MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trong khi thế hệ Y "giết chết" các trung tâm thương mại thì đây là cách thế hệ Z đang cứu cánh cho ngành bán lẻ của nước Mỹ

02-05-2019 - 12:52 PM | Tài chính quốc tế

"Chúng ta luôn nghĩ rằng người tiêu dùng thế hệ trẻ lớn lên bên cạnh các thiết bị kỹ thuật số và mạng Internet sẽ không thích các trải nghiệm vật lý, nhưng thực sự thì nhận định đó không đúng trong trường hợp này".

Thế hệ Z (những người sinh sau năm 1996) khiến các doanh nghiệp Mỹ phải đương đầu với nhiều bài toán hóc búa vì thói quen và lối tư duy hoàn toàn mới mẻ.

Họ tránh xa bia bọt, muốn các doanh nghiệp tỏ rõ thái độ chính trị và tin tưởng vào nhận xét của chị em nhà Kim Karrdashians để lựa chọn mỹ phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một điều bất ngờ thú vị về thế hệ Z của nước Mỹ: họ yêu thích các trung tâm thương mại.

Theo nghiên cứu của Viện ICSC, năm 2018 khoảng 95% thế hệ Z cho biết họ có lui tới trung tâm thương mại ít nhất 3 tháng 1 lần. Tỷ lệ trong nhóm thế hệ Y và thế hệ X lần lượt là 75% và 58%. Và họ thực sự rất thích các trung tâm thương mại: 3/4 cho biết tới các cửa hàng truyền thống là 1 trải nghiệm thú vị hơn nhiều so với mua sắm trực tuyến.

"Chúng ta luôn nghĩ rằng người tiêu dùng thế hệ trẻ lớn lên bên cạnh các thiết bị kỹ thuật số và mạng Internet sẽ không thích các trải nghiệm vật lý, nhưng thực sự thì nhận định đó không đúng trong trường hợp này", Neil Saunders, chuyên gia phân tích tại GlobalData Retail nói.

Thế hệ Z – những người trẻ từ 7 đến 22 tuổi – tương tác với các cửa hàng theo cách hoàn toàn khác biệt so với những anh chị em (thuộc thế hệ Y) và bố mẹ (thuộc thế hệ X) của họ. Những năm gần đây, ngành bán lẻ Mỹ chứng kiến nhiều vụ phá sản đau thương với những cái tên nổi tiếng lâu đời như Toys R Us, Sam's Club hay Sears bởi người dân Mỹ đang xa rời dần việc mua sắm truyền thống. Trong bối cảnh đó, các hãng bán lẻ có thể tìm thấy cơ hội mới thật sự đáng giá nếu như hiểu được hành vi mua sắm của thế hệ Z. 

Bloomberg chỉ ra một số cách mà các nhà bán lẻ có thể "chiều theo" thế hệ Z – nhóm được dự đoán sẽ có sức chi tiêu vào khoảng 143 tỷ USD riêng ở thị trường Mỹ.

1. Không "chiến đấu" với chiếc iPhone

Thế hệ Z dành rất nhiều thời gian trên điện thoại thông minh, và họ nhận thức được điều đó. Theo khảo sát của Bloomberg và Morning Consult, gần 6 trong số 10 người được hỏi tự nhận mình đang sử dụng smartphone quá mức. Và các công ty có thể chiến thắng nếu như tận dụng điều này thay vì chống lại nó.

Forever 21 - hãng luôn lọt top các thương hiệu được giới trẻ Mỹ yêu thích – là 1 ví dụ. Khách hàng sẽ được giảm giá 21% nếu như trình diện tại quầy thu ngân hình ảnh họ đang mặc đồ của Forever 21 được đăng lên mạng xã hội với các hashtag mà hãng đưa ra. Trên Instagram, hashtag #F21PROMO đã được sử dụng 20.000 lần, hầu hết bởi các khách hàng nữ trẻ tuổi.

Một số công ty công nghệ cũng đã bắt kịp xu hướng này. RetailMeNot, startup chuyên cung cấp mã giảm giá điện tử, sẽ gửi thông báo cho khách hàng về các chương trình giảm giá khi họ đang đi dạo trong trung tâm thương mại. Một khảo sát mới đây do RetailMeNot thực hiện cho thấy có tới 91% khách hàng thuộc thế hệ Z tìm kiếm deal giảm giá bằng điện thoại di động khi đang ở trong trung tâm thương mại.

Khoảng 1/3 khách hàng thuộc thế hệ Z cho rằng mua sắm nên là một hình thức giải trí tiêu khiển. Một số nhà bán lẻ đang đón bắt tâm lý này bằng cách trang trí lại cửa hàng sao cho thật bắt mắt và có nhiều góc sống ảo. Macy’s hiện có 36 cửa hàng "Story" được trang trí màu mè với những thứ nhỏ xinh bắt mắt. Cứ 2 tháng một lần các cửa hàng sẽ được trang trí lại toàn bộ theo chủ đề mới. Dù điều đó khá phức tạp với nhiều việc phải làm như sơn lại tường và trải thảm mới nhưng chỉ có làm như vậy mới có thể làm tăng cơ hội xuất hiện trên Instagram.

2. Cho phép khách hàng tùy biến sản phẩm

Theo 1 báo cáo năm 2018 do IBM và Liên đoàn bán lẻ Mỹ thực hiện, gần một nửa khách hàng thế hệ Z muốn các sản phẩm được tùy biến để phù hợp nhất với thị hiếu của họ. Nếu như các thế hệ trước "cá nhân hóa" quần áo và phụ kiện bằng cách thêm cúc hay những miếng vá, các nhà bán lẻ có trong tay công nghệ để giúp thế hệ Z tùy biến sản phẩm ngay từ đầu.

Tại một số cửa hàng của American Eagle Outfitters Inc., khách có thể đem chiếc quần bò của họ tới quầy để thêm vào các họa tiết theo ý mình. Levi Strauss đặt các hiệu may ngay trong chính cửa hàng để giúp khách sửa quần áo theo ý muốn ngay tại chỗ.

3. Đừng nghĩ quần áo secondhand là hàng loại hai

Thế hệ Z luôn tìm kiếm những món hời và độ bền của sản phẩm sẽ là một điểm cộng. Theo báo cáo năm 2019 của Thredup về khách hàng thế hệ Z, 30% người được hỏi cho biết có dự định mua hàng secondhand trong năm nay.

Trung tâm thương mại cao cấp Neiman Marcus vừa có một động thái bất ngờ" mua cổ phần của Fashionphile, công ty thương mại điện tử tập trung vào túi xách và phụ kiện hàng hiệu đã qua sử dụng. Các sản phẩm này vẫn sẽ được bán trên website của Fashionphile nhưng từ 2020 Neiman sẽ mở khoảng 5 đến 7 showroom để khách hàng nhận được báo giá sản phảm mà họ muốn bán. Neiman hi vọng việc tham gia vào thị trường hàng secondhand có thể giúp họ biến các khách hàng trẻ tuổi quan tâm đến hàng hiệu đã qua sử dụng thành các khách hàng trung thành sử dụng sản phẩm mới.

"Các nhà bán lẻ truyền thống chưa thực sự coi thế hệ Z là một mục tiêu hấp dẫn, chưa thực sự quan tâm đến những trải nghiệm của họ. Tuy nhiên điều đó đang bắt đầu thay đổi", Neil Saunders, chuyên gia phân tích tại GlobalData Retail khẳng định.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên