MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh sở hữu chéo ông Dương Công Minh có bắt buộc phải thoái vốn tại LienVietPostBank?

09-06-2017 - 17:13 PM | Tài chính - ngân hàng

Trên thị trường, cổ phiếu STB (Sacombank) đang có diễn biến ngược với cổ phiếu ngân hàng niêm yết khi được săn mua ráo riết, trước khi có nhiều tin đồn đoán ông Dương Công Minh nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhảy vào sân chơi tái cơ cấu Sacombank. Vậy LienVietPostBank liên đới gì tới Sacombank?

Cổ phiếu Sacombank (STB) đã có những diễn biến giao dịch sôi động trong thời gian gần đây khi các thông tin về quá trình tái cơ cấu và nhân sự tham gia liên tiếp được đưa ra. Giá cổ phiếu STB tăng 16,3% từ đầu tháng 5.2017 đến nay.

Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu STB đã tăng trần 6,69%, lên mức 13.550 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh lên đến hơn 13,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị giao dịch là 179,4 tỷ đồng.

Nếu so với khối lượng giao dịch bình quân mỗi ngày của cổ phiếu STB trong vòng 10 ngày gần đây là 3,4 triệu đơn vị thì khối lượng giao dịch tính riêng trong ngày 6/6 gấp tới 4 lần.

Đặc biệt, tính từ đầu tháng 5 đến nay, giá trị giao dịch trung bình của cổ phiếu STB đạt 64,5 tỷ đồng. Riêng ngày 5/6/2017, cổ phiếu STB có giao dịch thỏa thuận đột biến với khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt 25,49 triệu cổ phiếu (tương đương 327,56 tỷ đồng được trao tay). Sau giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra, thì thanh khoản ở phiên sau tăng vọt, khớp trên 13,5 triệu cổ phiếu trong phiên (gấp 3,5 lần khối lượng giao dịch trung bình trong 1 tháng).

Việc cổ phiếu STB tăng trần với khối lượng giao dịch khớp lệnh đột biến diễn ra ngay sau thông tin ông Dương Công Minh chính thức rời LienVietPostBank, còn ông Nguyễn Đức Hưởng quay về lại LienVietPostBank sau khi chính thức thôi không ứng cử HĐQT Sacombank. Giới đầu tư đang có đồn đoán về việc ông Dương Công Minh sẽ trực tiếp ứng cử vào HĐQT Sacombank, tuy nhiên, ông Dương Công Minh chưa phản hồi gì về thông tin này.

Việc ông Dương Công Minh từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank được cho là động thái chuẩn bị của “Minh Him Lam” trong việc tham gia tái cơ cấu Sacombank.

Trước đó, giới ngân hàng đã có nhiều đồn đoán về chuyện ông Dương Công Minh “bắt tay” với ông Đặng Văn Thành trong việc tham gia tái cơ cấu Sacombank.

Tuy nhiên dưới góc nhìn của các chuyên gia, nếu ông Dương Công Minh ngồi vào ghế nóng của Sacombank, thì số cổ phần tại LienVietPostBank của Him Lam và người có liên quan sẽ phải thoái xuống dưới 5% theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, Thông tư 36/2014/TT-NHNN… nhằm tránh tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng.

Vậy để giải bài toán này LienVietPostBank và gia đình ông Dương Công Minh cần phải làm gì? Được biết, bà Lê Thị Vân Thảo vợ ông Minh và cùng em gái Dương Thị Liêm đang sở hữu 5% cổ phần tại LienVietPostBank. Riêng ông Dương Công Minh đại diện cho Him Lam sở hữu 14,98% tại LienVietPostBank.

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều TCTD chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp.

Theo Thông tư 36 quy định, một ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó. Theo đó, NHTM nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết và không được cử người tham gia hội đồng quản trị TCTD mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận, hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật. Vì thế, theo lộ trình các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD khác phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực (ngày 1/2/2015).

Ở Việt Nam, sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD, gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống, tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất…

Sở hữu chéo cũng là một trong những vật cản trong tiến trình cơ cấu lại hệ thống TCTD. Vì vậy, việc siết chặt sở hữu chéo để làm sạch hệ thống ngân hàng là cần thiết. Do vậy, ông Dương Công Minh muốn có chân tại Sacombank bắt buộc phải thoái vốn dưới 5% tại LienVietPostBank.

Như vậy, nếu chạm vào "ghế nóng" Sacombank, ông Dương Công Minh còn đứng trước thách thức xử lý 60 nghìn tỷ nợ xấu trong đó, có những khoản vay liên quan đến bất động sản rất khó xử lý.

Theo NHNN, tại thời điểm 31.12.2016, số dư nợ xấu báo cáo tại Sacombank là 13.745 tỷ đồng (chiếm 6,9% tổng dư nợ). Nếu cộng cả số dư nợ xấu đã bán cho VAMC và 1 số khoản phải thu xấu từ Ngân hàng Phương Nam (đang được ghi nhận là nợ tiêu chuẩn), ước tính tổng giá trị nợ xấu của Sacombank là 59.426 tỷ đồng (chiếm 29,9% tổng dư nợ). Ngoài ra, phần dự thu lãi đang được khoanh vùng và dự kiến phân bổ trong các năm tới là 20.387 tỷ đồng...

Có thể nói, đây là những thách thức khó mà vượt qua của bất cứ "ông trùm" ngân hàng nào muốn có chân trong "ghế nóng" tái cơ cấu Sacombank? Liệu có phải chiếc "ghế nóng" này khiến ông Nguyễn Đức Hưởng phải "chùn chân" khi đối mặt với sở hữu chéo và những khoản nợ "khổng lồ" tại Sacombank???

Theo Phương Hà - Nguyễn Long

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên