MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump muốn Fed áp dụng lãi suất âm nhưng chính sách này có thực sự hiệu quả?

15-09-2019 - 18:53 PM | Tài chính quốc tế

Đến cuối tháng 8, lượng trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ có lợi suất âm mà các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang nắm giữ đã có tổng giá trị lên tới 15.000 tỷ USD, theo số liệu của Deutsche Bank.

Hôm thứ 4 vừa qua (11/9), Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nên hạ lãi suất xuống 0 hoặc dưới 0. Ông đang kêu gọi NHTW Mỹ áp dụng chính sách mà nhiều đồng minh của Mỹ như NHTW châu Âu (ECB) và nHTW Nhật Bản đang sử dụng như 1 biện pháp khẩn cấp để vực dậy nền kinh tế đang yếu kém.

Đặt trong bối cảnh Fed đang được hậu thuẫn bởi 1 nền kinh tế khỏe mạnh, rất ít khả năng Fed sẽ làm theo lời Tổng thống. Fed được dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ 0,25% lãi suất trong cuộc họp sẽ diễn ra vào tuần tới để bảo vệ nước Mỹ trước những bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra, tức lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ nằm trong khoảng 1,75% - 2%. Dẫu vậy, vẫn không thể chắc chắn liệu cuối cùng Mỹ có sử dụng đến và thành công với chính sách lãi suất âm hay không.

Lãi suất âm là gì?

Các ngân hàng thương mại thường kiếm được một chút lãi trên số tiền dự trữ mà họ để tại các NHTW như Fed hay ECB. Chính sách lãi suất âm sẽ buộc họ phải trả - chứ không phải nhận về lãi suất cho những khoản tiền này, coi như 1 hình phạt mà họ phải chịu để khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn và kích thích nền kinh tế.

Một số NHTW lớn trên thế giới đã áp dụng chính sách lãi suất âm, bao gồm Đan Mạch, Thụy Sĩ, Nhật Bản, ,Thụy Điển và khu vực eurozone, để ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế hoặc ổn định tỷ giá.

Chính sách lãi suất âm ảnh hưởng đến người tiêu dùng như thế nào?

Trong khi các chính sách điều chỉnh lãi suất của NHTW thường ảnh hưởng đến các nhà đầu tư và người tiêu dùng, ngân hàng ở các nền kinh tế như eurozone - vốn bắt đầu áp dụng chính sách lãi suất âm từ năm 2014 - nhìn chung không chuyển gánh nặng sang người gửi tiền nhỏ lẻ. Tuy nhiên số tiền lãi mà người gửi tiền nhận được vẫn bị giảm đi một chút.

Ngược lại, người tiêu dùng được hưởng lợi từ những khoản đi vay có giá rẻ hơn. Ở Đan Mạch, nơi đã áp dụng lãi suất âm được 7 năm nay, các ngân hàng đã đưa ra những khoản vay thế chấp có lãi suất âm.

Nếu lãi suất âm trở thành hiện thực ở Mỹ, người tiêu dùng có thể phải gánh thêm một số chi phí mới. Tuần này CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase đã nói rằng ngân hàng ông bắt đầu thảo luận về việc thu phí nếu như lãi suất xuống 0 hoặc âm.

Và các nhà đầu tư hoàn toàn cảm nhận được những tác động. Ở eurozone và Nhật Bản, khoảng 70% trái phiếu chính phủ hiện đang có lợi suất âm. Từ đầu năm đến nay lợi suất trái phiếu đã liên tục giảm do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Đến cuối tháng 8, lượng trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ có lợi suất âm mà các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang nắm giữ đã có tổng giá trị lên tới 15.000 tỷ USD, theo số liệu của Deutsche Bank.

Lãi suất âm có hiệu quả không?

Chính sách này đã đem lại những phản ứng trái chiều. Những người phê phán nó lo sợ rằng sẽ có tình trạng ồ ạt tích lũy tiền mặt, gây nên dòng tiền chết. Tuy nhiên kịch bản này đã không xảy ra ở châu Âu.

Tuy nhiên cũng khó có thể kết luận chắc chắn rằng chính sách lãi suất âm đang hoạt động thực sự hiệu quả. Nghiên cứu mới đây của ECB cho thấy lãi suất âm khuyến khích cho vay, nhưng cũng có những nghiên cứu khác cho thấy điều ngược lại. Thậm chí chính sách lãi suất âm của Nhật Bản gây ra tác dụng phụ là làm giảm kỳ vọng lạm phát.

Liệu Mỹ có áp dụng chính sách lãi suất âm?

Mỹ vẫn luôn đối mặt với những thách thức có một không hai trong việc áp dụng lãi suất âm. Đặc biệt, vẫn chưa rõ Fed có thẩm quyền để thu lãi suất từ các khoản dự trữ dôi dư hay không. Cựu Chủ tịch Fed Janet Yellen từng phát biểu năm 2016 rằng vấn đề này cần phải được nghiên cứu thêm. Nếu các nhà làm luật cho phép thì Fed vẫn gặp phải những rào cản chính trị. Fed từng hạ lãi suất xuống mức 0 trong thời kỳ khủng hoảng 2008, nhưng chưa bao giờ vượt qua ngưỡng này.

Fed cón có những khó khăn về mặt kỹ thuật, theo Julia Coronado, nhà sáng lập MacroPolicy Perspectives (New York). Ở Mỹ, các quỹ thị trường tiền tệ đóng vai trò quan trọng đối với các chức năng thường ngày của thị trường nhiều hơn so với ở châu Âu và Nhật Bản. Mô hình kinh doanh của ngành quỹ tương hỗ cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong môi trường lãi suất âm, vì thế chuyển sang chính sách lãi suất âm sẽ làm xáo trộn thị trường tài chính Mỹ, trong khi mục tiêu của chính sách lại là bôi trơn thị trường và nền kinh tế.

Một cựu Chủ tịch khác của Fed, Ben S. Bernanke, chỉ ra trong 1 bài viết năm 2016 rằng một số lo ngại xoay quanh quỹ thị trường tiền tệ đã được bù đắp bằng những thay đổi chính sách gần đây, nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn. Ông kết luận những chi phí như vậy "cần phải nằm trong tầm kiểm soát" nhưng "những lợi ích tiềm năng của chính sách lãi suất âm là rất hạn chế". Ông bổ sung thêm rằng Fed nên phân tích kỹ hơn về vấn đề này.

Tại sao chúng ta lại đang nói về lãi suất âm?

Mặc dù sẽ gây ra nhiều thách thức, lãi suất âm vẫn sẽ là vấn đề được bàn luận sôi nổi ở Mỹ cũng như thế giới. Đó là bởi vì các NHTW đang và sẽ bị mắc kẹt ở lãi suất bằng 0. Trong tương lai các xu hướng dài hạn như thay đổi trong nhân khẩu học và hành vi tiết kiệm đều gây ra áp lực giảm lên lãi suất. Các NHTW khó có thể duy trì mức lãi suất như hiện nay mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Và các nhà hoạch định chính sách còn rất ít dư địa để kích thích kinh tế bằng những công cụ truyền thống.

Fed vẫn đang ở trong vị thế tốt hơn so với nhiều NHTW khi vẫn có thể hạ chi phí đi vay, mua vào chứng khoán để thúc đẩy tăng trưởng và cam kết giữ lãi suất thấp hơn trong thời gian lâu hơn nếu kinh tế suy yếu.

Tuy nhiên chính sách lãi suất âm cũng có những "fan hâm mộ" ở trong nước ngoài Tổng thống Trump. Nghiên cứu của Fed San Francisco năm 2019 chỉ ra rằng lãi suất âm đáng lẽ có thể khiến cuộc khủng hoảng gần nhất ít đau đớn hơn cũng như kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Tại sao ông Trump lại quan tâm đến lãi suất âm?

Theo ông, các NHTW lớn đồng loạt hạ lãi suất khiến USD mạnh lên và hàng hóa mà Mỹ xuất khẩu đi trở nên kém hấp dẫn.

Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đang bên bờ vực suy thoái. Ngược lại, Mỹ đã duy trì được mức tăng trưởng vững chắc và chi tiêu tiêu dùng khỏe mạnh. Tuy nhiên, đã có những nguy cơ hiện ra ở phía chân trời, gây áp lực giảm lãi suất cho Fed: hoạt động sản xuất suy yếu trên toàn cầu và chiến tranh thương mại gây tổn hại cho niềm tin tiêu dùng cũng như niềm tin kinh doanh.

Thu Hương

New York Times

Trở lên trên