MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước ACB, nhiều ngân hàng đã nở rộ trào lưu bán bảo hiểm

19-11-2020 - 10:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Các nhà băng ký kết hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm để tăng nguồn thu dịch vụ.

Vừa qua, ACB đã ký hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Sun Life Việt Nam trong 15 năm - hợp tác độc quyền bán chéo bảo hiểm đầu tiên của ACB. Trước đó, ngân hàng là đối tác của các hãng bảo hiểm gồm AIA, Manulife, FWD.

Làn sóng ngân hàng ký bancassurance độc quyền với các doanh nghiệp bảo hiểm rộ lên từ nhiều năm trước. Từ năm 2017, Techcombank và Manulife Việt Nam ký hợp đồng độc quyền bancassurance 15 năm. Hợp tác này kỳ vọng mang về cho ngân hàng 10.000 tỷ đồng phí bảo hiểm trong 5 năm. Cùng năm, AIA và VPBank cũng ký kết thoả thuận hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền 15 năm.

Dai-ichi Việt Nam ký hợp đồng độc quyền với SHB để phân phối bảo hiểm trong 15 năm. Công ty bảo hiểm này cũng có các sản phẩm trong 5 năm ký với LienVietPostBank vào năm 2016, 20 năm với SHB.

Năm 2018, NCB và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prévoir Việt Nam cũng ký hợp đồng hợp tác độc quyền phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trong 15 năm.

Cuối năm 2019, Vietcombank cũng ký hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với FWD Việt Nam trong 15 năm song giá trị thương vụ không được tiết lộ. 

Giữa tháng 6 năm nay, Bloomberg từng đưa tin Manulife Financial Corp đang là ứng cử viên hàng đầu để trở thành đơn vị phân phối bảo hiểm qua ngân hàng VietinBank, thông qua một thỏa thuận với hãng bảo hiểm Aviva. Sau khi VietinBank bán toàn bộ phần vốn góp còn lại tại Công ty TNHH Bảo Hiểm Nhân Thọ VietinBank Aviva cho Aviva Việt Nam, đơn vị này đã ký hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ vào tháng 4/2017. "Hợp đồng này có thể được định giá vài trăm triệu USD", nguồn tin của Bloomberg cho biết.

Trước ACB, nhiều ngân hàng đã nở rộ trào lưu bán bảo hiểm - Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng hợp tác cùng với công ty bảo hiểm trong các hợp đồng độc quyền.

Ở phía các ngân hàng, phí hoa hồng bảo hiểm được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng của thu nhập dịch vụ. Chứng khoán Rồng Việt nhận định, phí bancassurance dự kiến tiếp tục đi lên nhờ xu hướng người tham gia bảo hiểm tăng và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm (đặc biệt là mảng nhân thọ) cải thiện.

Techcombank, VIB và MB lần lượt dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong ngành. Dù vậy, VDSC dự kiến miếng bánh thị phần sẽ tiếp tục được phân chia lại khi các ngân hàng với uy tín và quy mô khách hàng lớn cũng sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động này.

Xu hướng tăng trưởng cao đang thuộc về VIB, Sacombank, ACB và VPBank. Đặc biệt, Vietcombank, ACB được kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần phân phối bancassurance mạnh nhờ các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm mới ký kết, được hỗ trợ bởi tệp khách hàng lớn và trung thành.

Quan sát các giao dịch bancassurance độc quyền gần đây, có thể thấy phí bancassurance của mỗi khách hàng dao động từ 20 USD đến 35 USD. Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Research giả định phí độc quyền trong trường hợp của ACB có thể khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng, giúp tăng vốn chủ sở hữu năm 2021.

Còn tiềm ẩn nhiều bất cập

Việc hợp tác với công ty bảo hiểm được dự báo mang đến cho ngân hàng nguồn thu nhập song cũng tiềm ẩn không ít bất cập. Thời gian qua, nhiều khách hàng của các nhà băng phản ánh về việc bị “ép” mua bảo hiểm với nhiều hình thức như lãi suất gói vay sẽ hợp ưu đãi hơn khi kèm bảo hiểm, thủ tục vay nhanh chóng hơn…

Đầu tháng 3, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từng phản hồi một thông tin của cá nhân đề cập việc ACB chi nhánh Rạch Dừa, Vũng Tàu muốn khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ trị giá 13 triệu đồng/năm khi vay thế chấp, mức phí phạt khi trả tiền trước hạn cũng thấp hơn khi khách hàng mua bảo hiểm. Sau đó, ACB chi nhánh Rạch Dừa, Vũng Tàu cũng đã báo cáo NHNN kết quả làm việc với khách hàng và xác nhận mọi hoạt động đều bình thường, đúng quy định.

Đầu tháng 11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản yêu cầu các ngân hàng chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh bảo hiểm. NHNN nhấn mạnh các ngân hàng không được gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng, nói cách khác là "ép" khách hàng mua bảo hiểm mới được vay vốn.

Ngoài ra việc chào bán, giải thích điều khoản, điều kiện của sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng mua bảo hiểm của ngân hàng cũng phải tuân thủ quy định pháp luật, nhằm giúp khách hàng hiểu đúng và đủ quyền, lợi ích, các điều kiện, điều khoản thanh toán của bảo hiểm.

Với nhân viên ngân hàng, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, lưu ý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm.

Theo khảo sát của Navigos Search, ngân hàng tăng tuyển bộ phận kinh doanh phục vụ nhu cầu “bán chéo” bảo hiểm, dù ngành này vẫn đang trong giai đoạn rà soát các chi phí vận hành theo chỉ đạo của Thống đốc. Từ quý II, phân khúc nhân viên và chuyên viên xuất hiện xu hướng tuyển dụng lớn các vị trí kinh doanh để phục vụ cho dịch vụ bán chéo (cross sales) các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.

Theo Lê Hải

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên