MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM giữ nguyên hệ số K?

07-03-2017 - 08:55 AM | Bất động sản

Phần diện tích vượt hạn mức khi hợp thức hóa hoặc chuyển sang đất ở của hộ gia đình, cá nhân sẽ có hệ số K=1,0 lần.

Liên sở Tài chính - TN&MT vừa trình UBND TP.HCM dự thảo quy định hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) trên địa bàn TP năm 2017. Theo tờ trình thì liên sở đề nghị TP cho giữ nguyên hệ số K như năm 2016.

Được biết chiều 6-3, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP cũng đã làm việc với Sở Tài chính, TN&MT và các đơn vị có liên quan về dự thảo hệ số K. Hệ số K sẽ được ban hành chính thức sau khi HĐND thông qua tờ trình của UBND TP.

Hệ số K là một lần

Theo liên sở, sau chín tháng triển khai Quyết định 09/2016 về hệ số K trên địa bàn TP năm 2016, các quận, huyện đều báo cáo là hệ số K phù hợp, thuận lợi. Các nơi “chưa nhận được ý kiến phản ánh, khiếu nại của tổ chức, cá nhân trong việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất”.

Theo dự thảo mới, hệ số K được áp dụng tùy theo từng nhóm đối tượng và tùy theo từng khu vực địa bàn quận, huyện và các yếu tố làm tăng, giảm giá đất như sau:

Nhóm 1: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất không phải đất ở sang đất ở đối với diện tích đất ở vượt hạn mức: Hệ số K là một (1,0) lần giá đất do UBND TP quy định và công bố.

Nhóm 2: Trường hợp xác định đơn giá thuê đất hằng năm cho chu kỳ ổn định đầu tiên; xác định đơn giá thuê đất hằng năm khi điều chỉnh lại đơn giá thuê đất cho chu kỳ ổn định tiếp theo; xác định giá khởi điểm trong đấu giá QSDĐ để cho thuê theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm; xác định đơn giá thuê đất khi nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê theo quy định tại khoản 3 Điều 189 Luật Đất đai: Hệ số K được áp dụng tùy theo mục đích sử dụng đất và khu vực (xem bảng).


Người dân làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất. Ảnh: VIỆT HOA

Người dân làm thủ tục đóng tiền sử dụng đất. Ảnh: VIỆT HOA

Gia đất không đấu giá, tính thế nào?

Nhóm 3: Trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá QSDĐ, công nhận QSDĐ, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá QSDĐ; xác định đơn giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá; xác định đơn giá thuê đất khi chuyển từ thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại khoản 2 Điều 172 Luật Đất đai; xác định đơn giá thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xác định giá trị QSDĐ để đưa vào tính giá trị tài sản giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 23/2016 của Bộ Tài chính: Hệ số K được áp dụng tùy theo khu vực như sau: Khu vực 1 là 2,0 lần, khu vực 2 (1,8 lần), khu vực 3 (1,6 lần), khu vực 4 (1,4 lần), khu vực 5 (1,5 lần) bảng giá đất do UBND TP quy định và công bố.

Trong đó, các khu vực được xác định như sau:

Khu vực 1: Quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận.

Khu vực 2: Quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú.

Khu vực 3: Quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức.

Khu vực 4: Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.

Khu vực 5: Huyện Cần Giờ.

Nhiều hồ sơ nộp thuế đang bị “tắc” do chờ hệ số K

Hiện nay tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng “tắc” hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, hợp thức hóa do UBND TP chưa ban hành hệ số K của năm 2017. Cụ thể, số hồ sơ đang chờ được giải quyết tại các chi cục thuế Tân Bình có 69 hồ sơ, quận 6 có năm hồ sơ, riêng quận Thủ Đức có tới 238 hồ sơ...

Trước tình trạng người dân sốt ruột muốn đóng thuế nhưng chưa được giải quyết, một số chi cục thuế đã có văn bản thông báo người dân giải thích tạm dừng giải quyết hồ sơ để chờ TP ban hành hệ số K của năm 2017. Khi có hệ số K thì mới có cơ sở để tính tiền sử dụng đất cho người dân. Các chi cục thuế cũng cho biết thời hạn giải quyết hồ sơ sẽ được tính từ ngày hệ số K mới được ban hành.

Theo Việt Hoa

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên