MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong 63 thương hiệu quốc gia, chỉ có 2 thương hiệu du lịch

Để xây dựng, tạo dựng được hình ảnh cho thương hiệu Việt Nam điều đầu tiên cần phải làm là phải gắn kết chương trình thương hiệu quốc gia với việc xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch.

Đây là nhận định của PGS-TS Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu Quốc gia đưa ra tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương ngày 13/7.

Vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia đang ngày một nóng lên trên thế giới. Hiện nay, có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình này. Ở khu vực Đông Nam Á, trừ Lào và Campuchia, thì các quốc gia còn lại cũng đang trong những giai đoạn thực thi chiến lược. Việt Nam đương nhiên không thể nằm ngoài quy luật.

Thương hiệu quốc gia chính là hình ảnh quốc gia đó phản chiếu ra bên ngoài. Chương trình Thương hiệu quốc gia có nhiệm vụ tìm kiếm, xây dựng và bồi đắp được những thương hiệu đó để thể hiện ra bên ngoài một hình ảnh quốc gia thân thiện, năng động, sáng tạo, có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, con đường để thực hiện mục tiêu đó rất dài và khó khăn.

“Nhiều sản phẩm của chúng ta được xuất ra nước ngoài nhưng gần như nó không được mang thương hiệu của bất kỳ doanh nghiệp nào, từ con cá tra đến quả vải thiều... gần như tất cả sản phẩm đó đều được ghi chung là product of Vietnam - sản phẩm của Việt Nam. Rất khó để Việt Nam có một thương hiệu lớn như Coca Cola, Lacoste... vì vậy sản phẩm của Việt Nam phải đoàn kết nhau lại. Phải làm thế nào để khi người ta cầm một sản phẩm lên là biết nó được sản xuất ở Việt Nam. Đó là giai đoạn đầu mà chúng ta phải chấp nhận để tạo dựng hình ảnh” - ông Nguyễn Quốc Thịnh chia sẻ.

Một trong những cách thức dễ dàng để thế giới biết đến Việt Nam, thương hiệu Việt, theo ông, chính là xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch và gắn kết sản phẩm với những điểm đến đó.

Những điểm đến du lịch sẽ góp phần gia tăng độ nhận biết thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước con người của một quốc gia. Là cơ hội khai thác đa dạng tài nguyên, nguồn lực với gia trị gia tăng cao cũng như là phương thức nhanh chóng, dễ dàng.

Cho nên phát triển điểm đến du lịch là việc rất quan trọng đối – ông Thịnh nhấn mạnh.

Nhưng đáng tiếc là, trong 63 thương hiệu quốc gia được công nhận năm 2014, chỉ có 2 thương hiệu liên quan đến du lịch.

Thực trạng cho thấy, các địa phương của chúng ta có rất nhiều tiềm năng, nhưng chúng ta chỉ mới khai thác ở dạng thô, tức là khai thác những cái sẵn có, chứ chưa đầu tư nhiều vào những tiềm năng này.

Việc dễ làm nhất là việc giới thiệu nông sản của địa phương, điểm đến du lịch của địa phương trên mạng nhưng không có bao nhiêu địa phương thực hiện.

Ông Thịnh chia sẻ, mỗi chuyến đi du lịch của ông khá vất vả khi tìm kiếm thông tin trên mạng khó khăn. Danh sách nhà nghỉ ở Hà Giang chẳng hạn, toàn là số cố định mà khi gọi thì không có ai nghe máy. Giới thiệu món ăn cũng chỉ quanh đi quẩn lại những thứ nhàm chán, như là xúc xích nướng, thịt hun khói... như vậy làm sao quảng bá được, làm sao hấp dẫn khách đến được?

Do đó, ông cho rằng chương trình thương hiệu quốc gia phải có phương thức hỗ trợ các địa phương trong chừng mực nhất định, để nâng cao trình độ tạo dựng điểm đến du lịch, từ đó phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo thương hiệu sản phẩm của từng vùng miền.

Ông cũng lưu ý thêm, các địa phương cần phải khai thác tài sản trí tuệ địa phương, tri thức truyền thống bản địa, làm sao để thương mại hoá được chúng, để biến những bài thuốc tắm người Dao, những phương thuốc dân gian thành sản phẩm thực sự.

Ngoài ra, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên