MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi đã làm gì khi bố mẹ tôi muốn đầu tư chứng khoán?- Kỳ 3

Dẫn dắt 1 người lớn tuổi vào thị trường chứng khoán, người trẻ như tôi đã có lúc giật mình: Hóa ra, kinh nghiệm của mình vẫn còn quá ít ỏi.

Tiếp theo Kỳ 1, Kỳ 2 của Tôi đã làm gì khi bố mẹ tôi muốn đầu tư chứng khoán?

Điều quan trọng thứ ba tôi cho rằng tôi phải gói những thông tin cần tiếp cận đến gần bố tôi hơn, loại bỏ dần những thông tin ngoài lề, ngoài luồng và có thể khiến bố tôi phân tán. Lâu nay, tivi, Ipad nhà tôi đều có kết nối với wifi của gia đình. Bố mẹ tôi vẫn thường đọc tin trên mạng hoặc tìm hiểu các món ăn, các thứ linh tinh khác cho cuộc sống gia đình. Nay, tôi hướng dẫn bố tôi cụ thể hơn về cách tìm kiếm thông tin về các công ty, về ngành nọ, ngành kia.

Có rất nhiều tiêu chí trên thị trường nhưng theo tôi nghĩ thì bạn quen với cách nhìn nhận nào thì hãy chỉ nên chọn ra vài ba yếu tố cơ bản để đem ra bàn thảo với người lớn tuổi. Bạn hãy hiểu rằng, bạn trẻ và có nhiều việc phải làm, bạn không thể mãi đi cùng bố trên con đường đầu tư được. Lựa chọn theo càng ít tiêu chí thì bố bạn càng dễ nhớ và về sau, khi bạn không ở cạnh bên, ông vẫn có quyết định đầu tư riêng của mình được. Thay vì những tìm kiếm miên man không đầu, không cuối, tôi và bố bắt đầu bằng những câu hỏi: Chọn cổ phiếu ngành gì?

Với những người thông thạo thông tin, cách phân tích, nhận định rồi thì câu chuyện nói về cái nọ, cái kia nhanh lắm. Nhưng, nói với một người chưa từng tham gia thị trường chứng khoán nhưng từng trải nhiều kinh nghiệm sống khác rồi thì nó rất khác. Bạn sẽ rất khó để giải thích cho những câu hỏi vì sao. Cũng giống như thể, dạy cho một đứa trẻ vỡ lòng khác hoàn toàn với một đứa trẻ lớp 3, lớp 4 vậy. Những hiểu biết cũ cùng những cái mới sẽ liên tục đan xen và nếu không biết cách đi, bạn sẽ không bao giờ dừng được khỏi những Vì sao.

Tôi hiểu rõ vấn đề đó nên tôi đã chủ động đề cập trước.

Con: 75 mã mà con đã chọn ra về cơ bản là mức độ an toàn cao nhưng có thể không phải tất cả đều là những mã sinh lợi cao. Bố từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng và hiểu được sơ bộ biến động của vật liệu xây dựng và các chu kỳ liên quan đến bất động sản, vậy, con chọn các doanh nghiệp có liên quan đến bất động sản, vật liệu xây dựng để bố nghiên cứu trước.

Bố: Cùng bố nghiên cứu công ty lớn nhất về bất động sản.

Tôi đã thoáng chút ngạc nhiên nhưng không hỏi thêm nhiều.

Tôi chỉ cho bố vài thứ. Tôi mở báo cáo thường niên gần nhất của doanh nghiệp này cho bố xem. Doanh nghiệp này đang có cái này bố ạ. Chỗ nhà anh T. (anh họ tôi) là do công ty này làm chủ đầu tư đấy ạ. Họ có các công trình lớn như này, như này ở Hà Nội. Họ cũng xây dựng chuỗi bán lẻ như nọ, như kia.

Rồi, tôi mở báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho bố xem. Tôi chỉ tỉ mẩn cho bố phải tìm những thông tin đó ở đâu, thế nào còn việc phân tích thì tôi để cho bố là chủ yếu. Doanh thu chính của họ đến từ mảng này, mảng này và họ đang xây dựng những gì...

