MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Nguyễn Đình Cung: Bộ Kế hoạch - Đầu tư nên tư duy "vượt khỏi cái tên của mình"

Dù đánh giá Bộ Kế hoạch – Đầu tư có dấu ấn then chốt trong quá trình đổi mới 30 năm của đất nước nhưng Viện trưởng CIEM vẫn nhấn manh, Bộ cần phải tư duy vượt ra khỏi 2 từ: "kế hoạch" và "đầu tư".

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Chiều ngày 15/1, Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018. Sự kiện có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự.

Năm 2017 được Bộ KHĐT nhìn nhận là một năm đầy ấn tượng với 3 thành tựu ấn tượng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội được Quốc hội giao đều hoàn thành. Đây là đà thuận lợi để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu năm 2018 cũng như chiến lược 10 năm 2011 – 2020.

Tầm vóc, vị thế và uy tín cũng đã được nâng lên tầm cao mới, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Bên cạnh đó, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước cũng đã dâng cao, khơi dậy lòng tự hào, tinh thần yêu nước...

Bộ Kế hoạch tự nhìn nhận có 9 đóng góp chính trong năm 2017. Ví dụ như thể chế hoá mạnh mẽ các chủ trương, đường lối của Đại hội đảng trên 3 lĩnh vực: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển bền vững. Hay Bộ đã đổi mới công tác quản lý, điều hành cũng như đã xây dựng thành công một số bộ luật như: Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ DNNVV,...

Nhận xét về những công việc của Bộ KHĐT, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã dành nhiều "lời khen có cánh".

Ông Cung nói bối cảnh hiện tại của Việt Nam cần tăng trưởng nhanh và dài, chuyển đổi cơ cấu liên tục, rất cần một cơ quan chủ trì, tham mưu cho Đảng và Chính phủ một cách toàn diện. Cơ quan này là không thể thiếu nhằm giải quyết các vấn đề như: xây dựng chiến lược phát triển đất nước; huy động và cân đối nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển và định hướng XHCN; xử lý các nút thắt của quá trình phát triển...

Theo ông, kinh nghiệm của các "con hổ châu Á" cho thấy tầm quan trọng không thể thiếu của cơ quan chủ trì tham mưu các vấn đề trung và dài hạn. Ví dụ như Uỷ ban Kế hoạch của Hàn Quốc giai đoạn 1961 – 1994, Uỷ ban Phát triển Kinh tế của Singapore hay gần đây là Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia của Trung Quốc.

"Nhìn lại 30 năm qua, những thời điểm phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về chính sách, thể chế mà ở đó đều ghi nhận dấu ấn đậm nét của ngành KHĐT", ông Cung nhận xét.

Những thành tựu này ông Cung cho rằng đã nổi bật trong 2 năm gần đây dưới sự điều hành sáng tạo của Chính phủ. Đặc biệt, cách thức tăng trưởng của nền kinh tế đã bắt đầu thay đổi theo hướng bền vững hơn.

"Ngành KHĐT có đóng góp không nhỏ vào thành công trên của đất nước", ông Cung nói. Ông cũng không tán thành với đề xuất gộp chung Bộ KHĐT vào Bộ Tài chính nói riêng và ngành KHĐT vào ngành tài chính nói chung.

Dù vậy, ông Cung cũng thừa nhận những gì mà ngành KHĐT làm vẫn còn cách xa với yêu cầu cải cách thể chế và phát triển kinh tế đất nước. Ngành vẫn chưa làm tốt vai trò kiến trúc sư của cải cách và phát triển, còn thiếu một số chức năng nhiệm vụ, một số chức năng thì làm chưa tốt, hoặc chưa phù hợp, hoặc trùng lắp với các bộ khác.

"Mặc dầu tên là KHĐT nhưng theo tôi tư duy của ta không nên gắn vào 2 chữ kế hoạch và đầu tư mà nên tư duy rộng hơn. Đó là thể chế và phát triển. Phải vượt ra tầm của hai chữ kế hoạch, đầu tư để làm tròn hơn vai trò của mình trong phát triển kinh tế ở các năm tiếp theo", TS. Nguyễn Đình Cung góp ý.

   

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên