MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trung Quốc triệt để tận dụng công nghệ của tương lai để cách mạng hóa ngành bán lẻ

19-10-2018 - 19:15 PM | Tài chính quốc tế

Các công ty Trung Quốc không ngần ngại thử nghiệm một loạt các mô hình, công nghệ hiện đại mới, từ hệ thống thanh toán nhận dạng khuôn mặt đến các cửa hàng tiện lợi tự động để phục vụ khách hàng.

Sự bùng nổ của Internet ở Trung Quốc đến khá muộn nhưng người tiêu dùng của đất nước này đã thích ứng với cuộc sống gắn liền với các công cụ trực tuyến nhanh hơn những nơi khác. Doanh số bán hàng của hình thức thương mại điện tử đã vượt con số 1 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. Hàng tạp hoá ở đây hoàn toàn có thể vận chuyển đến nhà riêng của khách hàng chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ và thậm chí các cửa hàng ven đường cũng chuộng những ứng dụng thanh toán trên điện thoại hơn là tiền mặt.

Trung Quốc không có nhiều trung tâm mua sắm như Mỹ, nhưng ngay cả những trung tâm này đều hứng chịu mức doanh thu sụt giảm bởi người tiêu dùng thích những trải nghiệm mang tính mạo hiểm, chứ không chỉ đơn thuần là mua sắm. Một minh chứng nữa cho thấy sự thống trị của thương mại điện tử trên lĩnh vực bán lẻ truyền thống đó là Alibaba, hiện đang điều hành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới, năm ngoái đã chi khoảng 6 tỷ USD để sở hữu chuỗi siêu thị hàng đầu của Trung Quốc - là một trong những cửa hàng ngượng quyền thương mại lớn nhất nước này. Vey-Sern Ling, nhà phân tích Internet cấp cao tại Bloomberg Intelligence, mục tiêu của Alibaba là "kiểm soát càng nhiều dữ liệu của khách hàng".

Được thúc đẩy bởi những người tiêu dùng luôn thích thú với những trải nghiệm mới, thích ứng nhanh với công nghệ mới, Alibaba, Tencent và một loạt các công ty start-up khác đang triển khai các công nghệ mới có thể vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, hoặc được giữ bí mật. Dưới đây là 7 ý tưởng và mô hình nổi bật.

Nở nụ cười khi thanh toán

Một nhà hàng ở Hàng Châu đã thử nghiệm hệ thống tên là Smile to Pay được vận hành bởi Ant Financial. Yum China, hiện đang vận hành khoảng 7000 nhà hàng KFC và Pizza Hut ở Trung Quốc, đã cho ra mắt một thương hiện được gọi là KPRO hướng đến người tiêu dùng trẻ tuổi và có thu nhập cao. KPRO phục vụ các món ăn "healthy", bổ dưỡng hơn, trong đó có salad tươi và bánh mỳ Panini. Thực khách đặt hàng tại một kiốt kỹ thuật số quét khuôn mặt của họ với một camera 3D, thu thập dữ liệu sinh trắc học phù hợp với thông tin trên máy chủ của Ant. Người dùng nhập số điện thoại của họ vào đó để tăng cường tính bảo mật.

Trung Quốc hiện đang đi trước tất cả các quốc gia khác trong việc khai thác hệ thống nhận dạng khuôn mặt và các hệ thống sinh trắc học khác. Ling, nhà phần tích internet cho biết: "Vấn đề bây giờ là đưa công nghệ lên một mức độ không gặp lỗi. Các nước khác có thể sẽ không chấp nhận công nghệ này do các mối lo ngại về quyền riêng tư của dữ liệu cá nhân."

Sự trở lại của những quán ăn tự động

Tại Wufangzhai, một chuỗi nhà hàng ở tỉnh Chiết Giang nổi tiếng với món bánh bao làm từ gạo nếp, những tiếng gọi "fuwuyuan" (nghĩa là bồi bàn theo tiếng Quan Thoại) vang lên liên tục khắp nhà hàng. Kể từ đầu năm, Wufangzhai đã trang bị cho cửa hàng tại Hàng Châu một công nghệ của Alibaba cho phép một thực khác đặt đồ ăn trên điện thoại của họ và một màn hình được đặt ở cửa vào, sau đó lấy bữa ăn của mình từ một chiếc tủ thông với nhà bếp.

Khi đồ ăn đã sẵn sàng để phục vụ, khách hàng sẽ nhận được một thông báo trên điện thoại với một mã khoá riêng, cánh tủ sẽ mở ra khi vị khách đó đến gần.

Trung Quốc triệt để tận dụng công nghệ của tương lai để cách mạng hóa ngành bán lẻ - Ảnh 1.

Máy bán hàng tự động của nhà hàng Wufangzhai

Đồ uống được đưa cho khách hàng từ một máy bán hàng tự động, trông giống tủ lạnh và được mở khoá bằng cách quét mã QR trên điện thoại. Sau khi khách hàng đóng cửa tủ một lần nữa, ứng dụng sẽ tự động tính phí đồ uống bằng cách đọc thẻ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) của những chai đồ uống.

Wufangzhai cho biến doanh thu nửa đầu năm 2018 của nhà hàng đã tăng 30% so với năm ngoái, trong khi đó các loại chi phí phải trả cho nhân viên đã giảm.

Cửa hàng tiện lợi "đóng hộp"

Trung Quốc triệt để tận dụng công nghệ của tương lai để cách mạng hóa ngành bán lẻ - Ảnh 2.

Một cửa hàng tiện lợi của BingoBox

Một start-up tại Quảng Châu có tên là BingoBox đã xây dựng một mạng lưới 300 cửa hàng tiện lợi. Đây là các "hộp" kính được dựng độc lập, chỉ bằng 1/2 kích thước của một cửa hàng 7-Eleven, cũng có những sản phẩm tương tự, tất cả đều được mã hoá bằng thẻ RFID. Người mua có thể truy cập bằng cách quét mã QR được hiển thị ở mặt trước của cửa hàng bằng ứng dụng WeChat. Những sản phẩm được khách hàng chọn được đặt trên một quầy thu tiền và một đầu đọc RFID sẽ thanh toán ngay lập tức. Khách hàng chỉ được phép thanh toán qua điện thoại. Một máy quét ở gần cửa ra sẽ xác minh rằng món đồ được thanh toán trước khi khách hàng rời đi. Kể từ khi thành lập vào năm 2016, BingoBox đã huy động được 100 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư như GGV Capital và Fosun Capital.

Thử trước khi mua

Trung Quốc triệt để tận dụng công nghệ của tương lai để cách mạng hóa ngành bán lẻ - Ảnh 3.

"Chiếc gương ma thuật" sử dụng công nghệ AR

Alibaba cung cấp cho một cửa hàng ở Hàng Châu bày bán các sản phẩm của hãng mỹ phẩm Hàn Quốc - Innisfree những chiếc "gương ma thuật" được sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để người mua có thể thử hầu hết tất cả các màu son hoặc phấn mắt. Khách hàng "vẫy" chiếc "đũa thần" khắp khuôn mặt, chiếc gương sẽ hiển thị các sản phẩm được gợi ý dựa trên các chỉ số về độ ẩm, sắc tố da và nếp nhăn. Nếu một khách hàng chọn một chai kem dưỡng ẩm từ một trong những chiếc kệ thông minh, thì thông tin của sản phẩm đó sẽ tự động xuất hiện trên một màn hình liền kề đó.

Sự "lên ngôi" của những influencer

Những "influencer" (tạm dịch: những người có sức ảnh hưởng lớn) của Trung Quốc đang dẫn trước những nhân vật như Kylie Jenner cả vài năm ánh sáng. Hàng ngàn người trong số họ đã tận dụng mức độ nổi tiếng trên mạng xã hội để tạo ra những sản phẩm làm đẹp và thương hiệu thời trang, thậm chí họ còn bán rượu vang, ôtô cho người hâm mộ. Họ thực hiện việc này thông qua vô số các ứng dụng live stream có tới 398 triệu người theo dõi. Trong số đó, ứng dụng có số lượng người theo dõi cao nhất là Little Red Book - một trang thương mại điện tử/truyền thông đạt 100 triệu lượt người dùng và Meipai, một nền tảng chia sẻ video với 152 triệu người dùng.

Một trong những influencer nổi tiếng nhất đó là người mẫu Zhang Dayi, cô đã bán được 20 triệu tệ (2,9 triệu USD) quần áo trong một lần live stream năm 2016. Không như những influencer ở Mỹ - họ được trả tiền để quảng cáo cho các thương hiệu, Zhang và rất nhiều influencer Trung Quốc khác sở hữu thương hiệu của riêng mình.

"Máy" bán ôtô tự động

Trung Quốc triệt để tận dụng công nghệ của tương lai để cách mạng hóa ngành bán lẻ - Ảnh 4.

Một chiếc "máy" bán ôtô tự động.

Việc mua sắm trên ôtô tại Quảng Châu đã gặp ít trở ngại hơn vào tháng 3. Thay vì phải đi từ đại lý này đến đại lý kia để tham khảo chất lượng của một chiếc ôtô, người mua có thể đặt lịch lái thử xe bằng cách lên mạng. Sau đó, họ có thể lấy chiếc xe tại một máy bán hàng tự động được vận hành bởi Alibaba, với sức chứa 30 chiếc xe mỗi "máy" - bao gồm các mẫu xe của BMW, Ford và Volvo. Lệ phí cho một lượt lái thử xe trong 3 ngày chỉ là vài trăm NDT (ít hơn 50 USD), nhưng tiền đặt cọc có thể lên đến hàng ngàn NDT. Alibaba cho biết "hàng chục" chiếc máy như thế này đã được lên kế hoạch để hoạt động ở các thành phố trên khắp Trung Quốc.

Những thương hiệu lớn

Chính phủ Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa các chợ ở Bắc Kinh và Thượng Hải có những gian hàng bán túi, đồng hồ và giày giả. Tuy nhiên, nhu cầu về những sản phẩm "nhái" như thế này vẫn tồn tại, bằng chứng là sự nổi tiếng của một ứng dụng mua sắm có tên Yanxuan, nghĩa là "lựa chọn nghiêm ngặt" trong tiếng Quan Thoại. Ứng dụng này kết nối với một thị truờng hiển thị một loạt các mặt hàng từ ga giường cho đến balo, được cho là có nguồn gốc trực tiếp từ các nhà máy địa phương sản xuất cho Muji, Nine West và các thương hiệu quốc tế khác. Một đôi xăng-đan sản xuất bởi "nhà cung cấp cho Birkenstock" có giá khoảng 60 NDT (8,70 USD), trong khi đó mẫu tương tự được bán trên trang web của Đức với giá 100 USD.

Trang web này ra mắt vào năm 2016, thuộc sở hữu của NetEase. Trong một thông báo gửi đến Bloomberg, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ cho biết "bất kỳ thông báo nào nói rằng các sản phẩm "được sản xuất bởi cùng một nhà sản xuất" như một thương hiệu lớn khác là lời nói dối cho một hành động sai trái". Đại diện của NetEase cho biết: "Lý do chúng tôi chỉ ra những thương hiệu cung cấp lớn là để khách hàng biết rằng những sản phẩm đang bày bán của chúng tôi đều đến từ các nhà sản xuất rất nổi tiếng."

Hương Giang

Bloomberg

Trở lên trên