MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi đi xin việc thời hội nhập: Ba câu hỏi mở cánh cửa vào Ngân hàng Thế giới

15-07-2017 - 12:00 PM | Tài chính quốc tế

Thời hội nhập, dân ta đi tứ xứ. Từ quê ra tỉnh, từ tỉnh lên thủ đô, rồi từ thủ đô này sang thủ đô kia. Ai có tài và "biết mình biết ta" thì tìm việc sẽ không khó.

Ngoài chuyện may rủi còn có chút tự tin và phải có trình độ chuyên môn và tiếng Anh.

Sang Mỹ tôi quen anh Ed Sabagkit hiện đang làm quản lý ở khách sạn Willard Intercontinetal cạnh Nhà Trắng (Mỹ), các nguyên thủ quốc gia thường chọn vì tiện. Phòng thường giá 600 -700USD, phòng VIP lên 20-30 ngàn USD/đêm.

Người Philippines, anh Ed có vợ Việt, biết Hà Nội như thổ công, đường ngang ngõ tắt biết rõ, thêm tính hóm nên gặp nhau là cười. Người Việt làm ở đó nhưng lại do con rể Việt gốc Philippines làm sếp, khá thú vị.

Trước đó hàng chục năm từng quản lý nhiều khách sạn 5 sao ở Việt Nam, tham gia tuyển người, nên anh biết nhiều chuyện khôi hài liên quan đến tuyển dụng của dân ta.

Một ứng viên được hỏi "Chị làm ở đâu?", "Dạ, em "nàm" (làm) ở inte-la-sôn-la (international)". "Chức danh gì", "ma-la-dơ – manager". Lên hàng quản lý mà nói tiếng Anh vẫn ngọng L-N như thường.

Một bạn khác xin vào chức manager (quản lý) nhưng khi phỏng vấn cảm thấy trình độ thấp, khó qua, liền hỏi ban tuyển dụng, còn chỗ nào không? Quản lý hàng ăn được không? Dạ được, nhưng hỏi vài câu thấy khó trôi vì chưa có chút nào hiểu về bếp núc, đồ ăn.

Thấy anh ta buồn thảm, ban tuyển dụng hỏi thêm, chân bell boy (giúp việc vặt) anh nhận không? Tốt quá. Sao lại tốt? Vì được nhiều tiền típ. Riêng đoạn tiền típ ứng viên tỏ ra đầy kinh nghiệm. Từ manager chuyển sang xin chạy loong toong, kể cũng lạ.

Thời 1993 cơ quan cũ có nhiều chuyện lùm xùm, tôi chán muốn ra đi. Anh bạn giới thiệu sang UNHCR (Cao ủy LHQ về người tị nạn) tại phố Nguyễn Thái Học làm tạm cái hợp đồng nhỏ, vì họ đang gặp rắc rối về "hệ thống" IT.

Anh chàng phụ trách database không có chuyên môn IT, dù tốt nghiệp ngoại giao, rất giỏi tiếng Anh, nhưng đoạn lập trình FoxPro, quản lý danh sách hàng trăm ngàn người hồi hương, anh bạn có vấn đề.

Ông sếp Christopher Carpenter, người Mỹ, cánh nhân viên gọi đùa là anh thợ mộc, gọi tôi lên và hỏi rất ngắn "Anh có thể sửa cái hệ thống IT chết tiệt này không. Báo cáo gì toàn vênh số liệu, có chuyến bay có số lượng khách gấp 2 lần so với danh sách".

Thời đó đi học tiếng Anh lõm bõm vào buổi tối, tuy nhiên so với các đồng nghiệp thì vẫn còn có chút "tiến bộ" hơn, nên khi gặp khách tây mình được đánh giá là biết … ngoại ngữ.

Văn phòng UNHCR thấy tôi nói tiếng Anh ngọng líu lô, ấp úng, cười cười và chỉ trỏ. Nhưng họ cần sửa cái lỗi IT chứ không cần ngoại ngữ.

Không dám hứa liều mà chỉ nói, để xem thế nào, vì lúc đó tôi chưa lập trình trên FoxPro. Ngồi liên tục, mỗi ngày 12 tiếng vừa làm vừa học. Sau một tuần thì tôi tìm ra lỗi trong "tác phẩm" của một cán bộ "ngồi nhầm chỗ".

Số liệu vào khá đúng nhưng nhiều bản ghi đã đánh dấu xóa (deleted) nhưng cứ để nguyên làm báo cáo và hệ thống đưa ra rất nhiều bản ghi bị trùng lắp. Chưa kể khi làm báo cáo cần biết tính logic của quan hệ trong các câu lệnh, khoản này dân IT khá hơn dân ngoại giao.

Sau khi rà soát lại, toàn bộ dữ liệu người hồi hương từ Hồng Kông, Indonesia, Malaysia hay Philippines, gồm hơn 100.000 người, chỉ vênh với danh sách bay thật ngoài đời là 3 người.

"Thợ mộc" gọi lên và hỏi đúng một câu "Anh có muốn làm việc ở đây không?", rất Mỹ. Nghe ông ấy nói lương bổng (1993), tai ù hết, bèn "Yes, Yes, Yes", chả hiểu mấy lần.

Sau này mới biết, ngoài đời thợ mộc xứ Việt tuyển người, bắt thử cưa, đục, trông tay làm là biết ngay có được việc không, y chang ông Carpenter dùng bài toán FoxPro với lời thách đố tìm lời giải để tuyển quân.

Bỏ viện khoa học ra đi, sang UNHCR cũng chỉ được 3 năm, nghe phong thanh sắp đóng cửa, mà IT sẽ bị "đi" trước, thế là để ý tìm việc mới. Xem báo, thấy Ngân hàng thế giới (World Bank) tuyển IT và nói phải gửi CV. Hồi đó (1995) chưa biết CV là cái gì và chả hiểu phỏng vấn ra sao, nhưng cứ gửi đơn, nhờ vài bạn giỏi tiếng Anh chữa câu cú.

Chả hiểu do mác UNHCR, hay lý do gì khác, mà tôi được gọi đi phỏng vấn. Dù chả biết gì về World Bank nhưng cũng cố tìm xem tổ chức này làm gì, biết mục đích của họ vào Việt Nam là cho chính phủ vay tiền để phát triển. Đến nhà người ta chơi mà chả biết gì về chủ là không lịch sự cho lắm, tôi nghĩ thế.

Ông sếp Bradley Babson từng phụ trách HR (nhân sự) của tổ chức quốc tế khá lớn và đầy kinh nghiệm tuyển người. Khi tôi ở trong short list (danh sách ngắn) thì được tiếp kiến.

Hồi đó với tôi, tiếng Anh của người Mỹ lại nói trong bộ râu che kín miệng, âm điệu kiểu vừa ăn khoai nóng vừa nói, rất khó nghe. Ông choảng câu đầu tiên "Tell us about yourself – Hãy nói về nhân thân."

Tiếp theo "Tại sao anh lại xin vào đây? Có phải vì lương bổng không?". Và câu tiếp "So với công việc đang làm bên UNHCR và Viện IT trước đó, anh định mang cái gì mới vào văn phòng này".

Bạn đọc tin tôi đi, khi được phỏng vấn, ba câu trên dễ bị hỏi nhất. Nếu gặp, nên trả lời thế nào?

Nhất là câu "Tell us about yourself – nhân thân". Câu này tôi được hỏi, đã hỏi người khác và nghe thấy trong mấy chục cuộc phỏng vấn, thường là 2-3 phút phải nói được về mình. Dài lê thê, ầm ừ, à ừ, ngắc ngư… đảm bảo trượt.

Cùng là câu hỏi ""Tell us about yourself" ở nơi này thì trả lời thế này, ở nơi khác lại phải tìm câu trả lời thích hợp khác. Đó là sự thông minh của ứng viên trong phỏng vấn.

Riêng câu cuối như đúng vào mạch của dân IT và có sự chuẩn bị tốt tìm hiểu kỹ về World Bank, tôi nói như thuộc lòng. UN giúp viện trợ nhân đạo sau chiến tranh, World Bank vào Việt Nam giúp đất nước cất cánh.

UNHCR có các dự án nhỏ giúp số nhỏ, World Bank cần dự án lớn, và hệ thống IT cần phải mạnh, và tôi tin kinh nghiệm hơn chục năm của tôi sẽ giúp ích cho văn phòng và xa hơn là giúp Việt Nam phát triển. Thấy ông và người đồng sự gật gù, nhìn nhau vẻ tâm đắc, tôi hiểu sự chuẩn bị "bài tập ở nhà" không uổng.

Sau một tiếng tranh cãi với hàng chục câu hỏi follow-up, ông ấy tha chết. Ra khỏi phòng, mồ hôi ướt đầm dù phòng phỏng vấn có điều hòa mát lạnh.

Một ngày sau, thư ký của ông gọi điện hẹn gặp. Vừa ngồi xuống, ông đã tuyên bố "You are hired - Anh trúng tuyển", rất Mỹ, được hay không được, tồn tại hay không tồn tại. Không lèm nhèm, đợi xét duyệt hay đang xin ý kiến.

Chuẩn bị interview là một nghệ thuật và kinh nghiệm cho công việc đó là vô cùng quan trọng. Còn lại là sự may mắn, đôi khi là một câu trả lời, một nụ cười, một cái nhíu mày đúng lúc, thể hiện sự tự tin và trình bày kiến thức có được sau nhiều năm công tác.

Sau này thi tuyển sang Mỹ còn những câu hóc hơn nhiều. Thời hội nhập người khôn, của khó, ứng viên nhiều, phải chuẩn bị tốt.

Những câu hỏi liên quan kinh nghiệm thông qua những bài toán có thật để xem cách giải quyết, và biết được trình độ giao tiếp kể cả ngoại ngữ.

Người Việt ta yếu và ngại giao tiếp vì trong trường phổ thông và cả đại học, học sinh ít được rèn luyện về khả năng tranh luận dù biết 10 chỉ nói 1 so với dân xứ khác luôn tỏ ra tự tin biết 1 nói thành 10, dễ thua trong các cuộc đấu tay bo.

Trong đời bạn có thể gặp một sếp tuyển người như thợ mộc qua việc cưa đục một cái kèo nhà hay chuyên nghiệp bài bản như World Bank.

Tuy nhiên, thi tuyển vào chức manager nhưng kết thúc ở bell boy thì chưa chắc qua được vòng gửi xe, bởi thành Rome không thể xây qua một đêm.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Theo Hiệu Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên