MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng tấn công hàng giả ở các thành phố lớn

11-05-2018 - 08:00 AM | Thị trường

Lực lượng QLTT truy quét xong hàng giả, cơ quan chức năng địa phương phải có trách nhiệm xử lý.

Thực hiện Quyết định 334/QĐ của Bộ Công Thương về đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020, sáng 10-5, 5 đội QLTT của Chi cục QLTT TP HCM đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra 20 sạp kinh doanh mắt kính, đồng hồ, kính lúp, dây nịt, túi xách, ví, bút máy… tại chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM).

Ban quản lý chợ ở đâu (!?)

Tại đây, lực lượng chức năng xác định hàng ngàn sản phẩm hàng hóa bày bán tại 20 sạp đều không có hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ, hàng nhái, giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như Rolex, Patek Philippe, Piaget, Montblanc, Chanel, Nike, Longines, Versace, Hermes, Valentino, Adidas, Dior, Omega, Rado, Tissot, Burberry... Do số hàng hóa quá lớn, Chi cục QLTT TP đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng vi phạm để tiến hành phân loại, kiểm đếm, giám định sau đó mới có biện pháp xử lý.

Tổng tấn công hàng giả ở các thành phố lớn - Ảnh 1.

QLTT TP HCM kiểm tra một quầy bán mắt kính ở chợ Bến Thành (quận 1, TP HCM) ngày 10-5

Các tiểu thương thừa nhận hầu hết sản phẩm bị tạm giữ đều có xuất xứ Trung Quốc, được mua từ các đầu mối tại TP HCM với giá rất rẻ. Họ nói dù biết kinh doanh hàng nhái, giả là vi phạm nhưng không thể buôn bán mặt hàng nào khác vì hàng thật giá quá cao, gấp vài chục cho đến cả trăm lần so với hàng giả, khách không thể mua được. Theo những người bán, số hàng hóa bị tạm giữ của mỗi sạp lên tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên, nếu được tiếp tục kinh doanh thì "vài ba tháng là "gỡ" được vốn.

Có mặt trong đoàn kiểm tra, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT - Bộ Công Thương, cho rằng chợ Bến Thành có quy mô lớn, lâu đời, thu hút rất nhiều khách du lịch nước ngoài đến đây tham quan, mua sắm nhưng lại bày bán quá nhiều hàng giả. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ông cho rằng: "Hàng giả bày bán ở chợ trong nhiều năm qua là không thể chấp nhận được. Cần phải kiểm tra, kiểm soát triệt để cũng như quy trách nhiệm rõ ràng. Không thể để tình trạng cơ quan chức năng kiểm tra xong đâu lại vào đấy, hàng giả vẫn tiếp tục bày bán. Vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ ở đâu, cần phải làm rõ".

Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP HCM, cho biết hàng gian, hàng giả không chỉ bày bán nhiều ở chợ Bến Thành mà còn bán ở nhiều chợ và trung tâm thương mại khác trên địa bàn. Chi cục thường xuyên kiểm tra và hầu như tuần nào cũng phát hiện vài ba vụ kinh doanh, chứa trữ hàng giả. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với hành vi kinh doanh, chứa trữ hàng giả hiện nay vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe nên các cửa hàng vẫn tái phạm.

Dù bị lực lượng QLTT và các cơ quan truyền thông chất vấn nhưng ông Lê Minh Hiệp, Phó Ban Quản lý chợ Bến Thành, cho biết mình không thể trả lời được vì chợ có quy định về quy chế phát ngôn nên cần xin ý kiến cấp trên hoặc UBND quận 1 phân công ai được phép trả lời.

Sẽ kiểm tra thường xuyên

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Trần Hùng cho biết Bộ Công Thương đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác 334 đấu tranh chống hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trước mắt, công tác chống hàng giả sẽ tập trung các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, sau đó triển khai đến các địa phương khác. "Hàng giả, hàng kém chất lượng lâu nay đã hoành hành gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nên cần phải tập trung xử lý triệt để. Lực lượng QLTT truy quét xong hàng giả, cơ quan chức năng ở địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý. Không thể để tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa", kiểm tra xong rồi đâu lại vào đó. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cần phân công trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị. Ban quản lý chợ cần phối hợp đồng bộ với QLTT thì công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả mới hiệu quả" - ông Hùng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bách cho biết chi cục đã có kế hoạch chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn từ nay cho đến năm 2020. Trong đó có cả chuyên đề riêng cho công tác chống hàng giả tại TP HCM. Kế hoạch dài hạn này được xem là tổng kiểm tra trên diện rộng, huy động toàn lực lượng vào cuộc với quyết tâm làm triệt để. Kế hoạch kiểm tra sẽ được triển khai kiểm tra thường xuyên và đồng loạt tại các cửa hàng, chợ, trung tâm thương mại.

Tuy nhiên, ông Bách đề nghị người dân phải nói không với hàng giả, vì còn người mua sẽ còn người bán. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của ban quản lý chợ, các cơ quan chức năng địa phương; tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện đúng quy định của pháp luật. "Hợp đồng kinh doanh giữa ban quản lý chợ và hộ kinh doanh đã có các quy định rất rõ. Hàng bán phải có hóa đơn chứng từ, chính hãng, chất lượng; không được kinh doanh hàng nhái, giả. Nếu nhắc nhở nhiều lần mà các hộ vẫn tái phạm, ban quản lý có quyền hủy hợp đồng, không cho tiếp tục buôn bán tại chợ" - ông Bách khẳng định.

Cần tăng chế tài trừng phạt hàng giả

Cũng trong ngày 10-5, Cục QLTT đã phối hợp cùng Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức hội thảo "Nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ" tại TP HCM nhằm trao đổi và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, chống hàng gian, hàng giả.

Đại diện Cục QLTT thừa nhận tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường gây nhiều bức xúc cho xã hội, hầu hết các sản phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm đều bị làm giả, gây thiệt hại cho doanh nghiệp chân chính. Các đối tượng làm hàng giả ngày càng tinh vi, không chỉ sản xuất trong nước mà còn đặt hàng từ nước ngoài đem về bán để thu lợi bất chính.

Theo ông Vũ Xuân Bính, Phó trưởng Phòng Chống hàng giả trực thuộc Cục QLTT, trong năm 2017, riêng lực lượng QLTT đã xử lý gần 4.800 vụ, xử phạt số tiền 73,8 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 518 tỉ đồng. Trong đó, vi phạm nhiều nhất là về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì (3.518 vụ), hàng nhái (608 vụ), giả về chất lượng, công dụng (278 vụ)…

Ông Bính cho biết công tác chống hàng giả, hàng nhái hiện còn gặp nhiều khó khăn, từ thiếu nhân lực về số lượng và chất lượng đến thiết bị chuyên dụng, kho chứa. Hiện Việt Nam có nhiều cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ (tòa án, công an, QLTT, hải quan, bộ đội, thanh tra chuyên ngành) nhưng còn chồng chéo, phối hợp hạn chế. Ông Bính đề nghị cần loại bỏ sự chồng chéo, thu gọn đầu mối trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. "Ngoài ra, về chế tài xử lý đối với vi phạm về sở hữu trí tuệ còn thấp, cần nâng cao để tăng tính răn đe. Đối với hành vi làm hàng nhái (xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ) nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn hoặc tái phạm cần xử lý hình sự thay cho hành chính như hiện nay" - ông Bính đề xuất.

Cũng theo ông Bính, pháp luật hiện nay quy định cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, cả dân sự và hành chính, chỉ tiến hành xử lý hàng giả, hàng nhái khi có yêu cầu của chủ thể quyền. Cơ quan thực thi chỉ được chủ động phát hiện, xử lý đối với các mặt hàng: lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng, phương tiện giao thông, hóa chất dùng trong y tế, nông nghiệp, môi trường. Do vậy, đối với các mặt hàng còn lại, doanh nghiệp, chủ sở hữu phải chủ động phối hợp với các cơ quan thực thi để xử lý vi phạm.

NG.ÁNH


Theo Nguyễn Hải

Người lao động

Trở lên trên