MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tranh cãi "nảy lửa" về nợ xấu: Bán nợ cho VAMC chẳng báu bở gì!?

15-09-2016 - 09:32 AM | Tài chính - ngân hàng

“VAMC thực chất chỉ là một dạng "thủ thuật kế toán" để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên giải pháp này chẳng "béo bở" gì cho các ngân hàng khi bán nợ xấu cho VAMC...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã đưa ra phương án dùng tiền ngân sách để xử lý một phần nợ xấu. Đề xuất này nằm trong dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Các nước đều làm thế?

Theo số liệu từ Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã bán cho VAMC hơn 79.600 tỷ đồng trong tổng số 143.500 tỷ đồng xử lý nợ xấu năm 2014. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả. Năm 2014, VAMC chỉ xử lý được 28 khoản nợ tương ứng 627 tỷ đồng trong tổng số 96.455 tỷ đồng nợ xấu đã mua.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, một trong những nguyên nhân của việc mua nợ xấu của VAMC trong thời gian qua diễn ra chậm chạp, nguyên nhân do việc định giá tài sản không được minh bạch. Theo đó, tỷ lệ giữa nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu giai đoạn 2006-2011 của khối doanh nghiệp nhà nước là 3,3, của khối doanh nghiệp ngoài nhà nước là 3.

“Thông thường khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay thì nếu doanh nghiệp có 1 đồng vốn chủ sở hữu thì chỉ vay được khoảng 0,6 – 0,7 đồng. Trường hợp có 1 đồng mà lại vay đến hơn 3 đồng thường xảy ra đối với doanh nghiệp Nhà nước hoặc do việc định giá tài sản khi cho vay. Khi tài sản thực sự không như vậy thì cái ai dám mua cái nợ xấu đã được thổi phồng qua giá trị tài sản. Như vậy tiền vay là tiền thật nhưng tài sản sổ sách lại không phải như vậy thì ai dám mua”, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng cần phải giải quyết được những nút thắt như có dùng thêm ngân sách để xử lý nợ xấu hay không? Ai sẽ bù lỗ và chia lãi với VAMC khi mua nợ xấu về? Thị trường mua bán nợ thế nào? Theo ông Lực, nếu dùng ngân sách để xử lý nợ xấu thì con số có thể rơi vào khoảng 5.000 đến 10.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, ông Bùi Trinh lại cho rằng tiền ngân sách là tiền của dân dù là tiền thuế hay tiền đi vay, không thể bắt người dân trả nợ cho cái mà họ không nợ. Như vậy là lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu.

Chuyên gia "phản pháo"... chuyên gia

Phản hồi lại nhận định của hai chuyên gia trên, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Lê Hồng Giang, Công ty Quản lý quỹ TGM tại Australia, cho rằng cả chuyên gia Bùi Trinh và TS. Cấn Văn Lực đều có cách hiểu sai trong vấn đề này.

TS. Lê Hồng Giang phân tích: Khi ngân hàng cho vay, họ dựa trên giá trị của tài sản thế chấp chứ không phải vốn chủ sở hữu như phân tích của chuyên gia Bùi Trinh. Chẳng hạn khi tôi đi mua nhà, ngân hàng sẵn sàng cho tôi vay 90% giá trị căn nhà, như vậy tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu là 9 lần. Cho nên các ngân hàng Việt Nam cho doanh nghiệp vay gấp 3 lần vốn chủ sở hữu không có gì phi lý nếu tài sản thế chấp được định giá đúng. Tuy nhiên, với một đòn bẩy tài chính cao như vậy sẽ làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp và tất nhiên rủi ro cho các chủ nợ.

Về VAMC tổ chức này hoàn toàn không chịu rủi ro thua lỗ khi bán lại các khoản nợ xấu đã mua về trước đó. Theo quy định, tất cả các khoản lời lỗ từ bán nợ xấu sẽ được chuyển hết cho ngân hàng đã bán khoản nợ xấu đó cho VAMC.

“VAMC thực chất chỉ là một dạng "thủ thuật kế toán" để đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Tuy nhiên giải pháp này chẳng "béo bở" gì cho các ngân hàng vì họ buộc phải trích lập dự phòng cho số trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành để đổi lấy nợ xấu. Cho nên chỉ khi nào ngân hàng mất hết hy vọng đòi được nợ (hoặc thanh lý được tài sản thế chấp nhanh và với giá hợp lý) thì họ mới bán nợ cho VAMC. Như thế họ sẽ giãn được việc ghi nhận lỗ ra vài năm (thời hạn của trái phiếu đặc biệt) thay vì phải làm ngay một lần,” TS. Lê Hồng Giang phân tích.

Về ý kiến của ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội "theo kinh nghiệm của các nước thì hầu hết là dùng ngân sách để xử lý nợ xấu", TS. Giang phân tích:

Cứ coi xử lý nợ xấu là bán nó ra khỏi bảng cân đối kế toán cũng không thể có chuyện "hầu hết [các nước] là dùng ngân sách". Đúng ra là hầu hết các nước dùng ngân sách để tái cơ cấu nợ các ngân hàng khi vốn chủ sở hữu của họ tụt xuống quá thấp, dẫn đến hệ số an toàn vốn (CAR) không đủ hoặc có nguy cơ âm vốn. Trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009, vấn đề xử lý nợ xấu hầu như không ai chú ý đến, trong khi tái cấp vốn và/hoặc hỗ trợ thanh khoản là tâm điểm của nhiều nước.

“Có điều, các ngân hàng luôn có xu hướng giấu nợ xấu vì nếu công khai và trích lập dự phòng họ sẽ bị cụt vốn, dẫn đến phải tái cơ cấu vốn (recapitalize) thông qua phát hành thêm cổ phiếu hoặc không chia cổ tức. Trong trường hợp quá xấu dẫn đến nguy cơ khủng hoảng, nhà nước mới cần trợ giúp tái cơ cấu vốn bằng tiền ngân sách, nhưng phải bằng "tiền tươi, thóc thật" chứ không phải mua bán giá 0 đồng,” TS. Lê Hồng Giang phân tích.

Tất nhiên, khi tái cơ cấu vốn bằng tiền ngân sách nhà nước có rủi ro sẽ lỗ và đó đúng là thiệt hại cho tiền thuế của người dân. Đó là cái giá phải trả cho sự lơ là quản lý/giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trước đó dẫn đến các NHTM đã cho vay quá rủi ro. Do vậy, TS. Giang cho rằng thay vì cứ chăm chăm "xử lý nợ xấu" cần phải "xử lý" những cơ quan/cá nhân không hoàn thành trách nhiệm quản lý trước đó.

Theo Ngân Giang

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên