MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trầy trật đi biển vụ cá Nam

14-06-2018 - 10:44 AM | Thị trường

Ngư dân Khánh Hòa đang khốn đốn vì thua lỗ, thiếu bạn đi biển, việc hỗ trợ tiền dầu gần nửa năm nay chưa được thực hiện.

Ngày 12-6, ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, nhận định vụ cá Nam này gặp nhiều yếu tố bất lợi nên sản lượng đánh bắt tụt giảm. Trong khi đó, việc hỗ trợ tiền dầu cho ngư dân vẫn chưa thẩm định xong nên chưa chi trả.

90% là lỗ và hòa vốn

Vụ cá Nam hằng năm kéo dài 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10), đang vào chính vụ nhưng hàng ngàn ngư dân như ngồi trên lửa vì sản lượng cá sụt giảm, thiên tai liên tục, giá dầu tăng cao.

Trầy trật đi biển vụ cá Nam - Ảnh 1.

Ngư dân Khánh Hòa đang gặp nhiều khó khăn để vươn khơi bám biển

Ông Võ Văn Mãi, chủ tàu cá KH91934, cho biết mới kết thúc chuyến biển gần 2 tuần, chỉ thu được 400-500 kg cá ngừ đại dương, bán được khoảng 60 triệu đồng, trong khi chi phí cho chuyến đi đến 90 triệu đồng. Thời gian qua, giá dầu tăng 3 lần làm tổn phí đội thêm khoảng 10 triệu đồng/chuyến.

Ông Trần Khắc Thạch (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, chủ tàu KH99766TS) cho biết chuyến biển vừa rồi, ông lỗ 20 triệu đồng. "Hiện nay, cứ 10 tàu đi biển thì 6 tàu lỗ, 3 tàu hòa vốn. May mắn lắm mới có tàu lãi chút đỉnh. Nói chung, 90% là lỗ và hòa, tình trạng này kéo dài gần 4 tháng này làm ngư dân khốn đốn" - ông Thạch than thở.

Theo ngư dân Mai Thành Phúc (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang), gia đình ông bị liệt vào trường hợp nợ quá hạn từ vốn vay ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67. Ông được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Khánh Hòa cho vay hơn 4,4 tỉ đồng để đóng tàu composite. Với kinh nghiệm mấy chục năm đi biển lại có 2 tàu mới, ông tự tin vào phương án đầu tư, khả năng trả nợ. Tuy nhiên, 3 tháng qua, chuyến biển nào ông cũng lỗ, ít thì 10 triệu đồng, nhiều lên đến vài chục triệu. Cả 3 tàu cá của ông ra khơi liên tục nhưng vẫn không đủ tiền trả nợ ngân hàng. "Tôi nói với ngân hàng là tôi chỉ có nghề đi biển nhưng cứ ra khơi là lỗ thì lấy đâu ra tiền mà trả nợ vay. Gần 3 năm mới trả nợ được 400 triệu đồng. Bây giờ lỗ quá, không có tiền trả tiếp, số nợ còn lại bị ngân hàng chuyển sang nợ quá hạn từ cuối tháng 1-2018" - ông nói.

Ông Võ Khắc Én cho rằng sản lượng tụt giảm do năm nay thời tiết không thuận lợi. Cá vụ Nam mọi năm trời đẹp, còn năm nay hết bão rồi đến áp thấp, sóng gió quá nên rất khó đánh bắt. Chỉ được 2 tháng đầu năm là có sản lượng khá, sau đó, nắng nóng quá cũng không có cá.

Theo Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ - chợ cá Nam Trung Bộ, mặc dù giá cá ngừ đại dương đã tăng lên khoảng 120.000 đồng/kg nhưng do sản lượng giảm bằng một nửa so với đầu năm nên rất nhiều tàu cá thua lỗ phải nằm bờ. Trong khi đó, một chủ vựa nhìn nhận tình hình này khiến các vựa không có cá để mua, dù giá cá đã cao hơn năm ngoái khoảng 30.000 đồng/kg.

Cạn vốn, trông chờ hỗ trợ

Ông Võ Ngọc Tùng có 2 tàu lưới vây và 1 tàu câu ở vùng biển Trường Sa, cũng ngao ngán về tình hình đánh bắt gần đây khi ông lỗ gần 200 triệu đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, ngư dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ dầu theo Nghị định 48 của Chính phủ. "Ngư dân đã cạn vốn và đang rất trông chờ vào nguồn hỗ trợ tiền dầu để tiếp tục ra khơi. Những năm trước, khoảng tháng 4 là có tiền hỗ trợ quý I rồi, không hiểu sao năm nay, đến giữa tháng 6 mà chưa thấy nhà nước rót nguồn vốn này. Do không có vốn ra khơi, nhiều tàu phải nằm bờ" - ông Tùng bức xúc.

Ông Nguyễn Thanh Hải, chủ tàu KH 90486 ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang, lý giải nguyên nhân khó khăn là do chất lượng lao động đi biển ngày càng giảm, tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. "Chúng tôi đỏ mắt mới kiếm đủ bạn đi biển. Khi lên tàu, phải mất nhiều thời gian để hướng dẫn thao tác cho người mới vào nghề. Những chuyến đầu, họ làm việc chậm chạp, hiệu quả thấp, dễ làm cá giảm chất lượng, rách lưới. Sau vài chuyến, do chủ tàu lỗ, được chia tiền ít, họ nghỉ làm" - ông Hải bộc bạch.

Ông Mai Thành Phúc cho biết thêm các tàu "khát" lao động đến mức trước khi ra biển phải ứng trước tiền cho bạn từ 5-7 triệu đồng. Nhiều trường hợp sau khi nhận tiền, mượn cớ không đi làm nhưng lại không trả tiền được ứng trước. "Từ đầu năm đến nay, riêng tiền ứng trước mà tôi bị bạn đi biển quỵt đã khoảng 70 triệu đồng. Vả lại, nhiều người chỉ muốn đi 10 ngày, thay vì 20 ngày như trước đây" - ông Phúc thở dài.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) cho biết hiện nhu cầu lao động xây dựng ở Nha Trang rất lớn. Mỗi ngày, ông đi phụ hồ cũng kiếm được 200.000 - 250.000 đồng, đi bỏ cá cho nhà hàng, khách sạn cùng kiếm được 6-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đi biển vất vả, thu nhập lại không ổn định, có khi ra khơi cả tháng nhưng về trắng tay.

Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 1.300 tàu cá xa bờ, trong đó 600 tàu thường xuyên ra khơi. Số lao động trên biển cần ít nhất 4.000 người.

Ông Én cho rằng tỉnh đang chuyển đổi dần cơ cấu lao động sang du lịch, dịch vụ. Trong khi đó, nghề đi biển đang bấp bênh nên thiếu lao động. Đây là vấn đề nan giải. Do đó, nhà nước phải có chính sách đào tạo, hỗ trợ để khuyến khích, tăng năng suất lao động trên biển.

Trên 50 tỉ đồng chưa được chi trả

Theo Chi cục Thủy sản, số tiền hỗ trợ tiền dầu quý I/2018 cho ngư dân tỉnh Khánh Hòa là hơn 50 tỉ đồng. Danh sách chi trả đã được phê duyệt nhưng đang niêm yết công khai ở địa phương để người dân có ý kiến. Nguyên nhân chậm chi trả là do đợt bão vừa qua, nhiều tàu cá không ra khơi được, ngư dân mới nộp hồ sơ nên việc thẩm định kéo dài. Sau khi tổng hợp đầy đủ, chi cục gửi danh sách cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuyển lên UBND tỉnh xem xét, ra quyết định chi trả. Dự kiến trong tháng 6 sẽ chi trả cho ngư dân.


Theo Kỳ Nam

Người lao động

Trở lên trên