MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang cạn kiệt các lựa chọn để đáp trả cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump?

09-09-2018 - 09:25 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đang cố gắng để bước những bước rất khó khăn trên một mặt trận không được phép lùi bước của chiến dịch giảm nợ, mặt khác lại phải hỗ trợ nền kinh tế chống lại những yếu tố cơ bản yếu và căng thẳng thương mại.

Do thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc đối với Mỹ, Trung Quốc không thể theo kịp với mức độ đánh thuế của ông Trump - Bắc Kinh không nhập khẩu đủ các sản phẩm của Mỹ để áp đặt mức thuế tương đương ngay từ đầu. Năm 2013, Trung Quốc đã bán lượng hàng trị giá 506 tỷ USD cho Mỹ, trong khi nhập khẩu chỉ 130 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.

Trump cho biết ông đã sẵn sàng để xây dựng hàng rào thuế quan đối với tất cả hàng hóa trị giá 506 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ. Đến nay, Washington đã đánh thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc và 200 tỷ USD còn lại có thể phải đối mặt với số phận tương tự trong tháng này. Đổi lại, Trung Quốc đã áp đặt thuế quan đối với 50 tỷ USD hàng hóa của Mỹ và đe dọa thêm 60 tỷ USD sau tuyên bố mạnh mẽ mới nhất của Trump, cho thấy Trung Quốc luôn sẵn sàng ăn miếng trả miếng. Nhưng các lựa chọn trả đũa có thể đem đến những tác động tiêu cực lên tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục mất giá?

Một lựa chọn, một số nhà kinh tế nói, là Ngân hàng trung ương Trung Quốc phá giá tiền tệ, làm cho hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu rẻ hơn và hấp dẫn hơn và do đó bù đắp các chi phí của thuế quan. Đồng Nhân dân tệ đã mất giá khoảng 8% so với đồng đô la kể từ tháng Tư, và các nhà kinh tế Bo Zhuang và Rory Green của TS Lombard tin rằng mức thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ làm tổn thương thương mại của Trung Quốc ở mức độ đủ để nhân dân tệ giảm giá them 15%.

Nhưng trong khi một số người coi đây là một chiến thuật có thể dự đoán được, các nhà kinh tế khác cho rằng Trung Quốc đã phá giá nhân dân tệ hết mức có thể và thay vào đó Bắc Kinh sẽ uy hiếp các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc. Điều này có nghĩa là gia tăng gánh nặng pháp lý đối với các công ty Mỹ, cản trở quá trình xin thị thực và chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc, tăng thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài và tiếp tục hỗ trợ các công ty trong nước.

Trung Quốc vẫn chưa kêu gọi tẩy chay quốc gia đối với các doanh nghiệp và hàng hóa của Mỹ như đã làm với Hàn Quốc trong năm 2017 sau sự kiện Hàn Quốc đồng ý để Mỹ lắp đặt hệ thống tên lửa THAAD tại Hàn Quốc.

Và rủi ro cố hữu trong việc phá giá đồng nhân dân tệ là chiến lược đó có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

"Đó là những gì họ đang sợ hãi", Josef Jelinek, nhà phân tích cao cấp của Trung Quốc tại Frontier Strategy Group, phát biểu trong chương trình "Street Signs Europe" của CNBC hôm thứ tư. Tuy nhiên, nếu nó rơi quá nhanh thì các nhà đầu tư có thể hoảng sợ và chính phủ có thể thấy dòng vốn bị rút ra rất mạnh, đó chính xác là những gì họ không muốn ngay bây giờ. "

Trong năm 2015, Trung Quốc đã giảm giá tiền tệ của mình khoảng 4% trong vài ngày, đây là mức giảm lớn nhất của đồng nhân dân tệ trong vòng 20 năm và đưa thị trường vào một cơn cuồng phong. Dòng vốn tháo chạy đã buộc Bắc Kinh phải đốt cháy 1 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại tệ của mình để hỗ trợ đồng nhân dân tệ.

Ngày 24/8 vừa qua, NHTW Trung Quốc đã áp dụng lại yếu tố phản chu kỳ trong chính sách điều chỉnh tỷ giá, cho phép hỗ trợ cho giá trị của nhân dân tệ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại xấu đi.

Những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tăng trưởng đang dần hiện hữu

Ngoài các rủi ro về tiền tệ, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang phải đối mặt với những vấn đề riêng rẽ độc lập với cuộc chiến thương mại với Washington.

"Quan trọng là những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa tăng trưởng của Trung Quốc đang hiện hữu không phải là kết quả từ hàng rào thuế quan của Mỹ", Jelinek nói. Thay vào đó, chúng là do hai yếu tố. Đầu tiên là nỗ lực của chính phủ trong 5 quý vừa qua để thắt chặt tín dụng và ổn định mức nợ tồi tệ của Trung Quốc. Thứ hai là sự sụt giảm đáng kể chi tiêu đầu tư của chính quyền địa phương.

"Vì vậy, bây giờ Trung Quốc đang cố gắng để bước những bước rất khó khăn trên một mặt trận không được phép lùi bước của chiến dịch giảm nợ, mặt khác lại phải hỗ trợ nền kinh tế chống lại những yếu tố cơ bản yếu và căng thẳng thương mại," các nhà phân tích mô tả.

Trong khi đó, Trung Quốc tin rằng hệ thống kinh tế của họ đang bị tấn công, và Chủ tịch Tập Cận Bình dường như quyết tâm bằng mọi giá sẽ bảo vệ "mô hình phát triển theo định hướng của nhà nước tương phản rõ rệt với hệ thống thị trường tự do của Mỹ", theo Charles Dumas, chuyên gia kinh tế tại TS Lombard.

Và trong khi hệ thống này không đối mặt với bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai gần, thì rủi ro cho sự phát triển của Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Sự tăng trưởng chậm của Trung Quốc sẽ tác động nghiêm trọng đến các thị trường mới nổi và các nhà xuất khẩu dầu mỏ của Trung Đông, mà Trung Quốc là một nước mua chính, và đồng nhân dân tệ mất giá sẽ tạo ra những vấn đề lớn cho Nhật Bản và Hàn Quốc, Dumas cảnh báo và nói thêm rằng ông không thấy một sự kết thúc dễ dàng cho hiện tại đang bế tắc này.

Phạm Cường

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên