MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước Chevrolet, có bao nhiêu thương hiệu ô tô từng 'tháo chạy' khỏi Việt Nam?

19-02-2020 - 15:37 PM | Thị trường

Tương lai của Chevrolet tại Việt Nam đang mịt mờ hơn bao giờ hết sau khi nhà máy cuối cùng của GM ở Đông Nam Á sẽ được bàn giao cho đối tác vào cuối năm nay.

Hôm 17/2, General Motors (GM) đưa ra tuyên bố, tập đoàn này sẽ ngừng lắp ráp xe Chevrolet tại Thái Lan và bán lại dây chuyền sản xuất cho Great Wall Motors (GWM) của Trung Quốc. Thời gian dự kiến cho sự chuyển giao này là vào cuối năm.

Theo giải thích của ông Andy Dunstan, Chủ tịch mảng nhà phân phối, liên minh và thị trường chiến lược của GM, việc dừng lắp ráp và bán ra xe Chevrolet tại Thái Lan đến từ sức bán trong nước và xuất khẩu được dự báo ngày càng ảm đạm, dẫn đến hiệu suất nhà máy thấp, không còn hiệu quả.

 Trước khi rời Thái Lan, GM từng bán toàn bộ hệ thống phân phối và sản xuất ô tô tại Việt Nam cho VinFast, khiến những mẫu xe lắp ráp trong nước bị khai tử. Hiện tại, VinFast chỉ còn phân phối 2 dòng xe Trailblazer và Colorado nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Việc đóng cửa nhà máy cuối cùng ở Đông Nam Á nhiều khả năng sẽ khiến Chevrolet là cái tên mới nhất trong danh sách những thương hiệu ô tô biến mất khỏi thị trường Việt Nam.

Fiat

 Năm 1995, Mekong Auto chính thức ký kết hợp động hợp tác kinh doanh với Fiat Spa (Ý), nhà sản xuất hàng đầu thế giới lúc bấy giờ. Cùng với hãng xe Nhật, xe Đức, xe Ý từng có mặt rất sớm tại Việt Nam dưới dạng lắp ráp trong nước. Mẫu xe Fiat đầu tiên ra mắt bởi liên doanh này là Siena, rồi tiếp đến Doblo và Albea. 

Trước Chevrolet, có bao nhiêu thương hiệu ô tô từng tháo chạy khỏi Việt Nam? - Ảnh 1.

Một chiếc Fiat 500 mang biển số đăng ký tại Đà Nẵng. Ảnh: Lee Hoàng.

Đến năm 2009, Mekong Auto giới thiệu dòng xe nhập khẩu Fiat 500 với giá bán từ 750 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn, và 850 triệu đồng cho bản "full option". Được mệnh danh là "Toyota châu Âu", nhưng Fiat lại nhận kết cục thảm hại tại Việt Nam, khi không còn xuất hiện trên bảng thống kê doanh số của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kể từ năm 2012.

 Nguyên nhân cho "cái chết" của Fiat bị người dùng cho là nằm ở Mekong Auto. Liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên tại Việt Nam đẩy giá phụ tùng nhằm kiếm lời, bù lỗ cho hoạt động kinh doanh xe mới. Bên cạnh đó, người Việt không thể tìm kiếm phụ tùng của Fiat dễ dàng ở các garage tư nhân giống như xe Toyota, Honda,...

Hiện khách hàng Việt muốn mua xe Fiat mới chỉ có thể tìm đến những đại lý nhập khẩu tư nhân.

Citroen

Hành trình của Citroen tại Việt Nam bắt đầu rất sớm, từ năm 1936. Hãng xe Pháp xây dựng xưởng sản xuất đầu tiên ở Đông Dương với trụ sở ban đầu tại góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ, Sài Gòn. Nơi này ngày nay là khách sạn Rex.

Trước Chevrolet, có bao nhiêu thương hiệu ô tô từng tháo chạy khỏi Việt Nam? - Ảnh 2.

Citroen DS3 thực sự là "hàng hiếm" trên đường phố Việt Nam.

Năm 1969, Citroen mua bản quyền thiết kế của chiếc Baby Brousse của công ty Ateliers et Forges de l’Ebrié để sản xuất chiếc xe lừng danh thời bấy giờ là La Dalat. Giai đoạn 1970 cho đến 1975, hãng sản xuất hơn 5.000 chiếc La Dalat, tức là khoảng 1.000 chiếc mỗi năm, tỷ lệ nội địa hóa tăng dần từ 25% đến 40% vào năm 1975. Tuy nhiên, vào năm này, hãng Citroen chính thức đóng cửa.

Citroen quay trở lại Việt Nam vào năm 2011 với chiếc hatchback cỡ nhỏ DS3 với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Nhưng người Việt thế hệ mới đã quá quen với xe Nhật, Hàn, Đức, Mỹ,... Xe Pháp là cái gì đó xa lạ, không gần gũi thân thuộc như thời kỳ trước năm 75. Citroen dần biến mất lúc nào không ai hay. Để tìm một chiếc Citroen DS3 lăn bánh trên đường phố Việt Nam ngày nay được ví như "mò kim đáy bể".

Renault

Giống như Citroen, Renault cũng là một thương hiệu đến từ nước Pháp. Renault quay trở lại Việt Nam vào năm 2010, sau khi ủy quyền nhập nhẩu và phân phối cho Auto Motors Vietnam. Hãng có showroom đầu tiên đặt tại Hà Nội, cùng dải sản phẩm phong phú từ hatchback, sedan cho tới SUV.

Trước Chevrolet, có bao nhiêu thương hiệu ô tô từng tháo chạy khỏi Việt Nam? - Ảnh 3.

Talisman là mẫu xe cuối cùng được ra mắt trước khi Renault rút khỏi Việt Nam.

Nhưng Renault sớm rút khỏi thị trường Việt Nam vào cuối năm 2017, kết thúc hành trình 7 năm với kết quả kinh doanh ế ẩm. Hoạt động cuối cùng của hãng là ra mắt dòng xe Talisman. Giá cao là nguyên nhân đầu tiên khi nhắc về thất bại của Renault.

Năm 2015 là bước đi khác biệt nhất của Renault, khi ra mắt 3 dòng xe giá rẻ Logan, Sandero và Duster, lần lượt 590 triệu đồng, 620 triệu đồng và 790 triệu đồng. Dưới nền nhạc "Những chuyến đi dài" do cố nhạc sĩ Trần Lập thực hiện tưởng chừng đánh dấu thời kỳ tươi sáng cho Renault Việt Nam, nhưng không, mọi chuyện không hề thay đổi. Giá rẻ, nhưng thiết kế kém thời thường, điều hòa xứ lạnh không phù hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa và vô-lăng trợ lực dầu là những thứ giết chết "mơ mộng" của Renault tại Việt Nam.

UAZ

 Tương tự với xe Pháp, UAZ cũng là cái tên lừng danh với người Việt Nam giai đoạn trước 75. UAZ trở lại Việt Nam vào đầu năm 2017, sau khi nghị định thư giữa Việt Nam với Liên bang Nga về hỗ trợ sản xuất phương tiện vận tải có động cơ trên lãnh thổ Việt Nam có hiệu lực, thuế suất thuế nhập khẩu một số dòng ôtô thể thao, pickup và xe tải từ Nga được áp mức 0%.

Trước Chevrolet, có bao nhiêu thương hiệu ô tô từng tháo chạy khỏi Việt Nam? - Ảnh 4.

Nương tựa vào quá khứ không đủ để UAZ tồn tại ở Việt Nam.

Lúc ấy, người đứng đầu nhà phân phối AutoK rất tin tưởng vào tương lai của UAZ tại Việt Nam. Dải sản phẩm của hãng bao gồm SUV và bán tải, với giá bán từ 495 triệu đồng đến 686 triệu đồng. Tuy nhiên chỉ rộ lên được thời gian đầu, sau đó những mẫu xe Nga rơi vào cảnh ế ẩm liên miên. Điểm yếu của UAZ nằm ở thiết kế cũ kỹ, tốn nhiên liệu và nghèo nàn trang bị, tính năng. Dù có giá nửa tỷ, dòng UAZ Hunter thậm chí không có hệ thống giải trí, túi khí hay điều hòa.

Sau 2 năm, nhà phân phối AutoK đã ngừng kinh doanh UAZ. Lý do được đưa ra là khó khăn về nhập khẩu, ưu đãi thuế chưa được áp dụng ngay và chính sách thuế phức tạp.

Theo Quốc Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên