MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tồn kho tăng mạnh, giá đường vẫn lên cao nhất trong vòng 1 năm qua

13-04-2016 - 08:42 AM | Thị trường

Sau gần 1 năm (tháng 6/2015), giá bán buôn đường kính trắng mới lại ở mức trên 15.000 đ/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá đường kính trắng hiện nay đang cao hơn khoảng 2.000 đ/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, giá đường đang tăng liên tục trong mấy tuần qua. Đến ngày 4/4, giá bán buôn đường kính trắng ở Hà Nội đã ở mức 15.000-15.400 đ/kg, tại Miền Trung từ 14.800-15.200 đ/kg và tại TP HCM từ 14.800-15.300 đ/kg. Giá bán buôn đường vàng hiện cũng đã ở mức 15.000 đ/kg, còn giá bán buôn đường tinh luyện ở mức 15.800-17.000 đ/kg.

Như vậy, sau gần 1 năm (tháng 6/2015), giá bán buôn đường kính trắng mới lại ở mức trên 15.000 đ/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái, giá đường kính trắng hiện nay đang cao hơn khoảng 2.000 đ/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, GĐ Cty Tư vấn mía đường Lộc Hằng, giá đường tăng trước hết là do sản lượng đường giảm nhiều do hạn, mặn ảnh hưởng tới sản xuất mía ở nhiều địa phương và giảm diện tích mía đầu vụ bởi sự cạnh tranh của những cây trồng khác (đến 26/3/2016, sản lượng đường niên vụ 2015/2016 mới đạt 777.595 tấn, giảm nhiều so với 886.767 tấn tính tới ngày 20/3/2015 của niên vụ 2014/2015).

Bên cạnh đó, đầu niên vụ 2015/2016, để khuyến khích nông dân trồng mía, đồng thời nhằm thu hút nguồn mía nguyên liệu, nhiều nhà máy đường đã phải tăng giá thu mua mía lên khá nhiều. Trong khi đó, mặt bằng giá đường thời gian qua luôn ở mức thấp khiến cho nhiều nhà máy bị thua lỗ.

Vì thế, các nhà máy đang buộc phải điều chỉnh giá đường bán ra theo hướng tăng lên để bù chi phí sản xuất, nhất là trong bối cảnh sản lượng đường giảm và giá đường trên thế giới cũng đang tăng do ảnh hưởng El Nino. Ngoài ra, một số nhà buôn bán trung gian cũng tranh thủ găm hàng, đẩy giá đường lên.

Chính vì những nguyên nhân như trên mà dù lượng đường tồn kho đang tăng lên (tồn kho tại các nhà máy đến đầu tháng 4 là 304.812 tấn, cao hơn nhiều so với lượng tồn kho đến đầu tháng 3 là 225.862 tấn), và chuẩn bị có đợt đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, nhưng giá đường vẫn liên tục tăng.

Như đã nói ở trên, năm nay, lần đầu tiên nước ta sẽ tổ chức thí điểm đấu giá hạnh ngạch thuế quan nhập khẩu đường, để thay thế cho cơ chế xin – cho trước đây. Cụ thể, vào ngày 6/4/2016, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 2345/VPCP-KTTH gửi các Bộ Công Thương, Tài chính, Tư pháp, NN-PTNT và Hiệp hội Mía đường Việt Nam, về việc về việc thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016.

Theo công văn này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Thủ tướng) có ý kiến như sau: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan để thực hiện thí điểm cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, đảm bảo công khai minh bạch và phù hợp với các cam kết quốc tế, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương thức điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Khoản 2, Công văn số 5064/VPCP-KTTH ngày 2/7/2015 của Văn phòng Chính phủ; Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công Thương chuẩn bị các nội dung liên quan về vấn đề này để trao đổi với các đối tác khi cần thiết.

Được biết, vào ngày 25/2/2015, Bộ Công Thương đã có công văn số 1616/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, với những đề nghị như sau:

Sẽ đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ và Thông tư số 03/2012/TT-BTC ngày 5/1/2012 của Bộ Tài chính, Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 6/12/2010 của Bộ Tư pháp.

Bộ Công Thương sẽ có Thông tư hướng dẫn về việc thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm gồm các bộ Công Thương, Tài chính, NN-PTNT, Tư pháp, do lãnh đạo Bộ Công Thương là Chủ tịch Hội đồng.

Đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện; số lượng đường đấu giá năm 2016 là 85.000 tấn, sẽ gồm cả đường thô và đường tinh luyện; để phù hợp với cam kết WTO là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng nên sau khi trúng đấu giá, không được mua bán, trao đổi, chuyển nhượng ...

Theo Đăng Duy

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên