MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP: Việt Nam trì hoãn bỏ phiếu, nhiều quốc gia thúc giục Quốc hội Mỹ

Bloomberg đưa tin Việt Nam dự kiến sẽ trì hoãn việc thông qua Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho tới năm sau do những lo ngại về việc Quốc hội Mỹ có thể không thông qua thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới này.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc – ông Hà Ngọc Chiến – đã đề nghị Quốc hội xem xét trì hoãn cuộc bỏ phiếu về TPP. Lý do ông Chiến đưa ra là có nhiều quốc gia khác vẫn chưa thông qua TPP cho nên Việt Nam không nhất thiết phải đi trước. Hiện thỏa thuận này không nằm trong chương trình nghị sự của Quốc hội kỳ họp lần này.

Một vài quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ lo ngại về triển vọng của TPP sau khi các ứng cử viên Tổng thống Mỹ thể hiện sự ủng hộ chủ nghĩa dân túy và Quốc hội Mỹ cho thấy khả năng rất thấp họ sẽ thông qua TPP khi ông Barack Obama vẫn đứng đầu Nhà Trắng.

Các nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế mới nổi của Việt Nam sẽ là một trong những người hưởng lợi nhất nếu TPP được phê duyệt và đưa vào thực tiễn.

Uy tín của Mỹ

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 8, Thủ tướng Singapore – ông Lý Hiển Long – cho rằng uy tín của nền kinh tế số 1 thế giới đang gắn liền với thỏa thuận TPP. Thủ tướng Australia – ông Malcolm Turnbull – mới đây đã nhận định rằng TPP vừa là một tuyên bố chính trị đặc biệt quan trọng, vừa là một thỏa thuận thương mại tự do.

Ông Turnbull cho rằng nếu TPP không được thông qua vào giai đoạn yếu này thì khả năng được thông qua trong tương lai sẽ càng nhỏ hơn. Vị lãnh đạo của Australia – 1 trong 12 thành viên của TPP – cho biết ông sẽ tiếp tục ủng hộ và thúc đẩy việc thông qua thỏa thuận này.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Malaysia – ông Mustapa Mohamed – cho biết nước này dự thảo sửa đổi phù hợp với TPP sẽ được trình lên Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2017.

Thiếu vắng Trung Quốc

Tổng giá trị GDP của 12 thành viên trong thỏa thuận TPP đạt gần 40% GDP toàn cầu, tương đương 30.000 tỷ USD. Tuy nhiên, thỏa thuận này thiếu vắng sự góp mặt của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang hướng tới việc hiện thực hóa Hiệp định RCEP bao gồm 16 quốc gia để đối trọng với TPP.

RCEP vs TPP

Tổng thống Barack Obama coi TPP là trọng tâm trong kế hoạch tái cân bằng kinh tế tại khu vực châu Á. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính GDP của các nước thành viên sẽ tăng trung bình 1,1%/năm cho tới năm 2030.

TPP có tác động vượt xa những thỏa thuận thương mại đơn thuần khác khi tập trung chủ yếu vào việc hạ mức thuế quan, nhấn mạnh quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Tuần trước, ông Obama đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội Mỹ sớm thông qua TPP. Ông đã mời các chính trị gia và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tới gặp mặt tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề này. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo của Quốc hội Mỹ cho biết thỏa thuận này khó có thể được bỏ phiếu phê duyệt trong năm nay.

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa – tỷ phú Donald Trump – đã tuyên bố loại bỏ TPP nếu đắc cử Tổng thống Mỹ. Trong khi đó, ứng cử viên Đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton – cho biết sẽ tìm cách đàm phán lại các điều khoản của hiệp định để mang lại sự công bằng cho Mỹ.

'Thỏa thuận nên sớm được thông qua'

Trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vừa diễn ra, Thủ tướng New Zealand – ông John Key – nhận định rằng việc tái đàm phán TPP khó có thể xảy ra và thúc giục Mỹ sớm thông qua thỏa thuận.

Khu vực châu Á sẽ không chờ đợi nước Mỹ. Các nền kinh tế trong khu vực chắc chắn sẽ tăng trưởng và sự tăng trưởng đó cần được gỡ bỏ các rào cản. Ông Key cho rằng điều này vẫn sẽ xảy ra dù có hay không sự tham gia của nước Mỹ.

Thương mại tự do toàn cầu

Trong bài phát biểu tại New York ngày 19/9, Thủ tướng Nhật Bản – ông Shinzo Abe – cho biết nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ nỗ lực hết sức để TPP được thông qua và hy vọng Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự.

Sự thành công hay thất bại của thỏa thuận này đều sẽ có ảnh hưởng tới hệ thống thương mại tự do toàn cầu và môi trường chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việc phê chuẩn TPP sẽ được tiến hành sau căn cứ chủ trương của Ban chấp hành T.Ư cũng như tình hình các nước, trong đó có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đây là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp sáng 15. 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, trong chương trình kỳ họp này Chính phủ có đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp 3 nội dung, trong đó có việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cho ý kiến về các vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cần phải được Ban chấp hành T.Ư xem xét, cho ý kiến để có cơ sở quyết định.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc phê chuẩn TPP cũng cần phải xem xét, căn cứ tình hình các nước phê chuẩn như thế nào, cũng như ảnh hưởng kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ đến TPP ra sao.

“Chúng ta là một thành viên sáng lập TPP, nhưng việc phê chuẩn phải xem tình hình các nước và sau khi có đánh giá tác động tình hình, chờ T.Ư phải bàn, cho chủ trương mới có cơ sở để làm”, Chủ tịch Quốc hội nói. Vì các lý do trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chưa đưa nội dung này vào chương trình kỳ họp này.

Trường Sơn - Thanh Niên

Theo Thạch Thảo

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên