MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Trước "vụ nổ Big Bang" của hệ thống tài chính, Trung Quốc đang trao cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội ngàn năm có một

10-05-2018 - 09:04 AM | Tài chính quốc tế

Chưa bao giờ khu vực tài chính có quy mô lên tới 42.000 tỷ USD của Trung Quốc lại sẵn sàng mở tung cánh cửa tiếp xúc với toàn thế giới như hiện nay.

Để thực hiện đúng những cam kết đã được đưa ra từ lâu và cũng là 1 động thái góp phần nào xoa dịu căng thẳng thương mại trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump áp một loạt loại thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu, Trung Quốc mới đây đã đặt ra hạn chót 30/6 sẽ nới lỏng các giới hạn đang ràng buộc quyền sở hữu và hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý tài sản và công ty bảo hiểm nhân thọ.

Đây là cơ hội để các định chế tài chính nước ngoài như Goldman Sachs và UBS tăng gấp 5 lần số cổ phần tại các định chế tài chính Trung Quốc, theo dự báo của Bloomberg Intelligence. Trong khi đó các tập đoàn bảo hiểm như AIA Group có thể tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện, các ngân hàng như HSBC và Citigroup thì có thể gặp thêm một chút khó khăn trên con đường xây dựng thị phần nhưng sẽ được hưởng "quả ngọt" về lợi nhuận.

Nếu như trong lịch sử, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO năm 2001 đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành sản xuất trên phạm vi toàn cầu, mở cửa khu vực tài chính sẽ biến đổi mạnh mẽ cách thức phân bổ nguồn vốn và quản lý tài sản ở Trung Quốc. Biểu đồ dưới đây cho thấy thực trạng hiện nay và đưa ra dự báo về những thay đổi trong tương lai gần.

Trước vụ nổ Big Bang của hệ thống tài chính, Trung Quốc đang trao cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội ngàn năm có một - Ảnh 1.

Đến năm 2030, lợi nhuận của các ngân hàng ngoại được dự báo sẽ tăng gấp hơn 10 lần nhưng thị phần vẫn còn ở mức khiêm tốn dù tăng trưởng mạnh. Dẫu vậy, tác động to lớn và ý nghĩa hơn là sự bành trướng của các ngân hàng ngoại giúp nâng cao các tiêu chuẩn cho vay và góp phần cải tổ 1 hệ thống đang oằn mình vì những ưu đãi dành cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả.

Trước vụ nổ Big Bang của hệ thống tài chính, Trung Quốc đang trao cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội ngàn năm có một - Ảnh 2.

"Một khu vực tài chính cởi mở và cạnh tranh hơn sẽ gia tăng đáng kể chất lượng tín dụng – điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nếu như Trung Quốc quyết tâm giảm tỷ lệ đòn bẩy và cải tổ hệ thống", chuyên gia kinh tế Tom Orlik của Bloomberg nhận định.

HSBC, Bank of East Asia, Standard Chartered và Citigroup hiện là những ngân hàng ngoại lớn nhất ở Trung Quốc. Với hơn 7.000 nhân viên ở đại lục (theo thông tin trên website của ngân hàng), HSBC đặt mục tiêu đến năm 2020 có thêm 5.000 nhân viên chỉ tại tỉnh Quảng Đông.3

Lợi nhuận của các công ty chứng khoán liên doanh được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 nhờ thị phần tăng gấp 5. UBS đã nộp đơn xin thâu tóm cổ phần đa số tại công ty liên doanh ở Trung Quốc, trở thành ngân hàng toàn cầu đầu tiên tận dụng cơ hội này. Vốn đã âm thầm chuẩn bị cho công cuộc mở rộng, Goldman Sachs cũng có kế hoạch tăng cả số lượng nhân viên và vốn tại Trung Quốc.

Trước vụ nổ Big Bang của hệ thống tài chính, Trung Quốc đang trao cho các nhà đầu tư quốc tế cơ hội ngàn năm có một - Ảnh 4.

Bảo hiểm là góc hiếm hoi trên thị trường tài chính Trung Quốc mà các công ty nước ngoài đang làm khá tốt, với thị phần (xét theo phí) đã tăng trưởng 6 năm liên tiếp. Và chắc chắn trong những năm tới những công ty làm tốt nhất sẽ là những kẻ đã đặt được 1 chân vào thị trường này.

Theo Steven Lam, chuyên gia phân tích bảo hiểm của Bloomberg Intelligence, AIA và những công ty bảo hiểm được ngân hàng hỗ trợ cho ICBC-Axa và BoCommLife sẽ có khả năng tăng thị phần mạnh nhất. Những cái tên mới có thể phải đợi đến sau năm 2020 để có được chỗ đứng.5

Về ngành quản lý quỹ, Trung Quốc đã cam kết sẽ nới room sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài tại các quỹ tương hỗ lên 51% vào tháng 6 tới và xóa bỏ hoàn toàn giới hạn sau 3 năm nữa. Vì đây là 1 thị trường rất rộng lớn, chỉ cần có được 6% thị phần vào năm 2030, các quỹ ngoại có thể có trong tay 1.800 tỷ USD tài sản dưới quyền quản lý.

Tất nhiên động thái mở cửa lần này không phải là không ẩn chứa rủi ro và vẫn có nguy cơ bị lùi lại. Bàn tay của các doanh nghiệp nhà nước phải được thu hẹp lại trước khi các nhà đầu tư nước ngoài tự tin nhảy vào. Mở cửa cán cân vốn có thể gây ra nhiều biến động, do đó thị trường cần phải được kiểm soát rất tốt để nhà đầu tư cảm thấy an tâm.

Vì kinh tế Trung Quốc có quy mô rất lớn, kể cả những thay đổi rất nhỏ (dưới 10%) về thị phần cũng có thể làm thay đổi bức tranh tài chính quốc tế dù ít hay nhiều. "Rõ ràng là phương hướng chính sách của Trung Quốc rất đúng đắn, nhưng để đạt được tốc độ thay đổi nhanh chóng thì không phải là chuyện dễ dàng. Các công ty nước ngoài sẽ hành động hết sức thận trọng khi tiếp cận 1 thị trường lớn, phức tạp và khác xa phương Tây", Orlik nói.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên