MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp không muốn khổ ải vì phí “bôi trơn”

Cải cách thể chế và công khai minh bạch sẽ là chìa khoá để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, trên cơ sở đó thúc đẩy phát triển kinh tế khởi sắc trong năm 2018.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia Kinh tế , nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chia sẻ với BizLIVE về kinh tế Việt Nam trước thềm năm mới 2018.

Nhìn lại năm 2017 với nhiều biến động, với tư cách chuyên gia độc lập, những diễn biến tích cực nào đọng lại và những tồn tại nào mà kinh tế Việt Nam cần khắc phục để bước vào năm 2018 tốt hơn?

Nhìn lại năm 2017, Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hồi phục, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.

Trong năm 2017, một điểm sáng phải được nói đến đó là hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài có một bước phát triển mạnh mẽ kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thu hút FDI đạt con số hơn 33 tỷ USD và lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta thực hiện giải ngân vốn FDI được hơn 11 tỷ USD. Đây là mức giải ngân tương đối cao, góp phần tạo ra nguồn vốn thực cho nền kinh tế thúc đẩy hoạt động phát triển của nền kinh tế.

Khu vực đầu tư tư nhân trong năm 2017 đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2016 có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký. Năm 2017 con số này đạt khoảng 130.000 doanh nghiệp, đây là mức tăng kỷ lục.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn nhất là làm sao để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính từ Trung ương đến cơ sở để các bộ phận đều vào cuộc, chuyển động mạnh mẽ hơn, không còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên thảm, dưới đinh” nữa.

Thực tế hiện nay cho thấy, Thủ tướng rất tích cực nhưng tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn diễn ra. Doanh nghiệp phản ánh họ còn gặp rất nhiều khó khăn. Tỷ lệ số doanh nghiệp đăng ký so với số doanh nghiệp còn hoạt động sau một năm rất thấp. Điều này chứng tỏ chúng ta cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư.

Năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, điều này được người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ nhắc lại nhiều lần, tuy nhiên, chuyển biến còn khá chậm. Với đánh giá của mình, ông nghĩ sao về chi phí của doanh nghiệp Việt hiện nay và đâu là chi phí "khổ ải" nhất?

Tôi khẳng định hiện nay có rất nhiều loại chi phí đang đè nặng doanh nghiệp, tuy nhiên có một loại chi phí là gánh nặng nhất với doanh nghiệp là chi phí "bôi trơn" và chi phí thời gian, phong bao phong bì. Có rất nhiều doanh nghiệp hiện phải dùng tới chi phí bôi trơn.

Tôi ví dụ cụ thể như trường hợp một doanh nghiệp chế rác thải thành điện. Họ kể với tôi họ đã đăng ký và cố gắng có giấy phép. Tuy nhiên, tất cả nơi mà doanh nghiệp này tới đều yêu cầu phải có chi phí "bôi trơn". Nghịch lý ở chỗ, doanh nghiệp này vay vốn của Liên minh châu Âu - họ không chấp nhận bất kỳ một khoản chi phí không chính chức nào. Dẫn tới doanh nghiệp đã mất đi cơ hội phát triển kinh doanh của mình.

Để chấm dứt tình trạng này, trước hết môi trường kinh doanh phải công khai minh bạch. Mọi thông tin thủ tục hành chính được áp dụng thế nào, ra sao cần đưa lên mạng cho mọi người tiếp cận. Chứ đừng kiểu chỉ đưa ra một vài thông tin còn mọi quyết định sau đó nhanh hay chậm là quyền của cơ quan quản lý.

Vấn đề nổi cộm năm 2017 là BOT đường bộ, khi hàng loạt dự án, trạm bị phản đối, phát hiện sai phạm. Năm 2018 và những năm tiếp theo, chắc chắn BOT sẽ là vấn đề được nói đến nhiều nữa, theo ông chúng ta nên tìm lối thoát cho BOT đường bộ ra sao trong năm tới?

Có thể gọi trong năm vừa qua là năm "bê bối" của BOT, nhiều dự án buộc phải xả trạm liên tiếp vì chịu sự phản ứng gay gắt của người dân.

Hiện nay, các chuyên gia đều nói rõ, một số dự án BOT ở Việt Nam không công khai minh bạch, không có đấu thầu. Có biểu hiện rõ ràng của nhóm lợi ích chi phối, thậm chí có những người "tay không bắt giặc", lập ra dự án BOT không làm gì cả mà bán lại thu cả ngàn tỷ.

Tất cả điều đó sắp tới đây phải phắc phục, công khai minh bạch, phải thực hiện đúng nguyên tắc, BOT không thể làm đường độc đạo, rồi ép người dân đi vào để thu phí.

Thiết lập trạm BOT vào con đường độc đạo là "trấn lột", áp đặt tất cả mọi người phải trả phí, điều đó là điều phi lý, trái với quy định của chúng ta và của quốc tế.

Các nước thực hiện BOT ở con đường khác, muốn đi nhanh, khấu hao thấp thì trả phí còn không muốn vẫn đi còn đường cũ.

Năm nay số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục hơn 130.000 doanh nghiệp, song có một vấn đề là lượng vốn chủ yếu đổ vào ngành kinh doanh bất động sản? Ông có bình luận gì về điều này?

Con số 130.000 doanh nghiệp thành lập mới là dấu hiệu đáng mừng cho kinh tế Việt Nam. Thế còn việc số doanh nghiệp ở lĩnh vực nào thành lập nhiều, số doanh nghiệp lĩnh vực nào thành lập ít, số vốn bao nhiêu còn tuỳ thuộc vào tín hiệu thị trường.

Nếu thị trường đánh giá bất động sản có lãi hơn, việc doanh nghiệp tập trung đầu tư vào đó cũng là điều dễ hiểu, với các lĩnh vực khác cũng tương tự.

Việc này không nên đánh giá quá trầm trọng mà nên coi là tín hiệu thị trường rồi họ sẽ tự điều chỉnh. Nếu bất động sản có lãi, họ sẽ tiếp tục đầu tư, nếu không sẽ rút lui rồi đầu tư ra lĩnh vực khác.

Thêm nữa, đầu tư vào bất động sản thu hồi vốn nhanh, trong khi đầu tư vào nông nghiệp hay các ngành nghề khác đòi hỏi phải đầu tư có bài bản, chiến lược lâu dài. Sau 5-10 năm mới có thể có lãi.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chúng ta cũng thấy, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo các doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, không dễ kiếm lãi. Về mặt lý thuyết rất hấp dẫn nhưng thực tiễn còn nhiều khó khăn nên doanh nghiệp vẫn dè chừng đầu tư.

Trong khi đó, đầu tư vào bất động sản, nếu có quan hệ, có nhóm lợi ích đằng sau hỗ trợ, doanh nghiệp có thể được hưởng lợi ích từ tiền đất giá rẻ, đầu tư vào đất nông nghiệp nhưng sau đó nhập nhèm để biến thành đất xây dựng, bán giá đắt, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều.

Năm qua, các thương vụ thoái vốn của Vinamilk, Sabeco được đánh giá là thành công, số tiền thu được vào ngân sách là tương đối lớn. Tuy nhiên, việc thu và chi số tiền này đang được dư luận quan tâm, ông có hiến kế gì để sử dụng số tiền này hay không?

Cổ phần hoá là bán tài sản của doanh nghiệp, vì vậy phải được đầu tư vào phát triển kinh tế của đất nước, không nên dùng chi tiêu thường xuyên.

Mặc dù trong năm qua, một số doanh nghiệp nhà nước đã tiến hành thoái vốn khủng nhưng tôi lưu ý, tốc độ cổ phần rất chậm, chỉ trừ Sabeco tiến triển suôn sẻ vì có thương hiệu quá lớn nên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Do vậy, tới đây phải cải thiện tốc độ cổ phần hoá.

Năm 2018 sắp tới, ông đánh giá gì về triển vọng kinh tế Việt Nam và làm gì để biến triển vọng này thành hiện thực?

Tôi chỉ xin chúc Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh. Cải cách thể chế và công khai minh bạch sẽ là chìa khoá để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam hiện nay cũng như đưa kinh tế Việt Nam phát triển và bền vững hơn.

Trân trọng cám ơn ông!

Theo Thúy Linh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên