MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tôm Việt thêm khó khi Hoa Kỳ tăng thuế chống phá giá

14-09-2016 - 11:35 AM | Thị trường

Tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu của VN, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát hành chính thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam trong thời gian từ 1/2/2014 - 31/1/2015. Theo đó, mức thuế là 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện. Điều này sẽ gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu tôm trong nước.

Thuế tăng hơn 5 lần

Lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) của DOC áp dụng cho giai đoạn từ ngày 1/2/2014 đến ngày 31/1/2015. So với mức thuế cuối cùng của POR9 (công bố ngày 15/9/2015), mức thuế cuối cùng của POR10 đã tăng hơn 5 lần từ 0,91% tới 4,78% đối với cả công ty bị đơn bắt buộc và tự nguyện.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), DOC đã lựa chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc với mức thuế là 2,86% và 4,78%. Từ đó, mức thuế sơ bộ của các bị đơn tự nguyện (bình quân gia quyền thuế suất của các bị đơn bắt buộc) là 3,56%. Tuy nhiên, trong kết luận cuối cùng DOC chỉ lựa chọn duy nhất 1 bị đơn bắt buộc với mức thuế suất giữ nguyên so với quyết định sơ bộ là 4,78% (do công ty Minh Phú được kết luận không bán phá giá và được hưởng mức thuế 0%). Vì vậy, các bị đơn tự nguyện cũng nhận mức thuế suất 4,78%. Thuế suất toàn quốc vẫn giữ nguyên ở mức 25,76%.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện Phòng Xử lý các vụ kiện phòng vệ thương mại của nước ngoài (Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới biên độ phá giá tăng đáng kể trong POR10 là do DOC áp dụng phương pháp định giá phân biệt (cho phép DOC sử dụng phương pháp quy về 0) để tính toán biên độ phá giá.

“Kể từ kết quả sơ bộ của POR8, DOC đã liên tục áp dụng phương pháp định giá phân biệt để tính biên độ phá giá cho các doanh nghiệp Việt Nam, khiến biên độ phá giá bị tăng lên đáng kể. Phương pháp này sẽ còn tiếp tục được họ áp dụng trong thời gian tới”, vị này cho hay.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác dẫn tới mức thuế suất của POR10 cao hơn đó là vấn đề giá trị thay thế và nước thay thế. Trong các đợt rà soát hành chính tôm trước đây đối với Việt Nam, DOC thường lựa chọn Bangladesh làm nước thay thế để tính toán biên độ phá giá. Trong POR10, DOC vẫn xác định Bangladesh là nước thay thế chính và sử dụng số liệu của nước này để định giá nguyên vật liệu đầu vào, tuy nhiên, đối với một số đầu vào nhất định, DOC sử dụng giá trị của Ấn Độ. Điều này cũng góp phần dẫn đến biên độ phá giá tăng lên cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Lo cho con tôm Việt

Theo Cục Xuất nhập khẩu, tôm hiện là mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu của VN, chiếm 50% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm Việt Nam. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 657 triệu USD. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam vào Hoa Kỳ đạt 364,8 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm nay, Hoa Kỳ vẫn duy trì đà tăng trưởng nhập khẩu tôm từ Việt Nam do nhu cầu trong nước tăng, các nguồn cung khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu dẫn tới giá xuất tăng. Hoa Kỳ cũng đang tăng nhu cầu nhập khẩu tôm sú trong khi sản lượng thu hoạch tôm sú ở Ấn Độ và Indonesia đều giảm.

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc DOC tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Đây là phán quyết không mang tính khách quan và mang nặng tính áp đặt vì trong đợt tính thuế lần này, DOC tiếp tục chọn Bangladesh làm quốc gia thứ ba để so sánh về giá trong khi đây là quốc gia không có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Trong khi đó, số liệu lại lạc hậu cách đây 3 - 4 năm. Với mức thuế chống bán phá giá mà DOC vừa công bố, sản phẩm tôm của Việt Nam sẽ chịu mức thuế cao gấp 2 - 3 lần so với tôm Ấn Độ, Indonesia...”.

Theo ông Lĩnh, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn phải chịu những vụ kiện vô lý từ Hoa Kỳ, thậm chí có những vụ WTO phản đối nhưng vì nhiều lý do khác nhau như: chính trị, bảo hộ... nên họ luôn tìm hết cách này đến cách khác để tạo các điều kiện bất lợi cho hoạt động kinh doanh thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2016, trong top 5 các doanh nghiệp xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, duy nhất Việt Nam tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu và chiếm vị trí thứ 4 trong tất cả các nước xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là thị trường quan trọng với con tôm nói riêng và ngành thủy sản Việt Nam nói chung. Nếu Hoa Kỳ áp dụng mức thuế trên, chắc chắn sẽ tác động đến giá thành xuất khẩu và Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ như: Ấn Độ, Indonesia..,

"Trong kinh doanh, các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường lấy số liệu của năm trước làm tiền đề căn bản, đặt cọc cho việc kinh doanh của năm sau, đặc biệt trong những thủ tục về kinh doanh với giới chức trong nước. Vì thế, việc áp thuế như trên sẽ là một bất lợi không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam vì nếu có mức giá quá cao, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ sẽ tìm đến các đối tác có giá cạnh tranh hơn".

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước.

Theo Lê Nghĩa - Hoàng Dương

Báo tin tức

Trở lên trên