MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trách nhiệm Atlas và ngân hàng trước tháng Tư nóng bỏng

18-03-2017 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước sẽ nắm quyền tại những điểm nóng qua mùa đại hội đồng cổ đông tháng Tư tới?...

Thần thoại Hy Lạp kể rằng, thần Atlas bị thần Zeus trừng phạt, phải dùng vai “gánh trời”. Công việc này không đẩy sang người khác được.

Hướng về mùa đại hội đồng cổ đông thường niên các ngân hàng thương mại, tập trung vào tháng 4 tới, một điểm nóng chung có thể khẳng định trước: Nhà nước, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, sẽ không chìa vai gánh thay trách nhiệm của các “Atlas” trong giới ngân hàng.

Khẳng định trên rút ra sau khi VnEconomy đã trao đổi quan điểm và tham khảo góc nhìn của một số người trong cuộc.

Câu chuyện “Atlas” đặt ra, vì qua đại hội trước đây, tình huống mà nhiều cổ đông, nhà đầu tư chờ đợi đã không xảy ra tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank). Ngân hàng Nhà nước, qua người đại diện, đã không nắm các vị trí quản trị, điều hành cao nhất để trực tiếp cùng chèo lái con thuyền vượt sóng gió.

Hay như gần đây, giới đầu tư lại chú ý (và có thể là chờ đợi) Ngân hàng Nhà nước sẽ vào vai “gánh trời” tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sau khi một số nhân sự cao cấp thoái lui.

Trong những trường hợp như hai ví dụ trên, tình huống đổi vai cho “Atlas” là khó xảy ra. Vì sao vậy?

Nhìn sang một tham chiếu rất gần. Ngày 17/2 vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 16, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước. Tuyệt nhiên trong 37 điểm quy định về nhiệm vụ và quyền hạn, không có điểm nào cho thấy Ngân hàng Nhà nước được hoặc phải tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại.

Vậy nên, tình huống được loại trừ lúc này là Ngân hàng Nhà nước sẽ không vào làm thay chuyện kinh doanh của bất cứ ngân hàng thương mại nào. Nói cách khác, nhưng khó khăn, tồn tại hay vấn đề tài chính ở một ngân hàng nào đó, sẽ không có chuyện Nhà nước (qua Ngân hàng Nhà nước) vào “gánh” giúp.

Như trên, tham khảo quan điểm và góc nhìn một số người trong cuộc, có những lý do chính để lý giải về sự loại trừ này.

Thứ nhất, chủ sở hữu của các ngân hàng thương mại cổ phần là cổ đông. Cổ đông, trực tiếp qua cơ cấu quản trị và điều hành mà họ bầu và chọn ra, sẽ tự chèo lái số phận ngân hàng của mình; cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào nội bộ hoạt động kinh doanh của họ.

Thứ hai, nếu các “Atlas” vi phạm, hoặc có những quyết định sai lầm, hoặc gặp rủi ro dẫn đến ngân hàng khó khăn, thương tổn, thì chính họ phải kề vai, đưa vai ra gánh trách nhiệm khắc phục, chống đỡ, mà Ngân hàng Nhà nước không lãnh thay được.

Trong suốt quá trình tái cơ cấu hệ thống những năm qua, hay việc xử lý các ngân hàng yếu kém, phương án tiên quyết và như một nguyên tắc đã định rõ: trước tiên các cổ đông hiện hữu, các lãnh đạo quản trị điều hành phải tìm cách tự khắc phục; khi không thể khắc phục được thì mới tính đến các phương án khác.

Thứ ba, ngoài quy định như 37 điểm theo Nghị định số 16 nói trên, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý, không phải là nhà kinh doanh để vào làm thay. Trong tình huống giả dụ được hoặc phải “gánh trời” thay, cơ quan này cũng chưa chắc đã làm hiệu quả.

Những người trong cuộc mà VnEconomy tham vấn cho rằng, trong tình huống giả dụ đó, để vực dậy một ngân hàng, phải là dân chuyên nghiệp, những người có nghề trực tiếp kinh doanh, dày dạn thực tế lăn lộn trên thị trường, chứ không phải là những công chức quản lý.

Đó cũng là một phần lý do vì sao thời gian qua, khi xử lý các ngân hàng yếu kém và mua lại 0 đồng, Ngân hàng Nhà nước phải mượn lãnh đạo của các ngân hàng thương mại lớn, đưa vào tham gia quản trị điều hành. Vì đó là dân chuyên nghiệp.

Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước đưa người vào như trên, yếu tố Nhà nước ở đây chủ yếu là giám sát, quản lý và trực tiếp canh chừng những rủi ro có thể tiếp tục xảy ra, theo cách cụ thể và chặt chẽ hơn so với giám sát từ xa.

Cùng đó, như chủ trương thể hiện rõ trong quá trình tái cơ cấu những năm qua, nhà quản lý khuyến khích tìm kiếm, hợp tác với những nhân sự mới có đủ sức mạnh, kinh nghiệm để vào chung vai gánh đỡ ngân hàng đó. Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là xem xét, đánh giá thực lực của họ, chứ không tự mình “gánh trời” như đâu đó đang chờ đợi, thậm chí đồn đoán cho mùa đại hội đồng cổ đông sắp tới.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên