MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tránh tình trạng bảo hộ ngược, doanh nghiệp nội dung số đề xuất cho lập “Đặc khu ảo”

Hiện có ý kiến đề xuất cho thử nghiệm chính sách "Đặc khu ảo" để tháo gỡ vướng mắc cho ngành nội dung số trong nước. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng dùng từ "Đặc khu ảo" là không phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của các dịch vụ nội dung số.

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến từ đại diện các doanh nghiệp nội dung số đã phản ánh với Bộ TT&TT về thực trạng lĩnh vực nội dung số đang có tình trạng "bảo hộ ngược". Do các doanh nghiệp trong nước hiện nay chịu nhiều sự quản lý, kiểm duyệt về nội dung, điều kiện kinh doanh và phải trả các loại thuế phí khác nhau… Trong khi các doanh nghiệp nội dung số nước ngoài hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam khá thoải mái mà không phải chịu bất cứ sự quản lý nào, nhất là trong việc kiểm duyệt nội dung hay họ không phải trả bất kỳ loại thuế, phí nào.

Đặc trưng của ngành công nghệ nội dung số là liên tục sáng tạo ra những dịch vụ mới, những cái mới chưa từng có. Nếu quy định chặt sẽ trói tay sự sáng tạo của doanh nghiệp, không thể cho ra đời các dịch vụ mới, các dịch vụ nội dung có tuổi đời khá ngắn, nên những dịch vụ cũ cũng không thể biến đổi thành các dịch vụ mới. Tuy nhiên, ngành nội dung số lại đòi hỏi phải quản lý chặt để đảm bảo định hướng, nếu mở cửa hoàn toàn thì sẽ có nhiều người, nhiều đơn vị sẽ đi chệch hướng, thậm chí cố tình làm sai.

Đề xuất cho thử nghiệm cơ chế chính sách "Đặc khu ảo"

Trước thực tế này, để gỡ vướng cho các doanh nghiệp nội dung số, hiện có ý kiến đề xuất, nhà nước cần tháo gỡ những vướng mắc về chính sách cho ngành nội dung số bằng một khung chính sách riêng, tạm gọi là "Đặc khu ảo". Đặc khu ảo được hiểu là cơ chế chính sách tạm thời, cho 1 số doanh nghiệp nội dung số có đủ điều kiện, đủ năng lực và khát vọng tham gia kinh doanh, đầu tư. Các doanh nghiệp này được phép triển khai các đề án thử nghiệm một số dịch vụ nội dung số mới mà giảm bớt các vướng mắc với quy định cũ, hoặc với những cơ chế chính sách nới lỏng hơn. Các doanh nghiệp tham gia vào Đặc khu ảo sẽ cam kết tham gia nghiêm túc, tự quản theo quy chế của Đặc khu, hoặc quy chế Hiệp hội Đặc khu. Sau khi triển khai các đề án thử nghiệm trong Đặc khu ảo, nếu thành công có thể triển khai rộng rãi cơ chế chính sách ra ngoài đặc khu cho các doanh nghiệp khác.

Trước đề xuất này, hiện về phía các doanh nghiệp đang kinh doanh trong ngành nội dung số cũng có những ý kiến khác nhau.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Giám đốc VTC Mobile, đứng ở góc độ doanh nghiệp thì cần làm rõ bản chất của Đặc khu ảo. Cái doanh nghiệp nội dung số cần là một cơ chế mở để doanh nghiệp được làm những gì mà pháp luật không cấm. Sau khi đưa ra Đề án thì cho phép triển khai thử nghiệm, nếu không gặp vấn đề gì tiếp tục được nhân rộng. Giống như việc triển khai đề tài nghiên cứu, một trong các tính chất của nghiên cứu đó là tính mới. Tính mới thì không thể áp đặt là phải làm theo luật được, vì bản chất luật cũng cần có nghiên cứu thì mới có.

Còn ông Nguyễn Ngọc Hân, Tổng giám đốc Thủ đô Multimedia lại không đồng tính với việc dùng từ "Đặc khu ảo" trong việc xây dựng chính sách thử nghiệm cho ngành nội dung số."Dùng từ Đặc khu ảo không phù hợp với đặc thù của ngành nội dung số"

Theo ông Hân phân tích, Đặc khu kinh tế trên thực tế được các nước chậm phát triển áp dụng chính sách đặc khu, tạo ra lợi thế cho một khu vực để hoạt động kinh tế. Đặc khu là khái niệm ưu đãi về chính sách nhằm thu hút các đầu tư cho 1 khu vực địa lý cụ thể, chính sách kiểu đặc khu khá bó hẹp trong một vùng địa lý. Do đó muốn áp dụng chính sách cởi mở cho ngành nội dung số thì không nên dùng khái niệm Đặc khu ảo, vì bản chất của ngành nội dung số là dịch vụ xuyên biên giới, nên khái niệm Đặc khu ảo không phù hợp trong ngành CNTT và nội dung số.

Việc cho thử nghiệm chính sách cũng không phù hợp, vì khi thử nghiệm cho một nhóm doanh nghiệp thì chỉ thử nghiệm trong phạm vi hẹp, khi áp dụng rộng ra thì do đặc thù của ngành công nghiệp nội dung là phát triển nhanh, nên chỉ một thời gian ngắn sau thì chính sách đó đã lạc hậu cần phải sửa đổi. Hơn nữa việc cho một vài doanh nghiệp tham gia thử nghiệm sẽ tiếp tục vướng phải cơ chế "xin – cho", không có sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp. Trong ngành CNTT không có khái niệm "ông nào bé, ông nào to", mà nhà nước cần phải tạo ra một cuộc thi cho các doanh nghiệp bảo vệ giải pháp, dịch vụ của họ (tương tự như cuộc thi tuyển chọn Shark hiện nay), giải pháp nào, ý tưởng kinh doanh nào tốt sẽ được lựa chọn để khuyến khích phát triển.

Vậy ngành nội dung số cần những chính sách như thế nào? Theo ông Hân, với ngành CNTT, cái thiếu của các doanh nghiệp không phải là vốn mà là năng lực sáng tạo. Hơn thế nữa, với thời đại công nghiệp 4.0, khi thế giới gần như đã phẳng, sản phẩm dịch vụ lúc đó cung cấp ra sẽ có tính phi biên giới rất lớn, có thể trong 1 ngày tiếp cận được đến hàng chục triệu người dùng. Do vậy, chỉ cần làm tốt Luật Doanh nghiệp, cho phép các doanh nghiệp được kinh doanh tất cả các ngành mà luật pháp không cấm, như vậy sẽ cởi trói cho tất cả các pháp nhân tham gia, mà không cần tạo ra bất cứ Đặc khu ảo nào.

"Chỉ cần có một khung chính sách hành lang, đừng hà khắc với doanh nghiệp quá, chính sách phải khuyến khích doanh nghiệp, cái gì có lợi cho doanh nghiệp thì phải điều chỉnh thật nhanh. Việc làm chính sách phải được thực hiện hai chiều, doanh nghiệp đề xuất và được tham gia sâu hơn vào việc sửa đổi chính sách, như thế tiến trình làm chính sách sẽ nhanh hơn cách xây dựng chính sách vẫn áp dụng bấy lâu nay", ông Hân đề xuất.

Theo Khôi Nguyên

ICTnews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên