MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng thống Trump sắp tuyên bố đình chỉ tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc, quả ngọt đến muộn của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

02-03-2019 - 06:02 AM | Tài chính quốc tế

Không lâu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 kết thúc, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có bước đi được coi là nỗ lực xóa bỏ căng thẳng với Triều Tiên.

Động thái quyết liệt

Quân đội Mỹ chuẩn bị tuyên bố các cuộc tập trận chung quy mô lớn thường niên được tổ chức vào mỗi mùa xuân với quân đội Hàn Quốc sẽ không còn được tiếp tục tổ chức, NBC News dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Các cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc đang bị kiềm chế như là một phần nỗ lực của Chính quyền Trump trong việc giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên. Các cuộc tập trận quy mô, thường được biết đến dưới 2 cái tên Key Resolve (giải pháp then chốt) và Foal Eagle (đại bàng non), sẽ được thay thế bằng các khóa đào tạo quy mô nhỏ hơn, dành riêng cho từng nhiệm vụ.

Các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc được coi là biện pháp răn đe mạnh mẽ với Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng thường đáp trả mạnh mẽ các cuộc tập trận của nước láng giềng với Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump liên tục phàn nàn rằng các cuộc tập trận quy mô lớn ngốn quá nhiều chi phí và Mỹ phải chịu nhiều gánh nặng tài chính.

Tổng thống Trump sắp tuyên bố đình chỉ tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc, quả ngọt đến muộn của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều? - Ảnh 1.

Key Resolve (giải pháp then chốt) và Foal Eagle (đại bàng non) đều diễn ra trong tháng 3 hàng năm. Foal Eagle kéo dài khoảng một tháng trong khi Key Resolve thường diễn ra trong hai tuần. Các cuộc tập trận này thường có sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ, với các lực lượng mặt đất, Không quân và Hải quân của Mỹ và Hàn Quốc cùng sự góp mặt của quân đội Australia, Anh, Pháp và các nước khác.

Các nhà hoạch định quân sự từ lâu đã cho rằng tháng 3 là thời điểm có khả năng nhất cho một cuộc tấn công từ phía Triều Tiên. Đây là lúc mặt đất vẫn rắn vì cái lạnh mùa đông, cho phép xe tăng dễ dàng di chuyển và quân đội Triều Tiên cũng vừa hoàn tất chu kỳ huấn luyện mùa đông hàng năm. Chính vì thế, các cuộc tập trận của Hàn Quốc diễn ra trong tháng 3.

Thông tin về việc đình chỉ tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc xuất hiện chưa đầy 48 giờ sau cuộc Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam. Dù bị cắt ngắn bất ngờ và không đạt thỏa thuận chung nào nhưng cả Mỹ, Triều Tiên và các bên liên quan đều ghi nhận những bước tiến lớn trong quan hệ Mỹ - Triều sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo ở Thủ đô Hà Nội. Nhà Xanh của Hàn Quốc còn nhận định rằng mối quan hệ Mỹ - Triều đang ở một tầm cao mới.

Đồng minh Mỹ loay hoay

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un kết thúc sớm đang khiến hai đồng minh lớn nhất châu Á của Mỹ loay hay. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc lại có những lý do khác nhau.

Với Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae In sẵn sàng tăng cường quan hệ kinh tế với Triều Tiên khi lệnh trừng phạt được Mỹ gỡ bỏ. Tuy nhiên, điều ông Moon và không ít người trên thế giới mong chờ đã không thể xảy ra tại Việt Nam. Ở Nhật Bản, người ta lại có một lý do khác. Tokyo tiếp tục trăn trở với nỗi lo tên lửa Triều Tiên khi Washington và Bình Nhưỡng không thể tìm được một tiếng nói chung, New York Times cho hay.

Ngay cả khi Mỹ và Triều Tiên đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ song phương như lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng không thể yên tâm với kho vũ khí Triều Tiên. Rủi ro lớn nhất cho khu vực là việc Triều Tiên tái khởi động các vụ thử tên lửa hạt nhân, điều họ đã không làm trong hơn 400 ngày qua.

Lee Byong-chul, thành viên cao cấp của Viện Hòa bình và Hợp tác ở Seoul, Hàn Quốc, nhận định: "Ông Trump có thể hài lòng với việc đóng băng các vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên nhưng tôi tự hỏi liệu điều này sẽ kéo dài được đến khi nào".

Tổng thống Trump sắp tuyên bố đình chỉ tập trận quân sự quy mô lớn với Hàn Quốc, quả ngọt đến muộn của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều? - Ảnh 2.

Ảnh: Tiến Tuấn

Khi ông Trump bước lên Không lực Một rời Hà Nội chiều 28/2, một sự không rõ ràng được đẩy sang phía các đồng minh của Mỹ. Trong bài phát biểu đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết ông sẽ tìm một "phương thức mới" nếu Washington vẫn tiếp tục theo đuổi việc trừng phạt kinh tế Triều Tiên. Dưới thời ông Kim Jong Un, Triều Tiên đang thực sự thay đổi và sẽ rất đáng tiếc nếu Mỹ và đồng minh không nắm lấy sự thay đổi này để mang hòa bình về cho khu vực.

Ichiro Fujisaki, cựu đại sứ Nhật Bản tại Washington, nói rằng không có thỏa thuận nào thì có thể tốt hơn một thỏa thuận tồi. Người Nhật luôn lo sợ việc Mỹ - Triều ký thỏa thuận loại bỏ tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa nhưng vẫn giữ lại kho tên lửa tầm trung, có khả năng bán tới các nước láng giềng như Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Ngoài tên lửa, Nhật Bản có nhiều vấn đề với Triều Tiên và một trong số đó là các công dân Nhật Bản bị bắt cóc hơn 40 năm trước. Trao đổi với các phóng viên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết, Tổng thống Trump khẳng định rằng ông ấy đã nêu vấn đề này với phía Triều Tiên sau bữa tối hôm 27/2 giữa phái đoàn rút gọn của hai nước.

Trong khi đó, phía Hàn Quốc đã bày tỏ những sự tiếc nuối rõ ràng khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều không thể đạt được một tuyên bố cuối cùng. Tuy nhiên, Seoul vẫn đang thể hiện sự tích cực của mình với việc cải thiện quan hệ Mỹ - Triều. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố ông sẽ tăng cường vai trò của mình trong việc trung gian hòa giải giữa Mỹ và quốc gia láng giềng phía Bắc.

Ông Moon cũng nói về khao khát được hòa giải trên bán đảo Triều Tiên cũng như những kế hoạch có thể được triển khai sau đó. Nối lại tuyến đường sắt liên Triều hay việc hợp tác và phát triển khu nghỉ dưỡng Diamond Mountain, vốn chỉ cách biên giới Hàn Quốc chưa đầy 50km, là những kế hoạch sẽ được hiện thực hóa khi hòa bình lập lại.

Linh Anh

Tổng hợp

Trở lên trên