MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào Việt Nam, mừng hay lo?

Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn thứ 4 của Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của cả nước ước đạt 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 lĩnh vực, trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm với tổng vốn lên đến 8,09 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng vốn đăng ký.

Khai khoáng đứng thứ 2 với tổng vốn là 1,28 tỷ USD, chiếm 10,5%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 798 triệu USD, chiếm 6,5%.

Hàn Quốc tiếp tục là đối tác đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 4,41 tỷ USD, chiếm 36,4% tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,94 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,23 tỷ USD, chiếm 10,21% tổng vốn đầu tư.

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, Trung Quốc cũng đã vươn lên vị trí thứ 4 với số vốn hơn 1 tỷ USD rót vào Việt Nam. Nếu tính cả số vốn đầu tư của vùng lãnh thổ Đài Loan là hơn 820 triệu USD và Đặc khu kinh tế Hồng Kông thuộc Trung Quốc với hơn 550 triệu USD thì vốn đầu tư có yếu tố Trung Quốc đạt khoảng 2,3 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, trong các đối tác đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc và Trung Quốc mua bán cổ phần doanh nghiệp Việt nhiều nhất. Cụ thể, Hàn Quốc có hơn 580 lượt góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt. Còn Trung Quốc đại lục có hơn 300 lượt góp vốn mua cổ phần. Hai đối tác lớn khác là Nhật Bản, Singapore chỉ có từ 100 đến hơn 190 lượt góp vốn mua cổ phần, chiếm không đáng kể.

Nếu tính cả phần vốn góp mua cổ phần doanh nghiệp Việt của các nhà đầu tư đến từ vùng lãnh thổ Đài Loan, đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), số lượt góp vốn mua DN Việt có yếu tố Trung Quốc là hơn 568 lượt, chỉ đứng sau số lượt góp mua cổ phần của Hàn Quốc.

So sánh với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh. Trong 5 tháng vừa qua, tổng vốn của Trung Quốc đã tăng gấp 2 lần, trong đó, vốn mua cổ phần tăng hơn 10 lần.

Việc vốn Trung Quốc đổ bộ nhanh, mạnh, nhiều vào Việt Nam trong thời gian qua đã dấy lên nhiều quan ngại của các chuyên gia trong nước, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện chiến lược “Made in China 2025” nhằm thay đổi triệt để bộ mặt công nghiệp nước này.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Lương Văn Khôi, Phó GĐ Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KHĐT) đã nói “Lộ trình của Trung Quốc là thay thế công nghiệp giá rẻ tiêu hao nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Đến năm 2025, họ dự kiến hàm lượng công nghệ cao chiếm trong 1 sản phẩm sản xuất được phải là 70%. Do đó những công nghệ thải loại của Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang các nước khác, Việt Nam có thể nằm trong số đó. Đấy là rủi ro rất lớn”.

TS. Lương Văn Khôi cũng cho biết thêm hiện Trung Quốc đang có những chính sách cắt giảm, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện sử dụng than.

“Khả năng họ sẽ chuyển những nhà máy này sang Việt Nam. Thời gian qua đã có những dự án Trung Quốc ‘lọt’ vào Việt Nam. Chúng ta cần phải theo dõi sát sao, nếu không Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác thải loại của nước khác”, TS. Khôi nói.

Do đó, TS. Lương Văn Khôi cho rằng dù không phân biệt các nhà đầu tư nhưng cũng không nên loại trừ bất cứ nguy cơ nào mà cần phải cân nhắc kỹ đối với những dự án của Trung Quốc đầu tư vào, đồng thời, giám sát cẩn thận việc chuyển giao công nghệ đối với những dự án đã ký.

N.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên