MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôi vừa đến Venice và suýt "chết ngạt", thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi...

09-05-2018 - 14:25 PM | Sống

Venice có tự cứu được mình?

Sau nhiều giờ ngồi ô tô và 30 phút tròng trành trên thuyền máy du lịch, những tòa nhà màu sắc nối liền trên mặt biển, từng đàn hải âu bay lượn, tàu thuyền xuôi ngược... dần chạy qua trước mắt tôi. Venice - thành phố nổi trứ danh hiện ra xinh đẹp dưới cái nắng tháng 5 chói chang nhanh chóng xoa dịu sự mệt mỏi của cả đoàn.

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 1.

Nằm ở miền Đông Bắc nước Ý, Venice được xây dựng trên một quần đảo lớn gồm hàng trăm hòn đảo và kênh đào, nối liền bởi hơn 400 cây cầu lớn nhỏ. Được mệnh danh bằng nhiều tên gọi mỹ miều như điểm đến của tình yêu, vùng đất của những chiếc mặt nạ hóa trang, thành phố của những cây cầu... Venice là một trong những thành phố lãng mạn nhất thế giới và được đông đảo khách du lịch tìm đến.

Venice cũng là thành phố duy nhất ở châu Âu trong thế kỷ 21 không cho lưu hành ô tô và xe cơ giới. Phương tiện giao thông chính của thành phố là những chiếc thuyền Gondola và thuyền máy vaporetti đi lại tấp nập trên các con kênh, rạch đan xen chằng chịt khắp thành phố. Nét đặc sắc này khiến Venice trở nên đặc biệt không giống bất cứ một nơi nào khác.

Thế kỉ 20 đã đem đến cho quần đảo nổi tiếng nhất thế giới này một sân bay mới, một bến cảng mới và thậm chí là những tuyến đường sắt mới bắc qua cây cầu cổ kết nối Venice với đất liền.

Tôi không cảm thấy dễ chịu được lâu sau khi đặt chân lên đảo. Vẻ đẹp của một miền đất thanh bình và yên ả trong tưởng tượng được thay bằng những đoàn người bất tận, đủ tạp âm ồn ào và những cuộc mua bán xô bồ bởi hàng ngàn du khách từ bến cảng cho đến khắp các ngả đường, ngõ ngách.

Anh bạn hướng dẫn viên cười trước vẻ mặt đau khổ của cả đoàn khi đứng chờ xếp hàng ở bến cảng. Anh cho biết tháng 5 bắt đầu bước vào mùa cao điểm du lịch ở Venice. Cái nắng chói chang của buổi chiều càng khiến không gian trở nên ngột ngạt hơn.

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 2.

Mỗi năm, Venice đón tiếp tới 30 triệu du khách, và số khách khứa khổng lồ này đang khiến người dân sở tại cảm thấy quá tải so với khả năng mà họ có thể tiếp đón. Trên mặt đất, dưới các kênh đào, nơi đâu cũng tràn ngập du khách.

Cùng với sự xuất hiện của khách du lịch là những cửa hàng mua sắm dài bất tận khắp mọi nơi, quảng trường trung tâm ken đặc người, còn nhà hàng khách sạn lớn bé chen chúc khắp thành phố.

Từ năm 2015, Giáo sư Andrea Carandini, người đứng đầu Quỹ môi trường Ý, đã cảnh báo về việc Venice đang bị nghiền nát bởi du lịch đại chúng.

"Venice hiện có khoảng 50 ngàn dân - chỉ bằng 1/3 so với thế kỷ 18 - nhưng lại đón tiếp khoảng 30 triệu khách du lịch mỗi năm", Carandini cho biết.

"Đường phố đông nghẹt du khách. Còn dân Venice như chúng tôi dường như chẳng còn ai. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi như loài đang bị đe dọa", một người dân Venice cho biết.

Năm 2015, các đảo nhỏ đã bỏ phiếu cấm tàu du lịch đi dọc kênh Giudecca - con kênh đẹp như tranh ở Venice. Sự xuất hiện của những tàu du lịch lớn sẽ gây nguy hại cho các kênh và các bến thuyền của đảo. Chỉ cần 2-3 thuyền du lịch neo đậu tại bất cứ một thời điểm nào cũng đồng nghĩa với hơn 10.000 du khách sẽ bị tống vào các con phố chật hẹp và dồn ứ vào các quảng trường ở Venice.

Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn 3 tháng sau khi luật được áp dụng, quy định này đã bị Tòa án Hành chính phía đất liền bác bỏ.

"Rất đông đảo người dân và chính trị gia đã cố gắng yêu cầu lệnh cấm tàu qua lại kênh Giudecca, tuy nhiên nó chưa bao giờ được tòa án hành chính khu vực chấp thuận", Elena Scarpa, người điều hành Khách sạn Sant'Antonin từng chia sẻ với báo chí.

"Đường phố đông nghẹt du khách. Còn dân Venice như chúng tôi dường như chẳng còn ai. Chúng tôi cảm thấy chúng tôi như loài đang bị đe dọa"

Đầu năm ngoái, Thị trưởng thành phố Venice - Luigi Brugnaro, đã đề xuất xây dựng một hệ thống bán vé tham quan vào khu vực quảng trường Piazza San Marco. Đây là quảng trường chính của Venice được Napoleon gọi là "phòng khách của châu Âu", nơi có nhiều điểm tham quan nổi tiếng nhất của thành phố.

Dù hội đồng thành phố đã phê duyệt phương án này vào tháng 5/2017, nhưng việc áp dụng trên thực tế không thực sự phổ biến. Bà Cristiano Fortuna, Tổng giám đốc Khách sạn L'Orologio Hotel tại Grand Canal (Kênh Lớn) cho rằng việc bán vé là phi thực tế.

"Đó không phải là ý kiến hay, cho cả du khách lẫn người dân", bà nói. "Có lẽ sẽ hiệu quả hơn nếu lập kế hoạch khuyến khích du khách đến Venice vào các ngày trong tuần. Và trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 4.

Tình trạng quá tải đặc biệt tồi tệ vào cuối tuần từ tháng 5 tới tháng 9. Và chúng ta nên tìm cách thỏa thuận với các công ty du lịch để đưa thuyền đến tất cả các ngày trong tuần, chứ không chỉ cuối tuần".

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 4.

Hàng dài du khách

"Venice có thể chết chìm trong dòng lũ du lịch nhanh hơn cả nước biển dâng", đó là tựa đề một bài báo tôi từng đọc hồi đầu năm ngoái khi nói về "cái giá" của sự nổi tiếng mà thành phố này đang phải gánh chịu.

Thị trưởng thành phố này cũng đề xuất cách phân tán sự tập trung du khách từ các khu vực cục bộ đang có quá nhiều người tham quan.

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 5.

Một ví dụ là bến cảng Riva degli Schiavoni, một địa danh lịch sử nơi du khách nước ngoài đến Venice trước khi cầu đường sắt được xây dựng vào năm 1846. Nơi đây sẽ phủ kín vào mùa hè với hàng dài du khách chờ đợi đi qua cầu.

Venice có tổng cộng 6 sestieri (khu vực), nhưng hầu hết du khách không bao giờ nhìn thấy 2 khu Castello và Cannareggio, trong đó có một số nhà thờ đẹp nhất trong quần đảo.

Cuộc sống ở Venice đang ngày càng trở nên khó khăn hơn với dân bản xứ. Các cửa hàng tạp hóa, thực phẩm, tiệm bánh hay hiệu sách đang đóng cửa rời khỏi đây để dành không gian cho các quầy lưu niệm. Đây là lí do khiến Venice ngày càng trở nên đắt đỏ.

Venice quả thực là một thành phố đắt đỏ đối với một du khách Việt như tôi. Giá một chai nước lọc trong nhà hàng ở Venice lên tới 4-5 EUR (khoảng 115 ngàn đồng), cao gấp 2-3 lần giá bán trên đất liền. Thậm chí phí dịch vụ cho mỗi lần vào WC ở thành phố này là 1,5 EUR (khoảng hơn 40 ngàn đồng). Với tỷ giá 1 EUR đổi 28.300 VND, tôi nhẩm tính chi phí dành cho chặng dừng ở Venice chắc hẳn là đắt đỏ nhất trong chuyến tham quan Ý lần này.

Người dân trên quần đảo này dường như đã quá quen thuộc việc chứng kiến các căn nhà bị bán đi để chuyển thành nhà hàng và khách sạn phục vụ khách du lịch đến đây.

Vài năm gần đây, JW Marriott đã biến toàn bộ đảo Isola delle Rose thành một resort nghỉ dưỡng, tập đoàn Bauer thì chuyển một tu viện thành khu Khách sạn Spa Bauer Palladio, còn Aman Resorts cũng biến lâu đài Palazoo Papadopoli thành một khách sạn mới (nơi diễn viên Hollywood George Clooney từng tổ chức tiệc cưới) trên kênh Grand Canal.

Để cải thiện tình trạng này, vào tháng 6 năm ngoái, Ủy viên hội đồng Councillor Massimiliano De Martin của Venice đã đề xuất việc cấm kinh doanh khách sạn mới nhờ tận dụng các ngôi nhà đang suy yếu ở Venice. Tuy nhiên giải pháp này chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả.

Một phần vấn đề là bài toán tài chính của thành phố, bởi việc bảo tồn và duy tu một trong những thành phố lịch sử đẹp nhất thế giới là một công việc tốn kém nhiều tiền của.

Cung điện Doge's Palace bị che phủ một phần suốt mấy năm qua bởi tấm biển quảng cáo Bvlgari để lấy tiền trùng tu. Hay cây cầu lãng mạn Rialto cũng bị che khuất bởi biển quảng cáo Diesel vì ông chủ hãng này là Renzo Rosso đang tài trợ tiền sửa chữa cây cầu này.

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 6.

Một phần của cung điện Doge's Palace bị che phủ bởi biển quảng cáo Bvlgari đã vài năm nay để lấy tiền trùng tu.

Bảo tồn một Venice sống

Venice cần doanh thu từ du khách để tồn tại và những du khách như tôi cũng không muốn thành phố này sụp đổ dưới chân mình.

Đối với Jonathan Keates, chủ tịch tổ chức từ thiện của Anh ở Peril, mục tiêu của ông là phải bảo tồn Venice như một điểm đến tuyệt đẹp nơi những người dân thực sự vẫn sinh sống ở đó.

"Cần xây dựng kế hoạch hướng đến việc quản lý các tour du lịch, áp dụng thuế du lịch cao hơn, giới thiệu việc giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và ủng hộ việc thuê nhà giá hợp lý", Keates nhận định. "Venice cần dấu chân của những công dân in trên mặt đất, trẻ em chơi trên bãi cỏ, còn người già ngồi trên các ghế băng - một thành phố Ý đích thực như chúng ta đã từng biết về nó".

Cuối năm ngoái, một ủy ban chính phủ Ý do Bộ trưởng giao thông Graziano Delrio chủ trì đã quyết định: đến năm 2021, các tàu du lịch trên 55.000 tấn sẽ không được phép đi qua St Mark's Basin và cập cảng vào Venice nữa.

Thay vào đó, tàu sẽ phải đi qua đầm phá cách xa thành phố, cắt xuyên qua Malamocco (ở đầu xa của Lido, nơi có rào chắn lũ Mose) và neo đậu trên đất liền tại Marghera, trung tâm công nghiệp của vùng Veneto.

Dân địa phương cho rằng những tàu du lịch khổng lồ đi qua quảng trường Piazza San Marco và lối vào Grand Canal trước khi đi vào kênh Giudecca và chạy dọc theo bờ Zattere nổi tiếng, cuối cùng đậu quanh cảng sau thành phố, đã làm hư hại cơ sở hạ tầng lịch sử và ô nhiễm nguồn nước của Venice.

Phán quyết này của "Comitatone" - "siêu ủy ban của tất cả các ủy ban", đã chấm dứt tranh cãi nhiều năm về vai trò của ngành du lịch đối với việc phá hủy Venice.

---

Tôi đã quyết định sẽ không trở lại Venice nếu có dịp quay trở lại Ý lần sau. Không phải vì nơi đây không hấp dẫn tôi, mà bởi tôi không muốn dấu chân của mình làm thành phố này xấu xí thêm. Và tôi nghĩ không ai khác, chính những người dân bản địa của Venice sẽ là những người ở lại cuối cùng cứu lấy thành phố của họ khỏi dòng lũ du lịch đáng sợ này.

Tôi vừa đến Venice và suýt chết ngạt, thành phố này đang bị nhấn chìm - không phải vì nước biển dâng mà bởi dòng lũ những du khách như tôi... - Ảnh 7.

Theo Kỳ Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên