MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triều Tiên - đất nước lạ kỳ: “Vương quốc” hầm và cầu

27-10-2016 - 10:53 AM | Tài chính quốc tế

Qua khỏi Thống Nhất môn ở thủ đô Bình Nhưỡng, con đường hướng về phía nam rộng sáu làn xe, mỗi bên ba làn, ở giữa là dải phân cách trồng cây trắc bá diệp tỉa tót phẳng phiu, tạo thành dải xanh thẳng tít tắp.

“Đừng nói chuyện tốn kém”

Cả đoàn ai cũng trầm trồ khen ngợi vẻ hiện đại khó tin của con đường tưởng chừng chỉ có ở phương trời Âu - Mỹ. Tuy nhiên, chưa dứt lời khen thì xe xóc kinh khủng. Trông xuống mặt đường có đoạn vá chằng vá đụp nên xe chạy chỉ khoảng 70 km/h dù đường vắng rộng thênh thang.

Điều đáng ngạc nhiên là đường được thiết kế rất hiện đại, không chỉ thẳng tắp mà còn không hề có ngã tư nào cả. Tất cả đường ngang đều được giao cách bởi hầm chui hoặc cầu vượt, đấu nối với lộ chính bằng lối rẽ bên phải.

Con đường này được Choe giới thiệu mở mới vào năm 1999 nối Bình Nhưỡng đến Khai Thành, được phóng thẳng tối đa, không ngoằn ngoèo như tuyến đường cũ. Vì vậy ven đường không có khu dân cư nào.

Những đô thị thuộc tỉnh Hoàng Hải Bắc Đạo như: Sa Lý Viện, Đoan Hương, Bình Sơn... chỉ thấy thấp thoáng xa xa. Điều lạ lùng nhất trên tuyến đường gần 170km này là quá nhiều hầm đường bộ, càng về phía nam thì hầm càng dày đặc.

Tất cả đều là hầm đôi, chừng 100km đầu mỗi bên ba làn xe tương thích với độ rộng con đường. Nhiều hầm dài đến 4-5km, bên trong không có điện chiếu sáng nên tối om.

Tôi quan sát nhiều đoạn cuối những mạch núi rất thấp, chỉ cần nắn nhẹ tuyến đường có khi tránh được đến mấy đôi hầm, nhưng người ta vẫn đào hầm xuyên qua. Khoảng 50km cuối của tuyến đường này hầm dày đặc đến mức có ít nhất năm hầm liên tiếp từ miệng hầm này nhìn thấy miệng hầm kia. Có trường hợp đi trong hầm này nhìn thấy miệng hầm thứ ba xuyên qua một hầm ở giữa...

Choe cho biết tuyến đường này có khoảng 40 hầm đôi như thế. Tôi thắc mắc: “Vì sao tuyến đường này đào nhiều hầm như vậy?”. “Thì có hầm để được đi thẳng và khỏi leo dốc” - Choe bảo. “Nhưng mà tốn kém một cách không cần thiết!”.

“Đừng nói chuyện tốn kém ở đất nước chúng tôi. Hễ có ý chí là đều làm được cả” - Choe trả lời ngay.

Hôm sau, chúng tôi được dẫn đến thăm chùa cổ Bohyeon ở phía tây bắc, cách thủ đô chừng hơn 100 cây số thuộc tỉnh Bình An Nam. Cũng với tuyến đường sáu làn có dải phân cách thẳng tít tắp tương tự con đường hôm trước, nhưng ở đây lại là “kỳ quan cầu”.

Càng về phía bắc càng nhiều cầu. Thay vì đẽo núi để làm đường ngoằn ngoèo như nhiều nơi thường làm, người ta xây cây cầu cạn dài cả chục cây số, một bên dựa vào thành núi, một bên nằm hẳn trên sông, cũng ba làn xe mỗi bên thẳng tít tắp...

Con đường nhiều cầu này được giới thiệu xây dựng từ thập niên 1990, sau gần 20 năm vẫn không có nhiều người đi; mặt đường xuống cấp vì thời gian chứ không phải vì sử dụng quá tải, với những người nước ngoài như chúng tôi đều mông lung nghĩ chuyện lãng phí...

Biểu tượng hoành tráng và dang dở

Khi đến Triều Tiên, không riêng chúng tôi mà rất nhiều người có cảm nhận về nhiều công trình hoành tráng một cách thái quá.

Đó có thể là sân vận động May Day thuộc hàng lớn nhất thế giới với 150.000 chỗ ngồi, sân vận động trong nhà 20.000 chỗ ngồi, những cung thể thao, công viên nước, nhà hát hay các dãy cao ốc vô cùng hoành tráng đối xứng qua những tuyến phố rộng rãi và thẳng tắp...

Hầu hết kiến trúc to lớn ấy xây dựng để trở thành những điểm nhấn của không gian, rất đẹp đẽ và hoành tráng, trong khi công năng sử dụng rất khó có nguồn để kiểm chứng hiệu quả đến mức nào.


Khách sạn “chọc trời” Ryugyong không biết bao giờ mới hoàn thiện - Ảnh: THÁI LỘC

Khách sạn “chọc trời” Ryugyong không biết bao giờ mới hoàn thiện - Ảnh: THÁI LỘC

Công trình đáng chú ý nhất vẫn là khách sạn Ryugyong, một biểu tượng mới của Bình Nhưỡng hình kim tự tháp trong tư thế lao vút lên không gian.

Khách sạn Ryugyong nằm cuối đường Potong Bridge ở quận Lạc Lãng, cao 105 tầng, 330m, nằm trong “top 50” tòa nhà cao nhất thế giới đến thời điểm hiện tại.

Khởi công từ năm 1987, kế hoạch sẽ hoàn thành ban đầu vào năm 1989 để kịp phục vụ Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13 ở Bình Nhưỡng và khánh thành vào năm 2012 nhân dịp 100 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Nhật Thành.

Tuy nhiên, khi xây xong phần thô và cất nóc vào năm 1992, công trình bị treo hơn 15 năm mới khởi động lại. Trong khoảng thời gian ấy, công trình trở thành một khối bêtông thô ráp, lừng lững chẳng khác nào một cái đinh xấu xí chĩa lên trời xanh.

Một nhà ngoại giao cho biết vào khoảng năm 2008, công trình bắt đầu được dát kính quanh tòa nhà để che toàn bộ phần xây thô xấu xí.

Toàn bộ số tiền do Công ty Orascom Telecom của Ai Cập đầu tư. Đổi lại công ty này độc quyền kinh doanh mạng di động ở Triều Tiên trong vòng 4-5 năm. Dù vậy, biểu tượng này sẽ còn dang dở không biết đến lúc nào...

Theo nhận xét của PGS.KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, những công trình to lớn của Triều Tiên được xây dựng trong giai đoạn “hoàng kim” vào những năm thập niên 1980 nhìn chung khá ổn, cơ bản tuân theo đúng nguyên tắc kết cấu thiết kế và tiếp cận với thế giới.

Song, những công trình mới xây sau này thì “biểu lộ lối tư duy, quyền quyết định của lãnh tụ”.

“Công trình này hầu như không có quy phạm, tiêu chuẩn, không đồng nhất giữa nội dung và hình thức. Nó biểu hiện độ vênh giữa mong muốn về sự to lớn và cách ứng dụng công nghệ hiện đại. Thế giới ít ai làm như thế và xu hướng ấy rất nguy hiểm!” - PGS.TS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, nhận xét công trình Ssuk Islet - khu phức hợp khoa học công nghệ nằm ở Ngải đảo giữa sông Đại Đồng tại thủ đô Bình Nhưỡng.

Theo Thái Lộc - Đà Trang

Tuổi trẻ

Trở lên trên