MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP.HCM: Tuyến metro nối sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đi ngầm trong lòng đất

21-11-2016 - 14:00 PM | Bất động sản

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt đô thị TP.HCM, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến metro 4b-1 từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất dài khoảng 2 km đi ngầm trong lòng đất đến cửa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Theo đó, sẽ xây dựng một nhà ga ngầm tại công viên Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), một nhà ga ngầm ở cửa cảng hàng không quốc tế và được kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa sân bay nội địa. Đơn vị tư vấn cho biết, tuyến metro đến Tân Sơn Nhất sẽ tạo điều kiện cho người dân từ các quận nội thành đến sân bay thuận lợi nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của TP.HCM.

Trong quý I/2017, Ban QLDA đường sắt sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư xây dựng tuyến metro này. Sau khi có chủ trương, các đơn vị sẽ triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng phê duyệt dự án vào quý I/2018. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 276 triệu USD (khoảng 6.154.800 tỷ đồng), trong đó vốn vay Chính phủ Hàn Quốc khoảng 90%, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách.

Chi phí thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 725 tỷ đồng. Dự kiến đến quý I/2019 dự án này sẽ được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 2024. Tuyến nhánh metro 4 b-1 được kết nối với tuyến metro số 5, số 2 (Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12) và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên (Q.9).

Theo thiết kế, ga Hoàng Văn Thụ sẽ kết nối với ga S16 và ga sân bay sẽ được đặt cách ga quốc tế 83m. Tại nhà ga công viên Hoàng Văn Thụ, độ dài của lối đi bộ là 150m, ga sẽ nằm ở vị trí hầm công viên Hoàng Văn Thụ trong khi đó tuyến metro số 5 không bị thay đổi.

Ga sân bay sẽ có ba tầng ngầm, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043 là 3.366 người/ngày). Ga công viên Hoàng Văn Thụ cũng có ba tầng ngầm, trung chuyển với tuyến metro 5 tại tầng B2, nhu cầu vận chuyển giờ cao điểm (mục tiêu đến năm 2043 là 3.429 người/ngày).

Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với Đoàn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc triển khai các dự án trong điểm trên địa bàn Thành phố.

Tại đây, ông Phong cũng đề nghị JICA tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm giúp Thành phố vận hành hiệu quả tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên; hỗ trợ Thành phố nghiên cứu phương án kết nối tuyến metro số 1 đến các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương; đồng thời xem xét khả năng tham gia phát triển các tuyến đường sắt đô thị số 3a (bến xe miền Tây- ga Tân Kiên), 3b (Ngã 6 Cộng Hòa- Hiệp Bình Phước).

Trao đổi với lãnh đạo UBND TPHCM, Phó Chủ tịch JICA Shinya Ejima cũng cho rằng thời gian tới Nhật Bản cam kết tiếp tục tài trợ nguồn vốn ODA cho các dự án trọng điểm của Việt Nam, trong đó bao gồm các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3a và 3b tại TP.HCM. Ngoài ra, Nhật Bản cũng sẽ tích cực hỗ trợ TP.HCM vận hành tuyến metro số 1 và tham gia nghiên cứu phương án kéo dài tuyến metro số 1 của Thành phố đến các tỉnh, thành lân cận.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên