MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi mức phạt và giữ hay bỏ đèn vàng: Không có đèn vàng vừa tắc và dễ tai nạn

11-08-2016 - 14:50 PM | Xã hội

Khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, nhiều ý kiến cho rằng nếu mức phạt của phương tiện tham gia giao thông khi vi phạm đèn vàng cũng tương đương đèn đỏ thì việc bỏ đèn vàng là cần thiết.

Ngược lại, Cảnh sát Hà Nội cho rằng nếu không có đèn vàng thì rất dễ ùn tắc và dễ tai nạn. Việc có đèn vàng là cần thiết.

Không hợp lý sẽ kiến nghị điều chỉnh

10 ngày sau khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt NĐ 46) có hiệu lực (từ 1.8), trong dư luận vẫn xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quy định về lỗi vượt đèn vàng, mức phạt lỗi tín hiệu đèn vàng ngang với lỗi tín hiệu đèn đỏ. Nhiều ý kiến còn cho rằng, không nhất thiết phải sử dụng đèn vàng nhưng cũng có những ý kiến ngược lại.

Về vấn đề này, thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cũng đã nói, quy định xử phạt đèn vàng đã có từ trước, sự thay đổi gây tranh cãi là việc nâng mức xử phạt lên ngang với xử phạt vượt đèn đỏ. “Người dân đang hiểu chưa chính xác về quy định khi cho rằng cứ đèn vàng là phải dừng nên mới gây tranh cãi. Về nguyên tắc, người điều khiển phương tiện giao thông khi thấy đèn vàng thì phải giảm tốc độ. Trường hợp đèn vàng nhưng người tham gia giao thông đã đi vào khu vực giao lộ thì được đi tiếp.” - ông Quân giải thích.

Bình luận về mức phạt tương đương với mức phạt khi vượt đèn đỏ tại NĐ 46, ông Quân nhận định mức phạt hơi cao nhưng trước mắt cần áp dụng. Sau một thời gian, nếu thấy quy định chưa hợp lý, Bộ Công an sẽ đề xuất điều chỉnh cho phù hợp.


Theo cảnh sát giao thông Hà Nội, việc có đèn vàng là điều cần thiết và rất quan trọng.

Theo cảnh sát giao thông Hà Nội, việc có đèn vàng là điều cần thiết và rất quan trọng.

Trao đổi với Lao Động, đại úy Nguyễn Minh Đức - Phó đội trưởng CSGT số 1 (Công an Hà Nội) thừa nhận, hiện nay việc xử lý lỗi vượt đèn vàng còn gặp khó khăn. Tuy nhiên, việc có đèn vàng là cần thiết. Theo đại úy Đức, về nguyên tắc thì tín hiệu đèn giao thông cần phải có đủ cả ba màu theo quy định của luật giao thông. Nếu đèn bị hỏng thì các cơ quan được giao quản lý đèn cần phải khẩn trương khắc phục.

“Đèn vàng có thời gian rất là ngắn, nhưng đóng vai trò rất quan trọng không kém đèn xanh và đèn đỏ. Đèn vàng là sự chuyển tiếp giữa các phương tiện đi và các phương tiện cấm đi để cho người tham gia giao thông có sự chuẩn bị, chủ động trong thao tác xử lý tình huống của mình khi đến nút giao thông. Nếu thiếu đèn vàng sẽ dẫn đền ùn tắc và thậm chí là dễ gây tai nạn”, đại úy Đức nói.

Theo quy định, các phương tiện khi đến nút giao nhau đều phải giảm tốc độ và chú ý quan sát, trong quá trình đó nếu quan sát thấy có đèn vàng thì vừa đủ khả năng dừng lại trước vạch dừng. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện khi vượt tới trước vạch sơn mới quan sát đèn dẫn đến giảm tốc đột ngột gây dồn ứ phương tiện, va chạm giao thông. Nhiều xe dừng, vượt giữa ranh giới chuyển từ đèn xanh sang đèn vàng tại các nút giao không có camera giám sát, nảy sinh tranh cãi với CSGT và rất khó xử lý.

Không nên phạt tương đương

Nêu ý kiến về quy định tăng mức phạt với các hành vi vi phạm Luật Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ về chủ trương. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, việc tăng mức phạt sẽ là gánh nặng đối với người dân lao động.

Ông Liên nói: “Trước hết chúng tôi rất hoan nghênh cơ quan quản lý nhà nước thường xuyên bổ sung, xây dựng hình phạt mà mang lộ trình với sự phát triển kinh tế xã hội của người dân. Tuy nhiên trong gần 200 nội dung sửa đổi về xử phạt hành chính, nói chung có nhiều cái người dân đồng tình nhưng cũng có một số cái người dân chưa đồng thuận. Cụ thể là đèn vàng, đèn đỏ. Người dân chưa đồng thuận với việc xử phạt đèn vàng và đèn đỏ ngang nhau”.

Nhiều ý kiến cho rằng nếu mức phạt của phương tiện tham gia giao thông khi vi phạm đèn vàng cũng tương đương đèn đỏ thì việc bỏ đèn vàng là cần thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu mức phạt của phương tiện tham gia giao thông khi vi phạm đèn vàng cũng tương đương đèn đỏ thì việc bỏ đèn vàng là cần thiết.

Theo ông Liên, Nghị định 46 còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt về xử phạt lỗi vượt đèn vàng. Đèn vàng hoạt động trong 3 giây với ý nghĩa cảnh báo tài xế giảm tốc, dừng xe khi đèn tín hiệu sắp chuyển sang màu đỏ - cấm phương tiện vượt qua thì không thể xử phạt ngang lỗi vượt đèn đỏ. Người tham gia giao thông vượt đèn đỏ tức là anh cũng vượt đèn vàng, vậy là anh vi phạm một lúc 2 tội. Hình thức tăng nặng lên gấp đôi. Cho nên hình thức xử phạt, có thể là nhắc nhở, răn đe với đèn vàng chỉ bằng 50% đèn đỏ. Ngoài ra, việc tăng mức phạt khiến nhiều người dân lo lắng công tác tuần tra kiểm soát không minh bạch, trong sáng dễ phát sinh vấn nạn tiêu cực.

Theo ông Liên, bây giờ mình phải đặt vấn đề là cần phải nâng trách nhiệm xã hội của cơ quan quản lý để làm sao người ta đỡ mất tiền mà ý thức của người tham gia giao thông lại tăng. Ông Liên lấy ví dụ: “Một người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm mà bị cảnh sát bắt. Trước tiên, cảnh sát chỉ cần yêu cầu người ta xuất trình giấy tờ rồi yêu cầu người ta đứng đó. Thời gian yêu cầu chờ đứng đó đôi khi còn quý hơn nhiều so với việc phạt tiền, người đi học, người đi làm, người đi hẹn hò mà bị chậm khoảng 2 tiếng đồng hồ thì nhớ đời, lần sau họ sẽ khắc phục”.

Trước đó, cũng trả lời báo chí liên quan đến vấn đề này, Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng, Nghị định 46 bổ sung quy định vượt đèn vàng là rất cần thiết và phù hợp với Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định, nếu đèn vàng bật, nhưng phương tiện đã đi vào khu vực ngã tư rồi (qua vạch dừng) thì được đi tiếp. Còn nếu chưa đi qua vạch dừng mà thấy đèn vàng thì phải dừng lại.

Theo Cao Nguyên - Trần Vương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên