MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[ĐHĐCĐ] Vietnam Airlines: Hệ số sử dụng ghế chặng HN-HCM vẫn rất thấp, năm 2021 cố gắng không bị âm vốn chủ

14-12-2021 - 10:25 AM | Doanh nghiệp

[ĐHĐCĐ] Vietnam Airlines: Hệ số sử dụng ghế chặng HN-HCM vẫn rất thấp, năm 2021 cố gắng không bị âm vốn chủ

Sáng 14/12, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường 2021 nhằm thông qua nội dung định hướng tái cơ cấu tổng thể hãng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 giai đoạn 2021 - 2025; thay đổi ngành, nghề kinh doanh và sửa đổi Điều lệ; phương án kiện toàn HĐQT và Ban Kiểm soát.

Trong tờ trình gửi lên ĐHĐCĐ, Vietnam Airlines cho biết đại dịch COVD-19 đã làm thay đổi toàn bộ kế hoạch khai thác và hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty, làm cho tiềm lực tài chính Công ty mẹ bị suy giảm, các cân đối tài chính bị thay đổi đột ngột theo chiều hướng tiêu cực. Những thiệt hại do đại dịch gây ra cùng với những biến đổi không ngừng của môi trường kinh doanh là yêu cầu cấp bách đòi hỏi Vietnam Airlines phải thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ trên mọi lĩnh vực và được thực hiện có lộ trình, triển khai trên toàn hệ thống từ Công ty mẹ đến các doanh nghiệp thành viên để vượt qua khó khăn, đặc biệt khi đại dịch COVID-19 kéo dài…  

Vietnam Airlines cho biết trong thời gian qua công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tự thân, bao gồm tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo diễn biến thị trường và dịch bệnh, tận dụng mọi cơ hội để tăng nguồn thu và dòng tiền, cắt giảm chi phí… 

Năm 2020, Vietnam Airlines đã cắt giảm được 5.129 tỷ đồng, trong đó 1.775 tỷ đồng là chi phí nhân công. Năm nay, hãng hàng không dự kiến tiết kiệm khoảng 6.000 tỷ đồng. 

Hãng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường nguồn thu như khai thác hàng hoá, chuyên chở khách hồi hương, thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, đẩy mạnh thoái vốn một số khoản đầu tư tại các công ty con. Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế, tái cơ cấu lao động phù hợp với nhu cầu khai thác trong bối cảnh dịch bệnh. 

[ĐHĐCĐ] Vietnam Airlines: Hệ số sử dụng ghế chặng HN-HCM vẫn rất thấp. năm 2021 cố gắng không bị âm vốn chủ - Ảnh 1.

Kế hoạch tái cơ cấu toàn diện 

Kế hoạch tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2021 - 2025 của Vietnam Airlines cụ thể như sau: 

- Tái cơ cấu đội bay: Vietnam Airlines thực hiện đàm phán với các bên cho thuê tàu bay để giãn, hoãn tối đa thời hạn thanh toán tiền thuê, giảm tiền thuê gắn liền với gia hạn thời gian thuê, đàm phán đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới, huỷ một số hợp đồng các tàu bay chưa nhận.  

-  Tái cơ cấu tài sản thông qua thực hiện thanh lý các tàu bay cũ và thực hiện bán và thuê lại máy bay để đổi mới đội tàu bay thân hẹp.  

- Tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo công ty có nguồn vốn hợp lý, phù hợp với quy mô kinh doanh, thích nghi với tình hình hình mới; đồng thời, Vietnam Airlines huy động nguồn vốn từ bên ngoài với chi phí hợp lý thông qua các kênh: phát hành trái phiếu, vay thương mại từ các tổ chức tín dụng trong nước. Công ty cũng sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay dài hạn hiện có, giãn hoãn trả nợ vay sang các năm sau để giảm áp lực trả nợ vay. 

- Tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên (DNTV): công tác tái cơ cấu các DNTV bao gồm chuyển nhượng vốn, cổ phần hoá, bán một số danh mục đầu tư để Vietnam Airlines có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải hàng không và các dịch vụ đồng bộ cho ngành hàng không; đồng thời hãng cũng có thể bổ sung thu nhập, bù đắp lỗ luỹ kế và dòng tiền cho công ty mẹ, thu hút nguồn lực bên ngoài để tăng cường sức mạnh cạnh tranh của các DNTV.  

- Tái cơ cấu tổ chức: Vietnam Airlines sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn hơn, giảm các tầng trung gian, rà soát và sắp xếp lại lao động; điều chỉnh lại quy chế, quy trình thực hiện công việc, đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động; thực hiện loại bỏ, thu hẹp hoặc hợp nhất những bộ phận không hoặc chưa phù hợp trong tình hình mới. 

- Tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất: Vietnam Airlines rà soát xây dựng phương án sử dụng đất và tài sản trên đất để quản lý tập trung, thống nhất gắn với hoạt động kinh doanh của công ty; đảm bảo hiệu quả và tuân thủ quy định Nhà nước. 

- Tái cơ cấu đổi mới quản trị doanh nghiệp: Vietnam Airlines triển khai đổi mới năng lực quản trị điều hành trên mọi lĩnh vực trên toàn hệ thống, tập trung đẩy mạnh ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh. 

Để tháo gỡ vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài và đáp ứng yêu cầu của Sở KH&ĐT TP Hà Nội, Vietnam Airlines trình ĐHĐCĐ về việc thay đổi một số ngành nghề kinh doanh và sửa đổi điều lệ công ty. 

Về phương án kiện toàn HĐQT, Vietnam Airlines sẽ bầu lại thành viên HĐQT với ông Tạ Mạnh Hùng; bầu thành viên HĐQT là người đại diện phần vốn SCIC với ông Đinh Việt Tùng; và bầu thành viên HĐQT độc lập với ông Trương Văn Phước (Tiến sĩ Kinh tế). 

[ĐHĐCĐ] Vietnam Airlines: Hệ số sử dụng ghế chặng HN-HCM vẫn rất thấp. năm 2021 cố gắng không bị âm vốn chủ - Ảnh 2.

Vietnam Airlines đặt mục tiêu vốn chủ dương năm 2021

Kế toán trưởng Vietnam Airlines – Trần Thanh Hiền cập nhật tình hình tài chính của hãng hàng không như sau:

Ông Hiền cho biết ảnh hưởng của đại dịch với ngành hàng không năm 2021 là lớn hơn rất nhiều so với năm 2020. Thời điểm này, khả năng phục hồi của thị trường chậm hơn rất nhiều so với dự báo. Với thị trường như vậy, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines và các hãng hàng không rất xấu.

Tuy nhiên ông Hiền nói rằng những nỗ lực tự thân là quan trọng, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines năm 2021 tốt hơn nhiều so với kế hoạch lỗ 12.907 tỷ đồng đề ra trước đó. Hãng hàng không đang tích cực đạt các chỉ tiêu tốt nhất có thể và giảm tối đa lỗ. Ông Hiền cho biết dòng tiền chắc chắn rất khó khăn. Gói hỗ trợ 12.000 tỷ của Chính phủ đã giải ngân 60%, rất kịp thời, giúp Vietnam Airlines vượt qua trạng thái mất khả năng thanh toán.

Nhưng như ông Hiền đã nói nhiều lần, gói 12.000 tỷ chỉ giúp giải quyết những vấn đề của năm 2020, không giải quyết những khó khăn sau đó.

Riêng phương án phục hồi tài chính, Vietnam Airlines đang trong quá trình xây dựng, sẽ công bố trong thời gian thích hợp. Ông Hiền cho biết, các phương án thanh lý tài sản, danh mục, huy động vốn sẽ được tính toán, triển khai đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau. Mục tiêu tái cơ cấu là đảm bảo thanh khoản vượt qua đại dịch, giảm tối đa lỗ luỹ kế và không âm vốn chủ.

Sau khi tăng vốn gần 8.000 tỷ vào quý 3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đã chuyển từ âm sang dương. Ông Hiền cho biết, Vietnam Airlines đặt mục tiêu duy trì tình hình tài chính tốt nhất có thể và vốn chủ dương khi kết thúc năm 2021.

Doanh thu vận tải hàng hoá xấp xỉ 8.000 tỷ đồng năm 2021

Theo Tổng giám đốc Lê Hồng Hà, nhu cầu thị trường hàng không nội địa vẫn ở mức yếu do ảnh hưởng của COVID-19. Những lần phục hồi trước kia, hệ số sử dụng ghế nhanh chóng đạt mức 95 – 96%; nhưng hiện nay hệ số sử dụng ghế của đường bay Hà Nội – HCM chỉ đạt mức 62 – 65%.

Nhu cầu yếu của hàng không nội địa còn thể hiện ở mức giá vé trung bình giảm 15% so với năm 2020 và giảm 35% so với năm 2019.

Vận tải hàng không quốc tế đến hiện tại đang xem xét để mở đường bay từ 1/1/2022. Hiện nay, giá trị chỉ đạt chưa đầy 2% so với mức trước đại dịch.

Đối với vận tải hàng hoá, tổng sản lượng vẫn được giữ ổn định. Ông Hà cho biết năm 2021 Vietnam Airlines đạt doanh thu vận tải hàng hoá xấp xỉ 8.000 tỷ đồng, thị phần khai thác hàng hoá đi và đến Việt Nam ở mức dẫn đầu so với các hãng hàng không khác.

Thời gian tới, Vietnam Airlines tập trung vào khai thác vận tải hàng hoá, xây dựng mảng vận tải hàng hoá thành bộ phận tự cân đối thu chi và tiến tới thành lập hãng hàng không riêng.

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên