MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM sẽ rất thận trọng khi tăng phí

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, năm 2018 thật sự là năm khởi đầu của ba năm đột phá, đổi mới về cơ chế, chính sách, thể chế hoạt động của TP.HCM.

Sáng 9-1, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều lãnh đạo TP đã có buổi gặp gỡ với lãnh đạo một số cơ quan báo chí triển khai Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Nỗ lực tối đa, không để chậm trễ

Phát biểu kết luận tại buổi gặp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54.

Ông Nhân tin tưởng năm 2018 thật sự là năm khởi đầu của ba năm đột phá, đổi mới về cơ chế, chính sách, thể chế hoạt động của TP.HCM. Qua đó làm cho đời sống nhân dân có tiến bộ, kinh tế phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững. “Mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức càng quyết tâm hơn và tự hào hơn về sự đóng góp cho TP” - ông Nhân nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng cho biết yêu cầu đặt ra là cả hệ thống chính trị phải tổ chức thực hiện. Đặc biệt, phải phát huy vai trò của MTTQ, đoàn thể trong việc phản biện, giám sát các cơ chế, chính sách mới thí điểm trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng cho biết UBND TP đã xác định 21 nội dung, đề án cụ thể để triển khai nghị quyết và đã lập hai tổ công tác để triển khai cơ chế đặc thù. Theo đó, Chủ tịch TP đứng đầu tổ nghiên cứu về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, về tăng lương cán bộ… Tổ còn lại do Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến phụ trách về các thủ tục đầu tư, tài chính và ngân sách.

Ông Phong cho biết nhiều nội dung, đề án sẽ được UBND TP hoàn tất, xin ý kiến Thường trực Thành ủy để kịp trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp bất thường vào giữa tháng 3-2018. Một số nội dung, đề án khác sẽ được trình HĐND TP thông qua tại kỳ họp thường kỳ vào tháng 6-2018. “Tất cả nội dung, đề án phải được hoàn thành trong năm 2018. Khối lượng công việc là rất lớn song lãnh đạo TP sẽ tập trung thực hiện, không thể để chậm trễ” - ông Phong nói.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TÁ LÂM

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: TÁ LÂM

Bảo vệ môi trường đầu tư của TP.HCM

Tại buổi gặp gỡ, đại diện nhiều cơ quan báo chí cũng quan tâm nhiều đến việc TP lên kế hoạch tăng các loại thuế, phí và lệ phí. Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Tấn Phong cho rằng khi triển khai sẽ có những ý kiến khác nhau, vì vậy các sở, ngành cần có giải pháp cụ thể, lấy ý kiến người dân. Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM Nguyễn Ngọc Hồi cho rằng cần cân nhắc việc triển khai thu phí và lệ phí để đảm bảo sự hài hòa trong quá trình phát triển, không ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư.

Chia sẻ với lãnh đạo các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thành Phong cho biết trước mắt sẽ xem xét đến việc tăng một hoặc hai loại phí, lệ phí và chưa đề cập đến thuế. Ông Phong cho biết UBND TP sẽ thực hiện vấn đề này một cách rất thận trọng, bởi vì việc tăng này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của TP và tác động đến người dân.

“Suốt thời gian vừa qua, lãnh đạo TP luôn luôn chăm chút từng ly từng tí nhằm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó UBND TP phải tính toán rất kỹ lưỡng đối với vấn đề này. Các tổ nghiên cứu các đề án thực hiện nghị quyết được giao chuẩn bị hết sức chu đáo và lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học và lấy ý kiến của người dân và UBND TP cũng xem xét, đánh giá tác động của xã hội” - ông Phong nói.

“Áp lực thời gian không cho phép chần chừ nhưng UBND TP sẽ không bỏ qua các quy trình cần thiết theo quy định của pháp luật” - ông Phong khẳng định.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng mục đích của việc tăng một số loại thuế, phí và lệ phí hay thực hiện các loại phí và lệ phí không có trong danh mục không phải để tăng nguồn thu cho ngân sách TP mà vấn đề chủ yếu là tác động, điều chỉnh quản lý đô thị, phát triển đô thị một cách nhanh và bền vững theo yêu cầu của TP.

Bà Tâm khẳng định trong quá trình thực hiện, HĐND TP sẽ chú ý thông tin, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận xã hội; tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng các hình thức phù hợp; phát huy vai trò phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội. Đồng thời lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học trước khi trình HĐND TP ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.

Phải gắn với lợi ích thiết thực của người dân TP

Nêu ý kiến tại buổi gặp mặt, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, cho hay người dân đang rất quan tâm đến việc hiện thực hóa các nội dung cụ thể mà Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế , chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

“Điều người dân quan tâm nhất là việc thực hiện nghị quyết này sẽ có lợi gì cho người dân?” - ông Phước nói và cho rằng quá trình thực hiện các đề án liên quan đến nghị quyết phải gắn liền với các giải pháp cụ thể trong xử lý các điểm nóng của đời sống đô thị hiện nay.

Theo Tá Lâm

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên