MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng Kiểm toán Nhà nước “tiết lộ” kế hoạch kiểm toán hải quan, khoáng sản

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hồ Đức Phớc (ảnh) - Tổng Kiểm toán nhà nước - cho biết, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sẽ giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng.

KTNN tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra thất thoát lãng phí tài sản công. KTNN sẽ kiểm toán về lĩnh vực đất đai của một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, hải quan, khai khoáng của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam, đặc biệt là kiểm toán về việc cấp phép nhập khẩu phế liệu.

Khó khăn khi kiểm toán doanh nghiệp

Nói về khó khăn của KTNN khi kiểm toán tại các doanh nghiệp, ông Hồ Đức Phớc cho biết theo luật, KTNN không thể tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp mà phải thông qua cơ quan thuế, chính vì vậy việc kiểm toán không toàn diện, khó truy đến cùng các khoản thuế cần thu.

Thời gian qua, KTNN đã tập trung vào các lĩnh vực BT, BOT, tài nguyên khoáng sản, thuế, chuyển giá... KTNN đã kiến nghị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tăng thêm 882 tỉ đồng. Tại Sabeco, KTNN kiến nghị truy thu 2.700 tỉ đồng. Theo ông Hồ Đức Phớc, tại Sabeco có hiện tượng chuyển giá, bia do Sabeco sản xuất được bán cho các công ty con thuộc tổng công ty. Các công ty này tiếp tục bán bia với giá thấp cho các công ty khác, trước khi đến tay người tiêu dùng. KTNN đã truy đến cùng doanh thu từ các công ty con và đại lý của Sabeco, từ đó truy thu khoản thuế rất lớn.

"Nếu Quốc hội chấp nhận sửa Luật KT và cho KTNN làm sâu hơn về lĩnh vực thuế thì chúng tôi sẽ tập trung đấu tranh trong chuyển giá. Đối với chuyên đề hoàn thuế giá trị gia tăng, chúng tôi kiến nghị truy thu 1.800 tỉ đồng. Đối với thuế xuất khẩu, đối chiếu 13 doanh nghiệp thu về cho nhà nước 600 tỉ đồng" - ông Hồ Đức Phớc nói.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, KTNN đã phát hành 34 báo cáo kiểm toán và kiến nghị xử lý tài chính 32.000 tỉ đồng và kiến nghị sửa đổi 25 văn bản quy phạm pháp luật, chuyển nhiều hồ sơ vụ việc cho Quốc hội, cơ quan quản lý nhà nước cũng như các cơ quan tố tụng.

Kiểm toán hải quan, nhập khẩu phế liệu

Năm 2019, KTNN định hướng bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ để lập kế hoạch kiểm toán và đặc biệt là kiểm toán các lĩnh vực mà nóng trong xã hội. Chúng tôi giảm 20% các cuộc kiểm toán so với năm 2018 để tập trung nâng cao chất lượng. Giảm kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường kiểm toán chuyên đề, tăng cường kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả của các chương trình mục tiêu, các chuyên đề, để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tránh xảy ra thất thoát" - ông Phớc cho biết.

Năm 2019, KTNN sẽ tập trung kiểm toán vào một số lĩnh vực như đất đai của một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa, kiểm toán về một số chương trình thu thuế, xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan và một số chuyên đề về BT, chuyên đề đất đai… Chúng tôi sẽ báo cáo với Quốc hội và Chính phủ để có biện pháp quản lý chặt chẽ để kiểm soát tốt hơn vấn đề sử dụng tài sản công. Đại diện lãnh đạo KTNN cho biết năm 2019 sẽ tập trung kiểm toán về môi trường, đối với việc xử lý rác thải, khai khoáng của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam. Thêm vào đó, KTNN sẽ làm việc với các chuyên gia về lĩnh vực môi trường để kiểm toán việc quản lý, cấp phép sử dụng phế liệu. Đây là vấn đề nóng và cần thiết để ngăn chặn rác thải sang Việt Nam rồi biến Việt Nam thành nơi tập kết phế liệu thế giới. KTNN sẽ hoàn thiện quy trình, tiêu chí kiểm toán môi trường, đưa ra kiến nghị xử lý để phát triển bền vững.

"Qua quá trình kiểm toán tái cơ cấu DNNN, chúng tôi phát hiện một số trường hợp lỗ hổng trong quản lý và điều hành tài sản công. Ví dụ như trong chuyển nhượng, quản lý các khu đất cho thuê dài hạn, đầu tư vốn ra nước ngoài... KTNN có kiến nghị để doanh nghiệp rà soát, chấn chỉnh hoạt động để quản lý vốn và tài sản của nhà nước một cách hiệu quả" - Tổng Kiểm toán nhà nước nói.


Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên