MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tốc độ già hóa nhanh, Việt Nam cần thay đổi chính sách dân số

29-09-2017 - 14:59 PM | Xã hội

Ngày 4/1/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa 11 đã ban hành kết luận số 119 tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình.

Trong đó, nhấn mạnh: 10 năm qua, Việt Nam đã sớm đạt được và duy trì vững chắc mức sinh thay thế nên cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Ban Bí thư cũng đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số. Dự kiến việc này sẽ được thảo luận tại Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa 12.

Chúng tôi đã phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội về vấn đề này.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Thưa Giáo sư Nguyễn Đình Cử, vì sao lúc này lại đặt ra vấn đề ban hành Nghị quyết mới về dân số và cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển?

GS Nguyễn Đình Cử: Nghị quyết Trung ương 4 khóa 7 năm 1993 về công tác dân số đã được ban hành 25 năm rồi. Bối cảnh kinh tế, xã hội và dân số 25 năm trước đây và hiện nay rất khác xa nhau. Trước hết về mặt dân số, mức sinh của Việt Nam đã thấp hơn một nửa so với cách đây 25 năm. Đầu những năm 1990, bình quân mỗi người phụ nữ sinh 4 con, còn hiện nay chỉ có 2 con. Đây là một thay đổi mạnh mẽ nhất.

Thứ 2, tình hình dân số của nước ta xuất hiện những đặc điểm mới chưa từng có so với 25 năm trước đây. Ví dụ, ngoài mức sinh thấp, cơ cấu dân số của nước ta đã thay đổi rất mạnh mẽ, trong đó cần đặc biệt chú ý là tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) tăng lên khá cao và Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011. Bên cạnh đó, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động cũng được tăng lên 16%, do vậy từ năm 2006 Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Thứ 3, khi mức sinh ở nước ta thấp thì chênh lệch giới tính lại ở mức nghiêm trọng. Cụ thể năm 2015, cứ 100 cháu gái sinh ra thì có 112,8 cháu trai được sinh ra tương ứng và gây ra mất cân bằng giới tính ở mức không bình thường. Tình hình di dân của chúng ta cũng tăng lên rất mạnh mẽ trong khoảng 10-15 năm qua. Tất cả bối cảnh dân số thay đổi như vậy đã yêu cầu cần có 1 nghị quyết mới để giải quyết được các vấn đề mới xuất hiện ở nước ta.

Phóng viên: Vậy việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần được hiểu như thế nào, thưa Giáo sư?

GS Nguyễn Đình Cử: Trong kết luận 119, Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng đã nói rất rõ là chúng ta chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ chuyển trọng tâm thôi, tức là trước đây chúng ta tập trung vào kế hoạch hóa gia đình thì nay trọng tâm không phải là kế hoạch hóa gia đình nữa mà chúng ta phải chuyển sang giải quyết các mối quan hệ giữa dân số và phát triển. Không phải chúng ta không làm kế hoạch hóa gia đình nữa. Kế hoạch hóa gia đình không còn là trọng tâm mà trọng tâm là giải quyết các vấn đề về dân số và phát triển.

Vậy dân số và phát triển gồm những vấn đề gì? Kết luận 119 Ban Bí thư cũng đã chỉ ra rất rõ, đó là phải điều chỉnh mức sinh ở những nơi mà mức sinh thấp và mức sinh ở những nơi cao cũng phải có cách điều chỉnh. Kế hoạch hóa gia đình sẽ tập trung ở những vùng, những miền mức sinh còn hơi cao ví dụ như: Tây nguyên, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ. Cùng với đó là giải quyết vấn đề già hóa dân số, quan tâm vấn đề an sinh xã hội cho người cao tuổi, đảm bảo nguồn sống, nơi ở, vấn đề sức khỏe, việc làm…

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội.

Phóng viên: Kết luận 119 của Ban Bí thư trung ương Đảng nhận định: thành tựu giảm sinh của nước ta đạt vững chắc trong 10 năm qua. Giáo sư có thể giải thích rõ hơn về nhận định này?

GS Nguyễn Đình Cử: Theo tôi, đây là một nhận định rất mới, bởi vì những năm 1990 mức sinh của chúng ta rất là cao. Vì vậy lúc đó chúng ta phải tập trung vào vấn đề hạ thấp mức sinh. Bây giờ, Ban Bí thư trung ương khẳng định: mức sinh đã đạt thấp một cách vững chắc là có cơ sở, với mấy lý do sau:

Thứ nhất, chúng ta đã đạt mục tiêu: bình quân mỗi một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con và. Suốt hơn 10 năm qua, chúng ta đã duy trì được mức sinh thay thế.

Thứ 2, người dân Việt Nam đã nhìn thấy sinh đẻ ít có lợi như thế nào.

Thứ 3, sau hơn 1 nửa thế kỷ vận động kế hoạch hóa gia đình thì hiện nay trên toàn quốc đã xây dựng được hệ thống cung cấp phương tiện tránh thai tương đối rộng khắp và đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Thứ 4, phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ (từ 15-49 tuổi) nhưng chỉ tập trung vào độ tuổi dưới 35 là nhiều. Đây là một thế hệ phụ nữ mới, thanh niên mới, là một thế hệ internet, một thế hệ được giáo dục phổ thông khá tốt, đặc biệt là giáo dục về dân số kế hoạch hóa gia đình rất tốt, bởi vì họ sinh ra và lớn lên trong giai đoạn nước ta thực hiện kế hoạch hóa gia đình rất mạnh mẽ nên nhu cầu nhiều con không còn phổ biến.

Cuối cùng là quy luật quốc gia càng phát triển thì mức sinh càng thấp. Việt Nam đang phát triển, hội nhập quốc tế. Tất cả những minh chứng trên cho ta thống nhất với nhận định của Ban Bí thư là mức sinh của Việt Nam đã giảm thấp một cách vững chắc.

Xin cảm ơn ông!.

Theo Văn Hải - Kim Thanh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên