MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng tài sản của các ngân hàng đã vượt 9,25 triệu tỷ đồng, CAR của nhóm NHTM Nhà nước vẫn dưới 10%

02-11-2017 - 09:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân đang duy trì tốc độ tăng về tài sản và vốn điều lệ nhanh hơn hẳn so với các NHTM Nhà nước...

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu mới nhất về tình hình sức khỏe hệ thống các tổ chức tín dụng.

Theo đó, tính đến 31/8/2017, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt hơn 9,25 triệu tỷ đồng, tăng 8,79% so với đầu năm. Trong đó, tổng tài sản của nhóm Ngân hàng thương mại Nhà nước đạt gần 4,2 triệu tỷ đồng, tăng 8,69% còn của nhóm các ngân hàng cổ phần đạt hơn 3,72 triệu tỷ, tăng 8,75% so với đầu năm.

Trong các nhóm, tổng tài sản của nhóm công ty tài chính và cho thuê tài chính là tăng trưởng mạnh nhất với hơn 17,2% trong khi chỉ có duy nhất Ngân hàng Hợp tác xã là tổng tài sản giảm 1,36%.

Về vốn điều lệ, tính đến cuối tháng 8, tổng vốn của hệ thống đạt hơn 505 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45% so với đầu năm, trong đó vốn điều lệ của nhóm ngân hàng liên doanh và công ty tài chính, cho thuê tài chính tăng trưởng mạnh nhất với trên dưới 8%. Nhóm các ngân hàng cổ phần đã tăng vốn điều lệ tích cực hơn cùng kỳ năm trước khi đạt mức tăng trưởng 2,87% so với đầu năm và đạt hơn 206,6 nghìn tỷ đồng, còn nhóm thương mại Nhà nước vẫn vô cùng chật vật khi tổng vốn điều lệ của nhóm này tăng chưa nổi 1% và hiện chưa đến 147,7 nghìn tỷ đồng.

Vốn tự có của nhóm các ngân hàng cổ phần cũng đang cao hơn so với các ngân hàng thương mại nhà nước, đạt hơn 267 nghìn tỷ đồng – so với 246 nghìn tỷ đồng của những “ông lớn” ngân hàng cộng lại (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV và 3 ngân hàng 0 đồng chuyển đổi).

Một chỉ số nữa cũng được Ngân hàng Nhà nước cập nhật đó là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) – con số quan trọng mà các ngân hàng đều đang phải nỗ lực nâng cao để đảm bảo hoạt động an toàn theo chuẩn quốc tế. Đến 31/8, CAR của nhóm NHTM Nhà nước vẫn chưa đạt nổi 10%, chỉ dừng ở mức 9,69% trong khi của nhóm cổ phần là 11,12%. Trong khi đó CAR của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài lên đến hơn 32%.

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, khi áp dụng Basel II thì CAR của các ngân hàng Việt có thể giảm tới 2-3% so với cách tính hiện tại, và chuẩn Basel II cũng đòi hỏi CAR phải tối thiểu là 8%. Lộ trình của các ngân hàng Việt Nam là sẽ áp dụng Basel II vào năm 2020 với khoảng 12-15 ngân hàng, nhưng 10 ngân hàng thí điểm trong đó có cả 3 ngân hàng thương mại Nhà nước BIDV, Vietcombank, VietinBank sẽ áp dụng sớm hơn. Để CAR nâng lên cao, họ chẳng có cách nào khác là phải tăng nguồn vốn và đó vẫn là bài toán khó giải cho đến tận thời điểm này.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên