MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM kiến nghị Chính phủ cấm dịch vụ đòi nợ thuê

27-09-2018 - 20:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm vừa kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, đưa loại hình hoạt động đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh.

Dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng

Lý do đưa ra kiến nghị trên theo UBND TP, "vay nợ" là quan hệ dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Nhà nước có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật như tòa án, VKS, thi hành án...

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… sẽ có thẩm quyền thi hành. Do đó, không cần thiết phải có thêm hoạt động đòi nợ thuê.

TP HCM kiến nghị Chính phủ cấm dịch vụ đòi nợ thuê - Ảnh 1.

Văn bản kiến nghị của UBND TP gửi Bộ Tài chính

Trường hợp không thể cấm, TP đề nghị trung ương ban hành các quy định bắt buộc để siết chặt hoạt động như quy định về đồng phục, số lượng nhân viên tối đa mỗi lần đòi nợ... để tránh tụ tập băng nhóm gây mất an ninh trật tự.

Ngoài ra, cần thông báo danh sách nhân viên được cử đi đòi nợ cho công an phường nơi tiến hành đòi nợ, đối tượng đòi nợ để tránh tình trạng không đòi trực tiếp con nợ mà qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân…

Theo đánh giá của UBND TP, dịch vụ đòi nợ thuê đang biến tướng, có dấu hiệu cấu kết băng nhóm gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các công ty này thường sử dụng chiêu trò, đe dọa mang tính chất xã hội đen; trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ.

Nhiều doanh nghiệp đòi nợ thuê vi phạm, hoạt động "chui"

Tính đến cuối năm 2017, TP có 65 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các công ty này vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỉ đồng, thấp nhất là 2 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 44 công ty hoàn tất thủ tục và được cơ quan công an cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để hoạt động. Số doanh nghiệp "chui" còn lại không hoạt động tại địa điểm đã đăng ký.

Năm 2017, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phạt hành chính 13 trường hợp với tổng số tiền hơn 91 triệu đồng với các hành vi vi phạm như sử dụng nhân viên không đúng điều kiện tiêu chuẩn; hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh trật tự mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo quy định Nghị định số 96/2016 của Chính phủ.

Điển hình như Công ty CP dịch vụ đòi nợ Nam Sài Gòn; Công ty TNHH Dịch vụ đòi nợ Phương Nam và Công ty TNHH Dịch vụ đòi nợ Trung Nghĩa. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện cùng hành vi vi phạm "Hoạt động kinh doanh ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự mà không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự". Công an TP đã phạt mỗi đơn vị 20 triệu đồng.

Hồi tháng 8, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, Bộ Tài chính đề xuất Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về an ninh, trật tự với các công ty này.

Các doanh nghiệp phải cấp đồng phục cho người lao động (có tên công ty, mẫu công khai tại trụ sở chính và các chi nhánh). Nhân viên phải đeo thẻ và xuất trình giấy giới thiệu của công ty khi làm việc với khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân liên quan. Khi nhân viên kết thúc hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải thu hồi trang phục và thẻ đã cấp.

Theo Phan Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên