MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc đang quyết tâm bành trướng thế lực trong thế giới bóng đá

03-08-2016 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Không ngoa khi nói Trung Quốc đang dốc toàn lực để có thể hoàn thành mục tiêu trở thành siêu cường quốc bóng đá trong 34 năm tới.

Cách đây chưa lâu, Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch chấn hưng nền bóng đá của mình. Rằng, tới năm 2050, họ sẽ trở thành siêu cường bóng đá. Nhưng, thật ra, kế hoạch này đã khởi động từ rất lâu và bắt đầu chạy nước rút trong khoảng 3 năm trở lại đây. Không ngoa khi nói Trung Quốc đang dốc toàn lực để có thể hoàn thành mục tiêu trong 34 năm tới.

Về mặt đối ngoại: Trung Quốc đã lệnh cho các tập đoàn kinh tế lớn của mình đi thu gom các CLB lớn của nền bóng đá lớn nhất thế giới: châu Âu. Về mặt đối nội: học theo Premier League, dùng tiền thu hút nhân tài trên khắp thế giới về hội tụ ở Chinese Super League.

Thu gom các CLB lớn châu Âu

Tham vọng của người Trung Quốc là muốn một tay che trời Âu. Nhưng, cho tới thời điểm này, họ vẫn chưa làm được vì người châu Âu cũng không dễ gặm. Thành tựu lớn nhất của người Trung Quốc cho tới thời điểm này: mua được một phần cổ phiếu của Manchester City, Atletico Madrid và đang đàm phán mua lại AC Milan. Còn những CLB họ đã chính thức sở hữu tương đối nhỏ, không đáng nhắc đến như Aston Villa (Premier League) và Granada, Espanyol (La Liga).

Cuối năm 2015, tập đoàn China Media Capital (CMC) đã mua lại 13% cổ phiếu của CLB Manchester City, trị giá 265 triệu bảng từ CFG, công ty con của ADUG, nơi quản lý “Man xanh”. Quỹ đầu tư mạo hiểm CMC được sáng lập bởi đảng viên Li Ruigang năm 2009. Nên theo nhiều nguồn tin, CMC được chính phủ chống lưng. Để chứng tỏ quyết tâm cũng như sự quan tâm của mình với Manchester City, chủ tịch Tập Cận Bình đã ghé thăm đội bóng thành Manchester trong chuyến công du đến Anh. CMC chuyên đầu tư vào các lĩnh vực như văn hóa, giải trí, phim ảnh, truyền hình, y tế….

Tỉ phú Wang Jianlin mua 20% cổ phần của Atletico Madrid.
Tỉ phú Wang Jianlin mua 20% cổ phần của Atletico Madrid.

Cách đó vài tháng, ông trùm bất động sản Wang Jianlin đã lên sàn. Chủ tịch tập đoàn Vạn Đạt Đại Liên đã bỏ ra 48 triệu euro để mua 20% cổ phần của Atletico Madrid. Ở thông tin mới nhất mà Forbes vừa công bố, với 28,7 triệu USD, Wang không chỉ là người giàu nhất Trung Quốc mà còn cả châu Á. Ngoài bất động sản, hạng mục đầu tư quan trọng khác của Vạn Đạt Đại Liên là giải trí. Tỉ phú Wang Jianlin cũng đang tính xâm nhập Hollywood, để kéo nền điện ảnh Trung Quốc xích gần thế giới hơn.

Tháng 1/2016, Espanyol đã bị tập đoàn Rastar Group thâu tóm với giá 18 triệu euro. Rastar Group là tài sản của chủ tịch Chen Yansheng, người có tổng tài sản khoảng 1,2 tỉ USD. Lĩnh vực kinh doanh chính của Rastar Group là đồ chơi, giải trí, gia công….

Tháng 5/2016, Recon Group, tập đoàn kinh tế chuyên về công nghệ, sức khỏe, nông nghiệp, năng lượng mới, dịch vụ tài chính, thể thao, du lịch….đã bỏ ra 90 triệu euro để sở hữu Aston Villa từ tay doanh nhân người Mỹ Randy Lerner. Xia Jiantong, chủ tịch Recon Group năm nay mới 39 tuổi là một trong những đại diện ưu tú cho tầng lớp tỉ phú tự thân của Trung Quốc. Xia được học ở Harvard, MIT hay Oxford là nhờ học bổng của nhà nước.

Chinese Super League là PL của châu Á

Hulk được tiếp đón nồng hậu ở Trung Quốc.
Hulk được tiếp đón nồng hậu ở Trung Quốc.

Bằng nguồn tài chính vô tận, Giải siêu vô địch Trung Quốc không chỉ khiến châu Á mà cả thế giới dè chừng. Bây giờ, khi đi “săn hàng”, các đại gia châu Âu không chỉ đề phòng nhau mà còn phải ngó chằm chằm vào những đại diện đến từ đất nước đông dân nhất thế giới. Thương vụ đắt giá thứ 2 sau Gonzalo Higuain trong đợt chuyển nhượng mùa hè này đến từ Trung Quốc: Hulk của Thượng Hải SIPG: 56 triệu euro.

Tuy nhiên, Hulk và Zenit không phải là những kẻ duy nhất xiêu lòng bởi rất nhiều tiền đến từ Chinese Super League. Người Trung Quốc đã sở hữu rất nhiều thương vụ bom tấn, không thua bất cứ CLB hùng mạnh nào trên khắp thế giới. Đầu năm 2016, Shakhtar Donetsk đã từ chối 32 triệu euro của Liverpool để bán Alex Teixeiea (sinh 1990) cho Giang Tô Suning với giá 50 triệu euro. 2/2016, Jackson Martinez chia tay Atletico Madrid cập bến Quảng Châu Evergrande cùng mức giá 42 triệu euro. Trước 30 triệu mà Giang Tô Suning đưa ra, Chelsea cũng cắn răng nhả Ramires. Tiếp theo là Gervinho từ As Roma, chấp nhận phiêu lưu đến Hà Bắc Trung Cơ bởi 18 triệu euro. Mới nhất, Graziano Pelle, tiền đạo tuyển Ý chơi tương đối ấn tượng ở Euro 2016 đã từ chối một loạt CLB danh tiếng để đầu quân cho Sơn Đông Luneng.

HLV Scolari là một trong những tên tuổi nổi bật ở Chinese Super League.
HLV Scolari là một trong những tên tuổi nổi bật ở Chinese Super League.

Ngoài các danh thủ, Chinese Super League cũng không thiếu danh tướng, có thể kể ra đây Luiz Felipe Scolari (Quảng Châu Evergrande), Felix Magath (Sơn Đông Luneng), Sven Goran Eriksson (Thượng Hải SIPG) và Gregorio Manzano (Thân Hoa Thượng Hải). Scolari từng giúp Brazil vô địch thế giới 2002 và Bồ Đào Nha á quân Euro 2000. Eriksson từng huấn luyện tuyển Anh, 1 Serie A và 4 Coppa Italia. Magath từng cùng Tây Đức lên ngôi châu Âu năm 1980, 6 Bundesliga, 1 European Cup. Manzano là vị tướng vô cùng kỳ cựu ở La Liga. Chinese Super League hiện có đúng 6 HLV nội, 3 trong số đó chính thức: Li Tie - Hà Bắc Trung Cơ, Ma Lin - Liêu Ninh FC, Jia Xiuquan - Hà Nam Kiến Nghiệp.

Hiện tại, để tạo cơ hội cho các tài năng bản địa, ban tổ chức của Chinese Super League vẫn hạn chế số lượng ngoại binh: 1 châu á và 4 ngoài châu Á; nhưng không biết tương lai sẽ như thế nào. Không cẩn thận, họ có thể đi vào vết xe đổ của người Anh: Premier League mạnh bao nhiêu thì tuyển quốc gia lại yếu bấy nhiêu.

Theo Sa Mộc

NDH

Trở lên trên