Bố: Họ có mấy cái lớn ở Hà Nội, bố muốn đến mấy chỗ đó xem sao.

Tôi rất ngạc nhiên. Tôi biết rằng đó là điều nên làm cho bất kỳ ai muốn đầu tư thực sự. Lâu nay, chúng tôi tìm hiểu đầu tư thông qua những trang giấy là nhiều, hiếm khi coi việc xem thực tế như bố tôi là việc quan trọng hàng đầu.

Tôi cũng phải nói thêm rằng, tôi đã dẫn bố tôi đến công ty chứng khoán để mở tài khoản, nộp tiền vào tài khoản và hướng dẫn cách giao dịch ngay từ chiều thứ 6 đầu tiên của tháng 7.

Tôi sắp xếp thứ 7 tuần đầu tiên của tháng 7 đi dạo cùng bố tôi.

Tôi đưa bố đến chỗ anh T. (anh họ tôi). Cũng không có gì, thăm họ hàng, xem dự án công ty V. mà bố tôi muốn tìm hiểu. Bố cũng không nói gì, chỉ xem. 2 bố con đi dạo hết chỗ nọ đến chỗ kia, mua sắm chút đỉnh. Cũng không nói gì nhiều.

Chiều, 2 bố con lại đến chỗ khác cũng do công ty V. làm chủ đầu tư. Không nói gì về chứng khoán.

Bố tôi không nói gì sau chuyến đi. Tôi cũng không nói gì cả. Bố bảo tôi chỉ cho bố xem nếu bố muốn tìm hiểu lịch sử công ty này thế nào thì tìm hiểu ở đâu. Tôi chỉ cho bố. Tôi cũng chỉ cho bố bảng giá chứng khoán và thị trường chứng khoán chung.

Rồi bố tôi hỏi tôi thêm về mấy công ty khác, cách tìm kiếm thông tin.

Mấy ngày sau đó, bố tôi không hỏi thêm tôi điều gì. Và theo tôi thấy thì bố tôi cũng chưa mua bán gì. Tôi vẫn đi làm hàng ngày và tối về vẫn cùng gia đình ăn bữa cơm không có chứng khoán.

Tôi khá ngạc nhiên với điều này nhưng không hỏi gì bố tôi. Là tôi, tôi sẽ rất nóng lòng muốn mua, bán. Sự điềm tĩnh của người từng trải qua những rủi ro khi đầu tư khiến tôi thực sự kính nể.

Tìm hiểu khá kỹ về dăm ba doanh nghiệp rồi nhưng bố tôi chưa hành động gì cả.

Rồi thứ 4, 5, 6 gần đây nhất trôi qua, tôi cũng không thấy bố tôi mua bán gì. Tôi xem qua lịch sử tìm kiếm thông tin trên ipad bố tôi sử dụng thì biết rằng ngày ngày ông vẫn miệt mài nghiên cứu các cổ phiếu trong sân chơi 10m2 tôi đưa cho ông.

Tôi để bố tôi tự do trong cách nghĩ và cách đầu tư của mình. Tôi vẫn không hỏi gì thêm. Chứng khoán mấy ngày gần đây điều chỉnh nhẹ. Có lẽ, bố tôi không muốn vội vàng.

Tuần tới là tuần thứ 4 kể từ phiên Brexit. Và như vậy là tôi đã cùng bố kết thúc 2 tuần nghiên cứu chứng khoán và riêng tôi thì có thêm 1 tuần làm thuyết khách và lên giáo trình ddown giản nhất có thể để đến thị trường chứng khoán.

Tôi cảm thấy yên tâm vô cùng và tôi chờ đợi các thảo luận, hành động tiếp theo của bố tôi.

Tôi cũng đã chuẩn bị danh sách mấy cuốn sách hay, mấy bộ phim thú vị liên quan ngành tài chính để tới đây 2 bố con sẽ đọc, xem và thảo luận cùng nhau.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên