MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trợ giá cho nhà máy nước sạch Sông Đuống, chuyện có lạ?

16-11-2019 - 22:36 PM | Doanh nghiệp

Vốn ban đầu lớn và thu hồi lâu, Nhà nước hỗ trợ để khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư. Không chỉ Sông Đuống mà nhiều nhà máy khác cũng được hỗ trợ lớn như Sông Đà, Củ Chi... Nhà nước hỗ trợ mức lợi nhuận định mức tối thiểu 5% cho các đơn vị thực hiện toàn bộ quá trình từ sản xuất khai thác, cung ứng nước đến khâu bán lẻ cuối cùng.

Kêu gọi đầu tư ngành nước, Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ

Gần đây, câu chuyện TP Hà Nội trợ giá cho nhà máy nước (NMN) mặt Sông Đuống đang gây ra nhiều tranh cãi. Năm 2017, để triển khai dự án này, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho nhà máy là 10.246 đồng/m3 và tăng giá 7%/năm.

Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội mới đây cho biết mức giá trên chỉ là tạm tính để dự án có thể tiến hành đầu tư, giá bán chính thức sẽ được tính toán lại khi kiểm toán Nhà nước xác định chi phí trong giai đoạn quyết toán dự án. Hiện Hà Nội đã hiệp thương giá bán buôn là 7.700 đồng/m3.

Với phần chênh lệch giá bán chính thức và giá bán lẻ, thành phố sẽ sử dụng ngân sách để hỗ trợ phần chênh lệch này cho người dân. Giá bán đến tay người tiêu dùng vẫn nằm trong khung giá bán lẻ nước sinh hoạt chung cho cả thành phố.

Trợ giá cho nhà máy nước sạch Sông Đuống, chuyện có lạ? - Ảnh 1.

Giá bán lẻ đến người tiêu dùng vẫn là mức giá chung. Giá bán lẻ Hawaco hiện áp dụng vẫn theo giá năm 2015.

Thực tế câu chuyện bù giá, hỗ trợ cho các dự án nước sạch là rất phổ biến. Bản chất đầu tư ngành nước là vốn đầu tư ban đầu lớn và thời gian thu hồi vốn kéo dài 5 - 10 năm. Hiểu được bản chất đầu tư và vai trò quan trọng của nước sạch, Nhà nước hỗ trợ để khu vực tư nhân cùng tham gia đầu tư.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 75/2012, mức lợi nhuận định mức tối thiểu 5% cho đơn vị thực hiện toàn bộ quá trình từ sản xuất khai thác, cung ứng nước đến khâu bán lẻ cuối cùng. Nguyên tác xác định giá tiêu thụ nước sạch là phải tính đúng tính đủ chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối, tiêu thụ.

Trong trường hợp giá tiêu thụ nước sạch cho chính quyền quyết định thấp hơn phương án giá nước sạch của chủ đầu tư đã được thẩm định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ thì hàng năm UBND tỉnh phải xem xét, cấp bù từ ngân sách địa phương hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý phù hợp để các đơn vị sản xuất, cung ứng bù đắp chi phí, sản xuất kinh doanh bình thường.

Theo định hướng cấp nước Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Thành phố sẽ đầu tư 3 các nhà máy sử dụng nước mặt chính là NMN mặt sông Đà, đã vận hành trên 10 năm hiện thuộc sở hữu bởi Viwasupco ( UPCoM: VCW ); NMN mặt sông Đuống thuộc AquaOne mới cấp nước đầu năm 2019; NMN mặt sông Hồng thuộc Tập đoàn Thành Long vẫn đang trong giai đoạn đầu tư.

Trên thực tế, tại Hà Nội, NMN sông Đà cũng từng được ưu đãi rất lớn trong giai đoạn đầu tư ban đầu. Với Quyết định số 2131/QĐ-UBND ngày 13/5/2010, UBND TP Hà Nội trợ giá 1.996 đồng/m3 là phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (4.269 đồng/m3) với giá mua nước sạch cho TP Hà Nội (2.273 đồng/m3) theo khối lượng nước thực tế cho Viwasupco từ 1/4-31/12/2009.

Giai đoạn 1/1/2010 - 31/12/2011, mức trợ giá 1.920,54 đồng/m3 là phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất nước (4.269 đồng/m3) với giá mua nước sạch cho TP Hà Nội (2.348 đồng/m3) theo khối lượng nước thực tế.

Trợ giá cho nhà máy nước sạch Sông Đuống, chuyện có lạ? - Ảnh 2.

Viwasupco từng được trợ giá đến 550 tỷ đồng giai đoạn 2009-2015.

Mức trợ giá sẽ giảm dần khi chi phí sản xuất giảm do khấu hao xong và đến năm 2015 thành phố đã ngừng bù giá nước. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ trợ giá cho Viwasupco giai đoạn đầu ở mức trên 45% so với chi phí sản xuất, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trợ giá cho Sông Đuống tạm tính khoảng 25%.

Hay CTCP Hạ tầng nước Sài Gòn (Saigon Water, HoSE: SII ) cũng được TP HCM hỗ trợ để đầu tư xây dựng NMN Củ Chi và được phân vùng cấp nước cho người dân huyện Củ Chi. Cụ thể, thành phố quyết định chi một khoản hỗ trợ không hoàn lại với số tiền 600 tỷ đồng (phân bổ từ năm 2017 đến 2019). Như vậy, TP HCM bản chất vẫn hỗ trợ các nhà máy nước giai đoạn đầu nhưng cách thức thực hiện là hỗ trợ một lần, khác với Hà Nội hỗ trợ trên giá bán.

Tại Đồng Tháp, tỉnh này có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp cấp nước sạch nông thôn nên đã ưu đãi cho các chương trình nước sạch như ưu tiên bố trí đất để làm mặt bằng, xem xét miễn thuế, giảm thuế, hỗ trợ giá nước…

Như vậy, chính sách bù giá được tính dựa trên giá thành sản xuất đã bao gồm chi phí khấu hao kết hợp với chi phí lãi. Khi thành thấp hơn giá bán nước, Nhà nước dừng bù giá cũng thường là lúc doanh nghiệp gần như đã khấu hao xong, cộng với việc giảm chi phí tài vay do giảm nợ, tập trung khách hàng ổn định và kiếm thêm khách mới nên nhiều doanh nghiệp có tỷ suất sinh lời đáng mơ ước: bán 2 đồng lãi 1 đồng như Viwasupco hay Nước Thủ Dầu Một (HoSE: TDM)...

Thay đổi cổ đông, Sông Đuống vẫn đang thua lỗ

Công ty WHA Utility and Power (thuộc sở hữu của Công ty WHA) mới đây đã thông qua công ty con là WHAUP (SG) 2DR Pte. Ltd ký kết hợp đồng mua bán cổ phần với ông Đỗ Tất Thắng, cổ đông của nhà máy nước mặt Sông Đuống.

Theo đó, WHAUP (SG) 2DR sẽ mua lại gần 34 triệu cổ phiếu từ ông Thắng, tương đương 34% vốn điều lệ. Mức giá thỏa thuận giữa hai bên là khoảng 61.000 đồng/cổ phiếu, tương đương số tiền đại diện Thái Lan phải chi ra là hơn 2.073 tỷ đồng cho thương vụ.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống là nhà máy có quy mô cấp nước vùng với tổng công suất dự kiến 1,2 triệu m3/ngày. Trong giai đoạn đầu, nhà máy có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng cho công suất thiết kế 300.000 m3/ngày. Qua nhiều lần thay đổi, cơ cấu cổ đông hiện tại bao gồm Công ty TNHH MTV Nước Sạch Hà Nội (Hawaco), Công ty TNHH MTV Ứng Dụng Công Nghệ Mới và Du Lịch (Newtatco), CTCP Nước AquaOne (của bà Đỗ Thị Kim Liên), WHAUP (SG) 2DR Pte. Limited.

CTCP Nước mặt Sông Đuống bắt đầu kỳ kế toán vào 8/6/2016. Tính đến cuối năm 2018, công ty vẫn chưa phát sinh bất kỳ doanh thu nào (do mới phát nước đầu năm 2019). Tuy nhiên, Sông Đuống vẫn có các chi phí phát sinh và là nguyên nhân khiến công ty bị lỗ lũy kế gần 17 tỷ đồng.

Trợ giá cho nhà máy nước sạch Sông Đuống, chuyện có lạ? - Ảnh 3.

Nguồn: báo cáo tài chính các theo năm của Sông Đuống.

Tại cuối năm 2018, công ty có một số giao dịch với bên liên quan như phải trả khác 127,2 tỷ đồng với AquaOne, trong khi đó phải thu từ Tổng giám đốc Đỗ Thị Kim Liên số tiền 11,4 tỷ và thành viên HĐQT Đỗ Tất Thắng là 36,5 tỷ đồng.

Sông Đuống có vay nợ dài hạn 2.483 tỷ đồng đều từ VietinBank chi nhánh Đô Thành. Khoản vay được trả thành nhiều lần bắt đầu từ 5/1/2020 đến hết 2033. Lãi suất vay năm đầu tiên chi trả là 8%/năm và 8,9% trong năm thứ 2, sau đó lãi suất theo hợp đồng. Công ty sử dụng toàn bộ dự án nước sạch Sông Đuống làm thế chấp cho khoản vay.

Huy Lê

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên