MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho 530.000 tấn, ngành mía đường như trên “chảo lửa”

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), niên vụ 2017/2018, ngành mía đường tiếp tục gặp khó khăn. Tính đến ngày 15.3.2018, các nhà máy đã ép hơn 8,2 triệu tấn mía, sản xuất được hơn 750 ngàn tấn đường, lượng tồn kho tại các nhà máy hiện tại đã tăng cao trên 530 ngàn tấn, chiếm hơn 70% so với lượng sản xuất, tại các Cty thương mại, lượng đường tồn cũng lên tới trên 14 ngàn tấn.

Đường ùn ùn “ra lò” và... nằm im trong kho!

Theo VSSA, bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017 chưa tiêu thụ hết, thì niên vụ mới đã khiến lượng đường tồn trong kho cách đây 1 tháng chỉ mới ở mức 200 ngàn tấn đã nhanh chóng tăng vọt lên 530 ngàn tấn. Giá đường liên tục sụt giảm cả trên thế giới và trong nước khiến việc tiêu thụ đường càng khó khăn.

Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, có một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.500 đồng/kg).

Thế nhưng, từ hơn 1 tháng nay, các nhà máy không bán được kilôgam nào, số lượng đường tồn kho vẫn tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại. Trước đó, niên vụ mía đường 2016 - 2017, sản lượng đường sản xuất đạt khoảng 1,24 triệu tấn đường, tương đương niên vụ 2015/2016. Việc tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến lượng tồn kho lớn nhất từ trước đến nay thời điểm cao nhất khoảng 700 ngàn tấn).

Tại thời điểm này, các DN mía đường đang như "bị rang trên chảo lửa" bởi không bán được đường, dẫn đến thiếu tiền mua nguyên liệu đầu vào, không có đủ tiền để thanh toán tiền mía cho nông dân đúng hạn… “Mặc dù vậy, các nhà máy vẫn duy trì vùng nguyên liệu, giữ giá và bảo hiểm chữ đường cho người trồng mía nguyên liệu. Không có tình trạng nhà máy từ chối mua mía cho nông dân. Vừa rồi xảy ra tình trạng 1 DN chưa kịp thanh toán tiền cho nông dân nên mía không kịp thu mua bị trổ cờ (hoa-PV), chứ không phải DN không thu mua mía” - ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch VSSA cho biết.

Đường lậu, đường giả, đường hóa học “bóp nghẹt” đường sạch

Trong khi các nhà máy mía đường đang tồn kho 530 ngàn tấn, thì tình hình buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại lại diễn biến phước tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng hơn ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam trong những năm qua ước khoảng 400-500 ngàn tấn/năm, riêng năm 2017 ước khoảng 600-700 ngàn tấn đang làm khó khăn cho sản xuất tiêu thụ đường Việt Nam.

Ngành mía đường Việt Nam là nước chịu tác động ảnh hưởng lớn nhất. Đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam, mà đã có cả đường đường tạm nhập tái xuất, sản xuất hàng xuất khẩu.

Ông Phạm Quốc Doanh nhấn mạnh: Về hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức như: Đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/Cty đường trong nước.

DN, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép hoạt động “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng (không ghi xuất xứ nhà máy sản xuất, không ghi ngày sản xuất, chỉ ghi chung chung: "Đường mía Việt Nam chất lượng cao", "đường luyện xuất khẩu", "sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam"...). Chủ 1 DN sản xuất mía đường cho rằng: “Không loại trừ những loại đường trong bao kia chính là đường lậu được các đầu nậu “sang bao” (san chiết sang các túi nhỏ) để đưa về địa phương tiêu thụ.

Chưa bình luận về chất lượng, chỉ riêng việc “sang bao” đã vi phạm quy định về nhãn mác, bao gói”. Một vấn nạn khác là, đường lỏng (tinh bột bắp, HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng, hay còn gọi là đường hóa học) nhập lậu Việt Nam ngày càng tăng và giá ngày càng giảm đã không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Đáng lẽ đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%, thế nhưng, để né khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế, né thuế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015 có 67.384 tấn đường lỏng vào Việt Nam; năm 2016 đã tăng lên 70.090 tấn; đến năm 2017 tăng vọt lên tới 89.434 tấn...

Từ những thực trạng sản xuất và buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (BLHGGLTM) nêu trên, VSSA kiến nghị Cục Quản lý Thị trường (QLTT), Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo (BCĐ) 334, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thuộc BCĐ 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống BLHGGLTM mặt hàng đường theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 6326/VPCP-V1 ngày 19.6.2017 về công tác chống buôn lậu thuốc lá và đường cát.

Chỉ đạo Chi cục QLTT các, tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có biện pháp tăng cường kiểm tra, đôn đốc phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng BLHGGLTM mặt hàng đường. VSSA sẽ chủ động tích cực phối hợp và hỗ trợ.

Theo Phong Nguyễn

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên