MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trấu - rơm Việt Nam "đổi đời", trở thành hàng hiếm

23-10-2016 - 17:52 PM | Thị trường

Trong khi gạo VN đang rơi vào tình trạng mua rẻ bán rẻ, thì trấu ngày nay không còn đổ đi như xưa mà đã trở thành hàng hiếm.

Lúc sản lượng lúa cao, trấu được thu mua với giá 600.000 đồng/tấn tại nhà máy xay xát. Khi sản lượng thấp hơn, trấu thành hàng hiếm, giá lên tới 1.000.000 đồng/tấn.

Nếu lấy giá trấu là 600.000 đồng/tấn nhân với 9 triệu tấn trấu thì mỗi năm nước ta có 5.400 tỉ đồng tiền trấu, theo tỷ giá hiện nay quy ra thành 240 triệu đô la Mỹ. Trong khi kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2015 đạt 2,68 tỉ đô la Mỹ giá FOB. Vậy trị giá trấu gần bằng 10% xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, còn có thể sản xuất tro trấu thành silica vô định hình dùng trong công nghiệp luyện kim, hút ẩm, sản xuất gốm sứ, vật liệu chịu lửa, bê tông mác cao, lốp xe, sơn, hydrogel, pin mặt trời…

Mới đây, tại hội thảo “Năng lượng trấu và silica”, ngày 21/10 ở TPHCM, khi công ty Nga Rice High Technology (RHT) đã giới thiệu công nghệ đốt vỏ trấu đặc biệt có thể thu silica có độ tinh khiết 98,5%.

Đầu ra cho silica không thiếu, có thể bán thẳng ra thị trường nước ngoài, hoặc cung cấp ngay cho các công ty trong nước như Tập đoàn sơn KOVA. Được biết, các mặt hàng sơn tự làm sạch, sơn chống cháy, sơn diệt khuẩn của KOVA đang bán rất chạy ở Singapore, Malaysia đều dùng silica.

KOVA nhập silica ở nước ngoài để sản xuất, nhưng nếu tự làm bằng tro trấu thì giá thành có thể giảm xuống một nửa.

Được biết, mỗi tấn trấu có thể cho ra 200kg silica, như vậy 9 triệu tấn trấu cho ra 1,8 triệu tấn silica.

Silica vô định hình trên thị trường thế giới có giá rất đa dạng, từ vài chục cho tới vài ngàn đô la mỗi tấn, tùy theo chất lượng silica. Silica cho luyện kim có giá 500USD/tấn, 1,8 triệu tấn silica cho ra 900 triệu USD.

1,8 triệu tấn silica chất lượng cao hơn nữa để làm lốp xe có giá 3,6 tỉ USD. Còn loại silica vô định hình chất lượng cực cao để sản xuất pin mặt trời có giá 1.500USD/tấn, nghĩa là 1,8 triệu tấn silica có giá 27 tỉ USD.

Trước đó, cũng nhận tin vui như trấu, rơm Việt Nam đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Ngày 18/11, Hiệp hội Xuất nhập khẩu thịt bò Nhật Bản (J-Bix) đã ký kết bản ghi nhớ với UBND TP Cần Thơ về việc nhập khẩu nguyên liệu rơm, rạ từ Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ) và đề án Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA giúp nông dân Cần Thơ chăn nuôi bò.

Ông Aoyama, Phó Chủ tịch J-Bix, cho biết hằng năm hiệp hội cần khoảng 220.000 tấn rơm, trong đó có 5.000 tấn dành để làm thức ăn cho bò và phần còn lại dùng làm chiếu tatami. Nguồn nguyên liệu mà J-Bix nhập khẩu hàng năm từ Trung Quốc.

Hàng năm, ước tính lượng rơm rạ thải ra khu vực ĐBSCL có thể lên đến 40-46 triệu tấn/năm. Vì vậy, việc đưa rơm đi Nhật sẽ giải quyết được lượng rơm sau thu hoạch cũng như tăng thu nhập cho nông dân.

Trái ngược với những tin vui của các phụ phẩm trong việc trồng lúa, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt từ gạo giá rẻ từ xả gạo tồn kho của Thái Lan.

Cuối tháng 7, theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT), giá lúa tại một số tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm.

Tại An Giang, lúa tươi IR50404 giảm từ 4.200 đồng/kg xuống 4.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao OM 2514 giảm từ 4.600 đồng/kg xuống 4.500 đồng/kg; OM 2717 giảm từ 4.800 đồng/kg xuống 4.700 đồng/kg.


Gạo Việt ngày càng gặp nhiều khó khăn

Gạo Việt ngày càng gặp nhiều khó khăn

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), sự trầm lắng của thị trường xuất khẩu gạo từ suốt quý 2/2016 đến nay và có khả năng còn tiếp diễn trong thời gian tới. Vì thế, VFA vừa điều chỉnh giảm chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn.

Theo đó, tháng 4/2016 xuất khẩu chỉ đạt khoảng gần 450.000 tấn, giảm trên 30%; sang tháng 5 xuất trên 400.000 tấn, giảm trên 23%. Như vậy, xuất khẩu gạo 6 tháng chỉ đạt 2,657 triệu tấn, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy, sau nhiều năm luôn duy trì số lượng gạo xuất khẩu chính ngạch từ trên 6 triệu tấn trở lên, năm nay, nhiều khả năng xuất khẩu gạo của nước ta chỉ ở mức dưới 6 triệu tấn do những khó khăn lớn về thị trường.

Lý do gạo Việt khó khăn, đó là do thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam là Trung Quốc (chiếm gần 35% lượng gạo xuất khẩu của Việt nam trong 6 tháng đầu năm), sức mua hiện đang giảm. Cho đến nay, các chuyên gia đều cho rằng, chiêu "mua rẻ bán rẻ" của gạo Việt đang ngày càng khó khăn.

Theo Sơn Ca

Báo Đất Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên