MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thay vì đe dọa hủy diệt, tổng thống Trump “phản ứng kiềm chế” khi Triều Tiên thử tên lửa có thể tấn công mọi nơi trên trái đất

29-11-2017 - 10:12 AM | Tài chính quốc tế

Đó là nhận định của CNN về cách phản ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới của Triều Tiên.

Triều Tiên đã đưa ra lời thách thức mới với Chính quyền của Tổng thống Trump thông qua vụ thử tên lửa mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis mô tả là “có khả năng tấn công mọi địa điểm trên thế giới”. Tên lửa mới của Bình Nhưỡng bay cao hơn và đi xa hơn so với tất cả các cuộc thử nghiệm trong quá khứ.

Tổng thống Trump phản ứng

Vài giờ sau vụ phóng Tổng thống Trump đã chính thức lên tiếng về vụ việc. Trái với vài tháng trước, khi ông Trump từng đe dọa hủy diệt Triều Tiên nếu quốc gia này đe dọa nước Mỹ, phản ứng của ông chủ Nhà Trắng lần này được CNN mô tả là “kiềm chế hơn”. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết nước Mỹ sẽ “xử lý” tình huống này. “Chúng tôi sẽ để mắt tới nó”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh.

Có mặt tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis giải thích rõ hơn về “tình huống” mà nước Mỹ đang phải đối mặt. Theo đó, ông Mattis thừa nhận tên lửa của Bình Nhưỡng “bay cao và xa hơn bất cứ vụ thử nào trước đây”. Về cơ bản, Triều Tiên có thể “tấn công bất cứ địa điểm nào trên khắp thế giới”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Rex Tillerson.

“Điểm mấu chốt là vụ thử của Triều Tiên minh chứng cho nỗ lực tạo ra mối đe dọa của Bình Nhưỡng. Tên lửa đạn đạo chắc chắn là mối nguy hại với hòa bình thế giới và khu vực cũng như hòa bình của nước Mỹ”, ông Mattis nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng lên án mạnh mẽ vụ thử tên lửa và kêu gọi gia tăng áp lực quốc tế vào Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Tillerson vẫn đề cao việc sử dụng các biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. “Tới lúc này, các biện pháp ngoại giao vẫn còn khả thi”, ông Tillerson nói.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng: “Nếu cần một cuộc chiến để ngăn chặn điều này, chúng ta sẽ làm. Nếu chiến tranh với Triều Tiên nổ ra thì đó là do Bình Nhưỡng tự chuốc lấy. Chúng ta sẽ hướng tới chiến tranh nếu mọi thứ chẳng chẳng có gì biến chuyển”.

Dẫu vậy, một cuộc chiến với Triều Tiên là điều nước Mỹ phải cân nhắc kỹ lưỡng. Bình Nhưỡng có thể tấn công thủ đô Seoul của Hàn Quốc với vô số loại vũ khí thông thường, đặt hàng triệu người, bao gồm cả 28.000 lính Mỹ đồn trú, dưới làn đạn pháo.

Về phần mình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã lên tiếng về vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Theo ông Abe, động thái mới nhất của Triều Tiên “làm suy yếu quyết tâm giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình của cộng đồng quốc tế”. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã yêu cầu cuộc họp khẩn với Hội đồng Bảo an và hai đối tác Nhật Bản và Hàn Quốc để bàn thảo vấn đề. Buổi họp dự kiến diễn ra trong chiều 29/11.

Củ cà rốt và cây gậy

Ngay sau vụ thử của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố Mỹ và Canada sẽ triệu tập cuộc họp với các quốc gia đóng góp cho lực lượng của Liên Hợp Quốc hỗ trợ Hàn Quốc để thỏa luận về cách thức chống lại mối đe dọa từ Bình Nhưỡng với hòa bình quốc tế.

Trong nhiều thập niên qua, nhiều chính quyền Mỹ và các liên minh quốc tế đã nỗ lực và thất bại trong việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên bằng biện pháp có tên củ cà rốt và cây gậy. Đôi khi, Triều Tiên lấy củ cà rốt – các biện pháp viện trợ và nới lỏng cấm vận quốc tế - nhưng vẫn kiên định theo đuổi chương trình hạt nhân của mình.

Các lệnh trừng phạt quốc tế, bao gồm các biện pháp siết chặt trừng phạt mà Mỹ tuyên bố ngày 22/11, dường như cũng đi vào vết xe đổ và không tạo được sự khác biệt với quyết tâm sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước đó, phía Triều Tiên cũng khẳng định vũ khí hạt nhân của nước này chỉ nhằm vào Mỹ mà không phải bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Những con số ấn tượng về ICBM mới của Triều Tiên

Ông Rob Manning, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết, tên lửa mới được Triều Tiên phóng từ Sain Ni. Nó đi được 1.000 km trước khi lao xuống vùng biển thuộc Khu vực Đặc quyền Kinh tế của Nhật Bản. Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) xác định vụ thử của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa với khu vực Bắc Mỹ hay lãnh thổ các đồng minh nước Mỹ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu David Wright của Hiệp hội các nhà khoa học, nhấn mạnh, nếu tên lửa của Triều Tiên không bay thẳng đứng lên trời mà đi theo một quỹ đạo chuẩn, nó có thể đạt tầm bắm 13.000 km. Một quả tên lửa như thế có thể bay tới thủ đô Washington D.C hoặc gần như mọi vị trí trên lãnh thổ nước Mỹ. Dẫu vậy, tầm bắn của tên lửa Triều Tiên sẽ giảm xuống nếu nó được trang bị một đầu đạn hạt nhân nặng hàng tấn.

Hiện tại, Thống đốc Hawaii David Ige và lãnh đạo văn phòng xử lý tình huống khẩn cấp của bang này đã thảo luận về cuộc diễn tập bị tấn công hạt nhân đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh. Bắt đầu từ ngày 1/12, các cuộc diễn tập hàng tháng sẽ chính thức bắt đầu. Chính quyền đảo Guam của Mỹ cũng đã xác nhận vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Khoảng cách gần khiến hai vùng lãnh thổ của Mỹ nằm trên Thái Bình Dương này sẽ là mục tiêu tấn công của Triều Tiên trong trường hợp xung đột nổ ra.

Linh Anh

CNN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên