MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tròn một năm tạo đỉnh, VN-Index vẫn “ngụp lặn” dưới 1.000 điểm và lọt top những chỉ số giảm sâu nhất Thế giới

Kết thúc phiên giao dịch 8/4, chỉ số Vn-Index dừng tại 997,56 điểm, thấp hơn khoảng 17% so với đỉnh cao 1.204,33 điểm được thiết lập cách đây tròn một năm và là chỉ số giảm mạnh thứ 2 Thế giới trong cùng khoảng thời gian.

Cách đây tròn một năm (9/4/2018), TTCK Việt Nam đã xác lập cột mốc lịch sử khi chỉ số Vn-Index đóng cửa tại 1.204,33 điểm, mức cao nhất từ trước tới nay.

Tuy vậy, ngay sau khi xác lập đỉnh cao mới, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh kéo dài và Vn-Index có thời điểm rơi xuống vùng 860 điểm vào đầu năm 2019. Với diễn biến kém tích cực trong năm qua, hầu hết các quỹ đầu tư đều có một năm thất vọng với tăng trưởng NAV/share âm.

Tròn một năm tạo đỉnh, VN-Index vẫn “ngụp lặn” dưới 1.000 điểm và lọt top những chỉ số giảm sâu nhất Thế giới - Ảnh 1.

VN-Index tròn 1 năm tạo đỉnh

Trong những tháng đầu năm nay, thị trường đã dần hồi phục trở lại và kết thúc phiên giao dịch 8/4, chỉ số Vn-Index dừng tại 997,56 điểm. Dù vậy, so với đỉnh cao được thiết lập cách đây trong một năm, Vn-Index vẫn thấp hơn khoảng 17% và là chỉ số giảm mạnh thứ 2 Thế giới trong cùng khoảng thời gian (theo dữ liệu Indexq).

Tròn một năm tạo đỉnh, VN-Index vẫn “ngụp lặn” dưới 1.000 điểm và lọt top những chỉ số giảm sâu nhất Thế giới - Ảnh 2.

VN-Index là chỉ số giảm mạnh thứ 2 Thế giới trong 1 năm qua (Indexq)

Có nhiều cách giải thích cho nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường trong một năm qua. Đầu tiên là lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã tác động tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tiếp đến, việc FED 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018 đã khiến dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi, cận biên, qua đó tác động không tích cực tới thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đường cong lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đảo ngược lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ vào cuối năm 2018 cũng khiến giới đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế diễn ra.

Diễn biến giá dầu sau giai đoạn bứt phá mạnh và tạo đỉnh tại 75 USD/thùng (WTI) đã lao dốc khá mạnh kể từ tháng 10/2018 và có thời điểm chỉ còn 42 USD/thùng vào cuối năm cũng ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến thị trường, đặc biệt nhóm cổ phiếu dầu khí.

Ngoài ra, việc thị trường Việt Nam giảm sâu trong năm qua còn đến từ áp lực chốt lời gia tăng trong bối cảnh Vn-Index đã tăng khá "nóng". Tại thời điểm tạo đỉnh 1.204 điểm, P/E Vn-Index đạt gần 22, một con số khá cao so với các thị trường trong khu vực. Nhưng đến đầu năm 2019, P/E Vn-Index đã "hạ nhiệt" đáng kể chỉ còn gần 14.x.

Yếu tố khác khiến thị trường giảm sâu còn đến từ lo ngại của giới đầu tư về triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong năm 2019 không quá sáng sủa. Thực tế cho thấy không ít doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, PVGas, REE, Coteccons…đều đặt kế hoạch khá thận trọng cho năm 2019.

Nhiều điểm sáng vẫn xuất hiện

Mặc dù vừa trải qua năm 2018 đầy "bão táp", nhưng thị trường vẫn có nhiều lý do để kỳ vọng. Về tình hình thế giới, sau giai đoạn căng thẳng năm 2018, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Cố vấn kinh tế cấp cao nhất của Tổng thống Donald Trump mới đây cho biết Mỹ và Trung Quốc đang tiến "mỗi ngày một gần hơn" đến một thỏa thuận thương mại.

Một tín hiệu tích cực nữa là FED sau giai đoạn nâng lãi suất mạnh năm 2018 đã phát đi những tín hiệu về việc không nâng lãi suất trong năm 2019. Mới đây, Tổng thống Trump thậm chí còn kêu gọi FED nên tiến hành giảm lãi suất. Đây sẽ là tín hiệu tích cực để dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán. Thực tế cho thấy trong quý 1 vừa qua, dòng tiền đổ khá mạnh vào các thị trường cận biên, mới nổi và trong đó, lượng mua ròng của khối ngoại trên thị trường Việt Nam lên tới gần 5.000 tỷ đồng.

Tròn một năm tạo đỉnh, VN-Index vẫn “ngụp lặn” dưới 1.000 điểm và lọt top những chỉ số giảm sâu nhất Thế giới - Ảnh 3.

P/E VN-Index đang ở mức khá thấp trong khu vực

Trong nước, kinh tế vĩ mô vẫn duy trì ổn định với tăng trưởng GDP 2019 được dự báo ở mức 6,9% và là điểm sáng trong khu vực. Trong khi đó, định giá TTCK Việt Nam vẫn ở mức tương đối hấp dẫn với P/E Vn-Index là 16,8, thấp hơn đáng kể các thị trường Thái Lan (SET – P/E 17,1), Indonesia (JCI – P/E 21), Malaysia (KLCI – P/E 20,6), Philippines (PSEi – P/E 19,6).

Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam cũng được dự báo gia tăng tỷ trọng trong rổ Frontier Market khi các thị trường Argentina, Kuwait được nâng hạng Emerging Markets, điều này dẫn đến việc khối ngoại mua mạnh cổ phiếu Việt Nam. Theo ước tính, chỉ riêng việc được tăng tỷ trọng trong rổ chỉ số MSCI Frontier Market đã giúp thị trường Việt Nam được khối ngoại mua vào khoảng 500 triệu USD.

Cuối cùng, câu chuyện nâng hạng Emerging Markets trong những năm tới vẫn là yếu tố giúp thị trường trong nước cải thiện về chất, cũng như thu hút dòng vốn ngoại tham gia đón đầu cơ hội.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên