MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM tìm kiếm nhà đầu tư xây dựng đô thị thông minh

16-09-2018 - 08:36 AM | Bất động sản

Ngày 15/9, Thành uỷ, UBND TP.HCM đã tổ chức “Hội nghị TP.HCM mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội” phục vụ cho “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Hội nghị hướng đến hai mục tiêu: Mời gọi công khai, minh bạch các nhà đầu tư tham gia trao đổi kinh nghiệm và giải pháp công nghệ xây dựng hai trung tâm: Trung tâm điều hành đô thị thông minh theo Kế hoạch số 1009/KH-UBND ngày 14/3/2018 và Trung tâm Mô phỏng và dự báo kinh tế xã hội theo Kế hoạch số 1011/KH-UBND ngày 14 /3/2018 của UBND thành phố.

Mục tiêu thứ hai là thêm tầm nhìn và các nguyên tắc tiên quyết của thành phố trong việc xây dựng thành phố thành đô thị thông minh; định hướng việc lựa chọn các giải pháp mang tính đồng bộ, phù hợp nền tảng công nghệ của Đề án làm cơ sở triển khai, hoàn thành việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hai Trung tâm trên.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, TP.HCM định hướng việc hình thành khu đô thị thông minh nằm ở cửa ngõ thành phố  bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức, dựa trên nền tảng khu vực này có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi trong hiện tại cũng như tương lai gần. 

Cụ thể, quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, 4 trường đại học lớn với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên, sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm cung cấp hạ tầng cơ sở, tiện ích cho nhiều chức năng khác nhau, đặc biệt sẽ có cơ sở hạ tầng trung tâm tài chính quốc tế. Với quận 9 có khu công nghệ cao thành công nhất ở Việt Nam. 

Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật quan trọng tại khu vực này đã và đang hình thành như tuyến Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cảng Cát Lái… 

Do đó, khu vực phía Đông TP cần nâng cấp các nội dung quy hoạch để đạt được mục tiêu hình thành một đô thị thông minh và đô thị phát triển bền vững về môi trường và bổ trợ bằng các khu vực tiên phong đổi mới sáng tạo.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi triển khai chiến lược này, TP.HCM có 5 điểm nổi bật. Thứ nhất, là thành phố lớn nhất nước hiện có khoảng 10 triệu dân, mỗi năm có "thành phố nhỏ" được sinh ra. nếu không phát triển TP.HCM theo hướng đô thị thông minh sẽ không thể giải quyết được những vấn đề đô thị một cách hiệu quả.

Thứ hai, TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, chiếm 22% GDP, đóng góp 27% ngân sách quốc gia, trong khi diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước và dân số cũng chỉ chiếm khoảng 10%. Nếu TP.HCM gặp "vấn đề" về kinh tế cả nước bị ảnh hưởng theo.

Thứ ba, TP.HCM có lực lượng lao động chất lượng cao, tỷ lệ người lao động có bằng đại học cao gấp 2,3 lần so với trung bình cả nước.

Thứ tư, năng suất lao động của TP.HCM cao gấp 2,7 lần so với toàn quốc.

Cuối cùng, TP.HCM có các doanh nghiệp tư nhân phát triển rất mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế.

Từ những ưu điểm, thế mạnh trên, năm 2017 đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh đã được TP.HCM triển khai, với 4 mục tiêu chính, là tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, tạo môi trường sống tốt cho người dân thành phố và người dân nhận được chất lượng tốt từ chính quyền. 

Sau khi thực hiện đề án này được 1 năm, TP.HCM có sự điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng khu đô thị thông minh cần có hạt nhân bên trong TP.HCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại TP.HCM.

Điều này nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ…

"Đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, người dân và tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là môi trường thực; không gian mạng, internet, viễn thông; con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình”, Bí thư Nhân phát biểu.

Do đó, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo để triển khai kế hoạch, TP.HCM cần làm rõ 8 nội dung: Đầu vào của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Đầu ra của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh và Trung tâm Mô phỏng; Thiết kế các cơ cấu chức năng của hai trung tâm; Các thiết bị đầu tư gồm phần cứng và phần mềm cho hai trung tâm; Tình hình cung cấp phần cứng phần mềm cho hai trung tâm; Kinh nghiệm vận hàng, dự báo của các trung tâm ở các quốc gia khác; Lựa chọn doanh nghiệp cung cấp giải pháp cho hai hệ thống; Làm rõ các tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, hệ thống cho hai trung tâm.



Nam Phong

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên