MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Xung đột tiền tệ trong ngắn hạn song chưa đủ thành cuộc chiến

Việc giảm giá đồng nhân dân tệ ở thời điểm này là một cách phòng vệ thương mại, dù tiêu cực, để đối phó với hành động của Mỹ.

TS. Lê Xuân Nghĩa
TS. Lê Xuân Nghĩa
Chuyên gia tài chính ngân hàng
75 bài viết

- Lần đầu tiên đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống thấp kỷ lục so với đồng USD. 7 nhân dân tệ đổi 1 đôla Mỹ là mức giá tâm lý mà Trung Quốc đã giữ thời gian qua, xu hướng này có kéo dài và đáng lo ngại không thưa ông?

- Khi Mỹ đánh thuế 10% vào 300 tỷ USD hàng hóa, Trung Quốc dùng biện pháp phá giá tiền tệ cũng là một hình thức để giảm mức thuế vào nước này. Ví dụ, Mỹ đánh thuế 10% hàng hóa, Trung Quốc phá giá 5%, khi ấy, mức thuế bị đánh sẽ chỉ còn 5% trên giá trị của nhân dân tệ.

Việc giảm giá đồng nhân dân tệ ở thời điểm này là một cách phòng vệ thương mại, dù tiêu cực, để đối phó với hành động của Mỹ.

Tuy vậy, một vấn đề phát sinh, khi Trung Quốc phá giá đồng tiền thì vô hình trung làm ảnh hưởng tới một loạt các nước có quan hệ thương mại lớn với nước này như EU, Việt Nam, các nước ASEAN, Nhật Bản… Các nước sẽ có phản ứng trở lại tỷ giá hối đoái với Trung Quốc, điều chỉnh mạnh hay nhẹ tùy thuộc cán cân thương mại với nước này. Dứt khoát các nước sẽ có phản ứng. Lợi thế mà Trung Quốc muốn có ban đầu vì thế cũng sẽ giảm đi.

Việc giảm giá đồng nhân dân tệ (CNY) cũng không thể kéo dài vì có thể sẽ gây ra lạm phát từ chi phí đẩy và bất ổn tâm lý trong dân chúng, nhà đầu tư. Lo ngại về đồng tiền nội tệ mất giá liên tục dẫn đến thu nhập giảm giá trị, người dân sẽ tìm cách bảo hộ đồng tiền bằng hình thức mua vàng, đầu tư bất động sản hay những mặt hàng chiến lược dài hơi như dầu mỏ. Thị trường chứng khoán thời gian qua biến động mạnh, vàng sẽ tăng và thời gian tới bất động sản có thể sẽ biến động. Đầu tư cũng sẽ suy giảm.

TS Lê Xuân Nghĩa: Xung đột tiền tệ trong ngắn hạn song chưa đủ thành cuộc chiến - Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa. Ảnh: VGP.


- Có ý kiến lo ngại về sự xuất hiện của chiến tranh tiền tệ từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Góc nhìn của ông? 

- Nếu nói về chiến tranh tiền tệ, phải hiểu theo đúng định nghĩa là “một cuộc xung đột kinh tế, trong đó các nền kinh tế tìm cách giảm giá tiền tệ của mình và như vậy làm tăng khả năng cạnh tranh quốc tế, làm thiệt thòi các nền kinh tế khác”. Trong trường hợp Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ để tạo ra lợi thế về thương mại so với Mỹ và một loạt các nước khác, Mỹ và các nước cũng đồng loạt phá giá đồng tiền, khi ấy, cuộc chiến tranh tiền tệ mới diễn ra.

Mỹ cũng tuyên bố phá giá thì mới là cuộc chiến. Nhưng tôi cho rằng Mỹ sẽ không làm như vậy bởi nền kinh tế nước này không bị lệ thuộc vào xuất nhập khẩu như Trung Quốc và một số nước khác. Quy mô xuất nhập khẩu chỉ chiếm 25% GDP, ảnh hưởng của xuất nhập khẩu với Mỹ không lớn. Do đó, trường hợp Mỹ dùng biện pháp phá giá để tạo ra lợi thế về tiền tệ là khó hơn.

Trung Quốc phải phá giá vào thời điểm này bởi gộp cả việc đánh thuế và Fed giảm lãi suất, đồng USD cũng đang giảm giá so với CNY. Như vậy, Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Bên cạnh giảm giá đồng tiền, Trung Quốc cũng đã hành động quyết liệt khi ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ.

Để gọi là một cuộc chiến tranh hay không thì chưa thể khẳng định nhưng chắc chắn đây là một cuộc xung đột tiền tệ từ Mỹ và Trung Quốc đáp lại. Nếu tình trạng xung đột này kéo dài, các nước khác cũng sẽ cảm thấy lo ngại, thương mại toàn cầu suy giảm mạnh hơn.

Tôi cho rằng một cuộc chiến tiền tệ trước mắt và trong trung hạn chưa xảy ra. Bối cảnh căng thẳng hiện nay chưa hội đủ các mâu thuẫn toàn cầu lớn,  mâu thuẫn giữa toàn cầu hóa và bảo hộ chưa đến mức 1 mất 1 còn. Xu hướng bảo hộ và không bảo hộ xung đột một cách khủng khiếp, khi đó cuộc chiến tranh tiền tệ có thể sẽ xảy ra. 

Hiện nay và trong trung hạn, xu thế đó chưa rõ ràng mà tạm thời, những xung đột tiền tệ có tính chất ngắn hạn, trong vòng 6 tháng đến 1 năm. Dù gây xáo trộn rất lớn cho kinh tế Trung Quốc và kinh tế thế giới nhưng chưa có khả năng tạo ra 1 cuộc chiến lớn. Dù vậy, không nên coi thường các căng thẳng tiền tệ hiện nay, nhất là trước biến động do tâm lý.

- Việt Nam nên ứng xử thế nào trong trường hợp hiện nay khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác lớn về thương mại và đầu tư?

- Về cơ bản, Việt Nam nên ổn định một cách linh hoạt. Chúng ta không thể chạy theo những xung đột như vậy. Như trong năm 2014,Việt Nam từng phá giá theo Trung Quốc khiến lạm phát tăng lên, người dân đổ xô vào mua vàng, USD. Tâm lý kỳ vọng lạm phát của người Việt Nam rất lớn. Điều này sẽ gây biến động cho nền kinh tế. Nếu phá giá, tác động tiêu cực với nền kinh tế còn lớn hơn.

Biện pháp tỷ giá hối đoái nên được sử dụng thận trọng, nên điều chỉnh một cách có chọn lọc phụ thuộc vào diễn biến thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam nên áp dụng các biến pháp thuế quan, phi thuế quan qua hàng rào kỹ thuật, kiểm soát buôn lậu… để cải thiện xuất nhập khẩu.

Chúng ta nên thận trọng quan sát tiếp, không thể đoán trước để chọn biện pháp đi tắt đón đầu. Phương châm hành động sẽ là “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Theo Nam Anh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên