó trị tận gốc, TS Vũ Đình Ánh cho rằng việc "trị bệnh" không hề dễ dàng, bởi "chủ dự án đầu tư công là cơ quan nhà nước và nhà nước đâu dễ tự phạt mình". "Nếu đặt vấn đề xử phạt nặng các dự án chậm tiến độ, đội vốn thì nguồn nộp phạt được xác định như nào khi đây là dự án dùng tiền nhà nước? Quy trách nhiệm đến đâu?" - ông Ánh nêu hàng loạt câu hỏi.

Góp ý một vài giải pháp, ông Ánh đề nghị nên xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư để tránh tình trạng địa phương khai vốn đầu tư ban đầu rất thấp, sau đó tăng lên nhiều lần. Đồng thời, quy định cụ thể dự án đội vốn bao nhiêu phần trăm sẽ bị xử lý và tăng vốn mức nào phải lập dự án đầu tư mới; nghiêm cấm cho chuyển đổi mục đích đầu tư dự án đã thực hiện. Tình huống có khối lượng phát sinh, cần bổ sung lớn thì nên coi là một dự án mới, tránh "dự án chồng lên dự án" sẽ đội vốn khổng lồ.

Nhìn nhận tình trạng đội vốn ở góc độ dự án công thường có những người có lợi ích dài hạn liên quan, TS Huỳnh Thế Du cho rằng cần sự tham gia giám sát của người dân, truyền thông trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm việc chi tiêu công hiệu quả hơn. "Tuy nhiên, bản chất của các dự án đầu tư công vốn đã khó đánh giá hiệu quả. Do đó, cốt lõi nhất vẫn nằm ở chỗ nhà nước phải giảm dần đầu tư tại nhiều dự án, công trình không thực sự cần thiết sự góp mặt của nhà nước, nhất là các dự án không liên quan đến an ninh, quốc phòng, chính trị. Cùng với đó, nhường sân cho tư nhân thông qua các hình thức xã hội hóa đầu tư. Như vậy, nhà nước sẽ giảm được gánh nặng và các dự án khi liên quan mật thiết đến túi tiền của nhà đầu tư, họ sẽ biết tự tính toán làm sao cho nhanh chóng, hiệu quả và bảo đảm chất lượng nhất" - TS Du lưu ý thêm.

Theo chuyên gia của Trường ĐH Fulbright này, tình trạng đội vốn tồn tại không phải do pháp luật chưa hoàn thiện mà nằm ở việc thực thi pháp luật. Nhiều quốc gia cũng xây dựng luật khung về cơ chế đầu tư công nhưng cách thực hiện lại hiệu quả hơn. "Nếu còn cơ chế chia đều ngân sách, địa phương hay cơ quan nhận tiền thực hiện dự án sẽ "chạy" để làm sao nhận được nhiều tiền nhất, còn hiệu quả ra sao thì không quan tâm. Còn nếu đề cao tiêu chí dự án hiệu quả sẽ được rót tiền hoặc rót tiền nhiều hơn tất nhiên người nắm tiền sẽ cố gắng để nâng cao hiệu quả dự án" - TS Huỳnh Thế Du ví von.

Trung tâm đào tạo thành khách sạn

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 4-8-2013, VDB công bố quyết định thành lập và ra mắt Trung tâm Đào tạo cán bộ VDB tại TP Nha Trang, có tên giao dịch tiếng Anh là VDB - Nha Trang Training Center. Trung tâm này kết hợp giữa hoạt động đào tạo và kinh doanh lưu trú, với cơ sở vật chất đạt trên 3 sao (phục vụ các hội nghị, các lớp bồi dưỡng cán bộ của VDB, các đoàn công tác của các bộ, ngành, địa phương; hoạt động nghỉ dưỡng của cán bộ, công chức VDB; khai thác kinh doanh dịch vụ lưu trú).

Nhưng thực tế, trung tâm này đã được khởi công xây dựng từ tháng 7-2009 đến năm 2015 thì hoàn thành và được giao cho tư nhân vận hành khai thác khách sạn quy mô 150 phòng gồm 15 tầng, 1 hầm với tổng diện tích sàn 14.360 m2. Trong các văn bản điều hành, nội quy tại Trung tâm Đào tạo cán bộ VDB Nha Trang đều do Công ty CP Đầu tư và Tư vấn Tràng An (phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP Hà Nội) đứng tên.

Bên ngoài Trung tâm Đào tạo cán bộ VDB gắn bảng quảng cáo dịch vụ tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, liên hoan... Ảnh: Kỳ Nam

Ngày 21-5, phóng viên đã ghi nhận thực tế tại Trung tâm Đào tạo cán bộ VDB tại TP Nha Trang đóng ở mặt tiền đường biển Phạm Văn Đồng là một khách sạn chuẩn 4 sao đã được Tổng cục Du lịch cấp đạt chuẩn. Bên ngoài trung tâm gắn bảng quảng cáo cho thuê tổ chức tiệc cưới, sinh nhật, liên hoan. Phía trong là các dịch vụ lưu trú, spa, massage, nhà hàng, hồ bơi... Một nhân viên cho biết từ ngày anh làm tại đây (từ năm 2015) đến nay, chưa thấy đào tạo lớp gì mà chủ yếu là hoạt động lưu trú khách.

Cùng ngày, trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Chới, Giám đốc Chi nhánh VDB tại Khánh Hòa - Ninh Thuận, cho biết mặc dù trung tâm đặt tại Nha Trang nhưng thẩm quyền quản lý đều thuộc Hội sở VDB tại Hà Nội. Ông cũng không nhớ trung tâm đã đào tạo được những lớp nào. "Người nắm rõ nhất là ban đào tạo của VDB. Còn những thông tin kiểm toán đã báo cáo, phóng viên nên hỏi Kiểm toán Khu vực VIII sẽ rõ hơn" - ông Chới thông tin thêm.

K.Nam

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên